Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồi kết cuộc tập trận thế kỷ

Đình Hiệp| 16/03/2016 09:03

(HNM)- Các nhân viên kỹ thuật của Nga tại căn cứ không quân Hmeymin ở Syria bắt đầu chuẩn bị cho các chuyến bay tầm xa tới những căn cứ không quân ở Nga; binh sĩ Nga cũng đang khẩn trương chuyển trang thiết bị quân sự và vật dụng lên máy bay...

Nga sẽ rút phần lớn lực lượng quân đội khỏi Syria từ ngày 15-3.


Những diễn biến "bất thường" của lực lượng không quân Nga được ghi nhận tại Syria chưa đầy 24 giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin (tối 14-3) bất ngờ ra lệnh cho quân đội rút các đơn vị chủ lực khỏi Syria.

Quyết định được Tổng thống V.Putin đưa ra trong cuộc gặp Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Với lý do "các nhiệm vụ giao cho Bộ Quốc phòng nhìn chung đã được thực hiện; các quân nhân Nga đã cho thấy tính chuyên nghiệp, sự phối hợp, khả năng tổ chức chiến đấu cách xa lãnh thổ", Tổng thống V.Putin hy vọng việc rút quân khỏi Syria sẽ đem lại động lực mới cho tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị ở Syria. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga khẳng định, Mátxcơva vẫn sẽ duy trì căn cứ không quân và hải quân tại Syria để hỗ trợ giám sát lệnh ngừng bắn tại nước này.

Không kém bất ngờ như khi Điện Kremlin mở chiến dịch không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trên lãnh thổ Syria cách đây hơn 5 tháng, sự kiện Nga đột ngột tuyên bố rút quân khỏi Syria ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Một loạt câu hỏi về nguyên do Nga triệt thoái "sức mạnh" khỏi Syria cũng như quyết định đầy tính quyết đoán của Tổng thống V.Putin sẽ tác động như thế nào đến cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này? Có thể khẳng định rằng, kể từ khi Nga mở chiến dịch không kích IS tại Syria (từ cuối tháng 9-2015) - được ví như "cuộc tập trận thế kỷ" của Nga - cục diện chiến trường Syria đã xoay chuyển nhanh chóng.

Quân đội Chính phủ Syria, với sự hỗ trợ từ hơn 9.000 đợt không kích của Nga, đã giành lại 400 khu dân cư và hơn 10.000km2 lãnh thổ. Sự trợ giúp từ các cuộc oanh kích của Nga - cả tên lửa hành trình từ đại dương - đã giúp quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát nhiều cơ sở lọc dầu và khí đốt quan trọng gần thành phố Palmyra, đưa vào hoạt động trở lại 3 cơ sở hóa dầu lớn khác. Kết thúc chiến dịch không kích, 209 cơ sở sản xuất dầu và gần 3.000 phương tiện vận chuyển của IS bị không lực Nga phá hủy. Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria không chỉ giúp Mátxcơva khẳng định vị thế trên trường quốc tế mà còn tạo cho Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad lợi thế không thể đảo ngược trong cuộc đàm phán hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc với sự hậu thuẫn của Nga và Mỹ đang diễn ra ở Geveva (Thụy Sĩ).

Trong những giờ qua, có không ít ý kiến giải mã nguyên nhân Nga bất ngờ rút quân khỏi Syria. Một trong những nguyên nhân được quan tâm là Mátxcơva "cạn tiền" để kéo dài chiến dịch. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày quân đội Nga "đốt" hết 4 triệu USD ở chiến trường Syria. Trong bối cảnh nền kinh tế Nga lao đao vì giá dầu giảm liên tiếp cùng những khó khăn do lệnh cấm vận của phương Tây, việc Nga triệt thoái quân khỏi Syria - ngay trước thềm cuộc đàm phán hòa bình ở Syria - là "nước cờ" mang đậm dấu ấn của nhà lãnh đạo V.Putin.

Lệnh rút quân khỏi Syria được ông chủ Điện Kremlin đưa ra đúng thời điểm nổ ra cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad cách đây 5 năm và đã leo thang thành nội chiến. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Syria bước sang năm thứ 6, các nước phương Tây dường như quyết tâm hơn trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến. Vì nó đã và đang khiến làn sóng di cư hướng tới Châu Âu bùng nổ thành cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại Cựu lục địa kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai; đồng thời "tạo đất" cho sự trỗi dậy của IS.

Dù sự hợp tác mới đây giữa Mỹ và Nga vừa giúp đem lại cuộc ngừng bắn mới và đưa các phe phái tới bàn đàm phán ở Geneva, nhưng quan điểm của Chính phủ Syria và phe đối lập còn quá nhiều khác biệt. Bất đồng cốt lõi giữa chính quyền và phe đối lập là vai trò tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad. Với phe đối lập, bất kỳ "cương vị" nào dành cho ông Bashar al-Assad trong quá trình chuyển giao là không thể.

Ngược lại, ở thế "thượng phong" sau sự can dự sức mạnh của Nga khiến ông Bashar al-Assad không thấy có lý do để thỏa hiệp hay cân nhắc việc ra đi. Dẫu những thách thức vẫn còn đó, nhưng Điện Kremlin hẳn hy vọng: Sự kiện lui binh khỏi Syria ngay trước đàm phán sẽ mang lại động lực đáng kể thúc đẩy cuộc hòa đàm ở quốc gia Trung Đông sớm đến một hồi kết có hậu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hồi kết cuộc tập trận thế kỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.