(HNM) - Cuộc chiến pháp lý kéo dài 5 năm qua giữa Công ty thăm dò dưới biển của Mỹ Odyssey Marine Exploration (OME) ở bang Florida và Chính phủ Tây Ban Nha để giành quyền kiểm soát kho báu trên con tàu Our Lady of Mercy đã đi đến hồi kết.
Ngày 24-2 vừa qua, toàn bộ kho báu 23 tấn vàng, bạc trị giá khoảng nửa tỷ USD này đã được "hồi hương" trên hai máy bay vận tải quân sự của Tây Ban Nha.
Những đồng xu sau hơn 200 năm nằm ở đáy biển. |
Tàu Our Lady of Mercy bị tàu chiến Anh đánh chìm trên vùng biển Bồ Đào Nha gần eo biển Gibraltar trong trận chiến ở Mũi Santa Maria vào tháng 10-1804. Lúc bị đắm con tàu đang trên đường trở về Tây Ban Nha từ Peru. Sau hơn 200 năm mất tích dưới đáy biển, tháng 5-2007, con tàu được tìm thấy ở độ sâu hơn 500 mét ngoài khơi Đại Tây Dương gần bờ biển Bồ Đào Nha. Điều đáng ngạc nhiên là khi chìm con tàu chở theo 4.436.519 đồng peso vàng và bạc, nhưng lúc được phát hiện xác tàu chỉ còn chứa những đồ vật bằng vàng và hơn 500.000 đồng xu bạc. Vào thời điểm đó, kho báu mà Công ty OME tìm thấy được các nhà sưu tập trả tới nửa tỷ USD, biến Our Lady of Mercy thành một trong những xác tàu đắm giá trị nhất trong lịch sử thế giới.
Ngay sau khi tìm thấy kho báu trên con tàu, Công ty OME bất chấp nhiều trở ngại về pháp lý vội vã chuyển các đồng xu về TP Tampa, bang Florida và chuẩn bị các thủ tục để khẳng định quyền sở hữu với kho báu. Song chính quyền Tây Ban Nha đã phản đối kịch liệt khi đưa ra nhiều tài liệu chứng minh đây là tàu hải quân. Theo các công ước quốc tế đến nay, những con tàu chiến chìm trong chiến trận được bảo vệ trước những kẻ săn lùng kho báu. Chính phủ Tây Ban Nha cũng chứng minh rằng họ chưa bao giờ từ bỏ quyền sở hữu con tàu và lô hàng nó mang theo. Tuy nhiên, Công ty OME lập luận rằng, con tàu này không được hưởng quyền "miễn trừ" bởi nó đang trong hành trình mang mục đích thương mại khi bị chìm, nên không thể được coi là tàu chiến.
Cuối cùng mọi lý lẽ của Công ty OME đã không được chấp nhận. Tháng 12-2009, thẩm phán Steven D.Merryday của Tòa án liên bang Mỹ ở Tampa đã ủng hộ quan điểm của Tây Ban Nha khi thừa nhận, tòa án Mỹ không có quyền liên quan tới tài sản thu được từ con tàu này. Trong nỗ lực cứu kho báu vốn không thuộc về mình, Công ty OME đã thua liên tiếp tại các phiên xử ở tòa liên bang. Trong đó, Tòa thượng thẩm liên bang Mỹ khu vực 11 ở Atlanta cũng phán quyết, việc trả lại kho báu cho Công ty OME sẽ không nhất quán với những quyền của Tây Ban Nha được quy định trong Hiệp ước Hữu nghị thân thiện năm 1902 giữa Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Tây Ban Nha. Trở ngại cuối cùng để Tây Ban Nha được sở hữu kho báu đã được dỡ bỏ vào ngày 18-2 vừa qua, khi thẩm phán Mark Pizzo của Tòa án liên bang ở TP Tampa từ chối yêu cầu của Công ty OME đòi Chính phủ Tây Ban Nha trả cho họ khoản tiền 412.814 USD cho việc lưu giữ kho báu.
Ngay sau phán quyết trên được đưa ra, ngày 24-2 vừa qua Tây Ban Nha đã điều hai máy bay quân sự C-130 đến căn cứ quân sự của không quân Mỹ ở TP Tampa để đưa kho báu về nước. Một ngày sau, hai chiếc máy bay chở kho báu đã về tới thủ đô Madrid an toàn trước sự bảo vệ nghiêm ngặt của 30 sĩ quan từ lực lượng Dân phòng Tây Ban Nha. Mặc dù, Công ty OME vẫn còn có thể kháng án một lần nữa để yêu cầu toàn bộ các thẩm phán của Tòa tối cao Mỹ xem xét lại, nhưng cơ hội của họ là không nhiều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.