Theo kế hoạch, ngày 9/12 - ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 17 của LHQ tại Nam Phi. Vì thế, đêm 9/12, các đại biểu tham dự Hội nghị đã phải tiếp tục làm việc “thâu đêm” sang ngày 10/12 nhằm tránh nguy cơ Hội nghị lâm vào bế tắc.
Trái với sự lạc quan đầy tin tưởng mà EU đưa ra vào sáng 9/12 về sự ủng hộ của nhiều nước đối với những đề xuất mà Liên minh châu Âu đưa ra tại Hội nghị biến đổi khí hậu lần này, diễn tiến những phiên thảo luận cuối cùng khiến người ta hoài nghi về một kết quả tích cực của hội nghị.
Tối 9/12, Cao ủy của Liên minh châu Âu về khí hậu, bà Connie Hedegaard khi phát biểu trước báo giới đã bày tỏ sự bị quan cho rằng khó có thể đạt được một thỏa thuận cắt giảm khí thải có tính ràng buộc về mặt pháp lý trong ngày cuối cùng của Hội nghị.
Bà nói: “Một điều chắc chắn rằng, Hội nghị đã thất bại. Tôi kêu gọi tất cả các nước phát thải nhiều nhất thế giới phải cam kết ngay bây giờ và đưa ra những tín hiệu chính trị rõ ràng rằng, họ sẽ giảm lượng phát thải, có sự cam kết về mặt pháp lý. Đây là mục tiêu mà chúng ta đang cố gắng theo đuổi tại Hội nghi này”.
Theo dự thảo mà Liên minh châu Âu đề xuất, đến năm 2015, tất cả các nước công nghiệp tham gia ký thỏa thuận sẽ phải thực thi cam kết có tính ràng buộc pháp lý nhằm cắt giảm lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Thỏa thuận sẽ có hiệu lực 5 năm sau khi được các bên ký kết. Theo dự thảo, 30 quốc gia công nghiệp có tên trong danh sách sẽ phải cắt giảm lượng phát thải theo giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012.
Theo quan điểm của EU, Brazil và Nam Phi, hai nền kinh tế mới nổi hiện tại có lượng phát thải lớn cũng đã ủng hộ đề xuất cắt giảm lượng phát thải. Tuy nhiên, dự thảo này sẽ chỉ được chấp thuận nếu có sự đồng thuận từ các nước tham gia.
Người phát ngôn Cao ủy khí hậu Liên minh châu Âu Issac Valderon nói: “Vấn đề mấu chốt ở đây cần được các bên tham gia tại Hội nghị trả lời là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ có chấp thuận cắt giảm lượng phát thải có sự ràng buộc về pháp lý hay không. Đây là một câu hỏi vẫn chưa có lời giải”.
Trong khi đó, một thực tế là đến nay, Mỹ tuyên bố sẽ chỉ cam kết khi tất cả các nước gây ô nhiễm lớn trên thế giới cùng có mức cam kết chung. Trung Quốc và Ấn Độ nói rằng sẽ là không công bằng nếu yêu cầu họ có mức cắt giảm tương đương các nước đã phát triển vốn gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới.
Lý giải cho sự kiên quyết này, một số chuyên gia khí hậu cho rằng, 3 quốc gia này không muốn kìm hãm đà phát triển kinh tế cho đến năm 2015. Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia về khí hậu, ngôn từ dự thảo của Liên minh châu Âu cho thấy, dự thảo khó có thể được chấp nhận vì chủ yếu mới chỉ đề cập đến khung pháp lý mà chưa đề cập được thời điểm chính xác khi nào, hoạt động cắt giảm lượng phát thải sẽ có hiệu lực và việc cắt giảm sâu lượng phát thải sẽ được thực thi như thế nào.
Kết quả đàm phán đã cho thấy “một cái chết được báo trước” của Nghị định thư Kyoto khi nhiều nhận định cho rằng COP-17 là cơ hội duy nhất để cứu Nghị định thư về biến đổi khí hậu duy nhất trên thế giới vào thời điểm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.