Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồi kết của chuỗi hoảng loạn

Vân Khanh| 12/08/2010 06:48

(HNM) - Không gây chấn động như khi tuyên bố virus cúm A/H1N1 đã trở thành đại dịch trên quy mô toàn cầu cách đây hơn một năm, tuyên bố của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - bà Margaret Chan hôm 10-8, khẳng định đại dịch đã chấm dứt, được dư luận đón nhận khá bình thản.

Có lẽ những diễn biến không như dự báo của dịch bệnh từ khi được WHO "nâng cấp" lên tầm cỡ thế giới ngày 11-6 năm ngoái, cùng "nghi án thế kỷ" chưa có lời giải đáp về sự "đi đêm" giữa các chuyên gia WHO và nhiều hãng bào chế vắcxin đã khiến nhiều người tin rằng việc dỡ bỏ cảnh báo ở cấp độ cao nhất - cấp độ 6 - chỉ là chuyện một sớm một chiều. Quyết định của Ủy ban Khẩn cấp thuộc WHO về dỡ bỏ báo động một đại dịch từng tạo nên "cơn sốt" trên toàn thế giới được thực hiện sau khi các dữ liệu cho thấy ảnh hưởng của virus cúm A/H1N1 trên toàn cầu đã chỉ ở mức thông thường trong mùa cúm. Chỉ có 300 trường hợp bệnh mới được ghi nhận trên thế giới trong 2 tháng vừa qua. Tuyên bố thế giới đã bước vào giai đoạn hậu đại dịch của WHO đã khép lại câu chuyện về một dịch bệnh khiến cả địa cầu hoảng loạn; đồng thời làm dày hơn mối nghi hoặc về sự minh bạch của cơ quan y tế lớn nhất hành tinh này.

Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan tuyên bố thế giới bước vào giai đoạn hậu đại dịch cúm A/H1N1.

Hơn một năm trước, virus với cái tên mới "cúm A/H1N1" đã đẩy hàng tỷ người trên thế giới vào nỗi lo sợ. Từ khắp nơi, người ta hướng về Mexico, nơi lần đầu tiên loại virus này tấn công con người hôm 27-4-2009 và phát tán với tốc độ nhanh chóng theo thông báo của WHO. Cuộc sống như chậm lại khi nhiều địa điểm công cộng tại những khu vực nghi có dịch cúm tràn qua vắng bóng người. Một thời gian ngắn sau đó, nhiều nước khác báo động dịch bệnh khi ghi nhận số ca tử vong tăng. Sự hoang mang lên đến cao điểm do chưa đầy 2 tháng sau, WHO chính thức công bố: cúm A/H1N1 là đại dịch toàn cầu lần đầu tiên trong 40 năm qua.

Ký ức kinh hoàng về đại dịch cúm Hồng Kông năm 1968 cướp đi mạng sống của khoảng 800.000 người và danh sách người chết vì virus cúm A/H1N1 trên thế giới ngày càng dài thêm đã buộc chính phủ nhiều nước không tiếc tiền lao vào cuộc đua để giành bằng được hợp đồng cung cấp vắcxin từ một số hãng dược phẩm danh tiếng có khả năng sản xuất loại thuốc đặc trị này. Cảnh báo từ WHO cho biết, thế giới cần tới 3 tỷ liều vắcxin trong khi các hãng bào chế chỉ có thể sản xuất tối đa 900 triệu liều mỗi năm đã gây ra tình trạng khan hàng hiếm thấy trong một thế giới cạnh tranh. Xứ sở Sương mù hăng hái dẫn đầu khi quyết định "xuất kho" 1,2 tỷ euro mua vắcxin để tiêm phòng cho tất cả người dân. Chính phủ Ðức dù số ca tử vong chưa cao cũng đã đặt mua 50 triệu liều thuốc với giá trên 700 triệu euro. Pháp cũng tiếp bước với hợp đồng 94 triệu liều vắcxin. Ngay chính phủ một quốc gia 10 triệu dân như Hungary cũng gửi đơn đặt hàng tới 4 triệu liều thuốc...

Tuy nhiên, trong khi giới chức nhiều quốc gia đang hoan hỉ vì đã nhanh chân có được "lá bùa hộ mệnh" thì cáo buộc từ Chủ tịch Ủy ban Y tế của Hội đồng châu Âu - ông Wolfgang Wodarg - cho rằng WHO đã bắt tay với các hãng dược để thổi phồng độ nguy hiểm của dịch cúm A/H1N1 nhằm bán vắcxin đã gây một cơn choáng váng trên toàn thế giới. Nhiều thông tin dần được đưa ra, từ việc WHO đã thay đổi định nghĩa về đại dịch, một số nhà khoa học cao cấp của tổ chức này ăn lương của các hãng dược phẩm hàng đầu..., đến thực tế bệnh dịch đang nhạt đi với số thương vong thấp hơn nhiều so với dự báo đã khiến người ta giật mình nhìn lại. Song đã quá muộn để phanh lại những hợp đồng mang tính quốc tế đã ký kết. Chỉ có 65 triệu liều vắcxin trong số 1 tỷ liều đã bán được tiêm chủng tại hơn 16 quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, các hãng dược bỏ túi tới 10 tỷ USD. Đây là một nghịch lý về một đại dịch làm nổ ra cuộc điều tra hi hữu từ châu Âu liên quan tới WHO; đến nay cuộc điều tra vẫn tiếp diễn và WHO vẫn chưa thoát khỏi vụ bê bối y tế lớn nhất thế kỷ.

Số liệu mới nhất xác nhận đại dịch cúm A/H1N1 đã khiến gần 18.500 người tại 214 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng thiệt mạng, ít hơn nhiều so với dự báo 7.500.000 người của WHO. Vui mừng vì đại dịch cúm A/H1N1 không gây hậu quả nghiêm trọng như dự báo, nhưng các nước không thể yên lòng trước nhiều tỷ USD bị lãng phí vào hàng triệu liều thuốc sắp hết hạn. Vẫn biết rằng phòng ngừa là cần thiết; song cơn đại dịch vừa qua cho thấy, sự minh bạch và đủ khôn ngoan mới là liều thuốc hiệu quả nhất chống lại các đại dịch đe dọa con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi kết của chuỗi hoảng loạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.