Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồi kèn xung trận

Lê Xuân Đức| 19/02/2015 07:28

(HNM) - Trên thế giới hiếm có vị đứng đầu nhà nước nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi khi năm mới tới - Tết đến, xuân về đều có Thơ chúc Tết - mừng xuân đồng bào, chiến sĩ cả nước và bầu bạn khắp năm châu. Điều đó đã trở thành nét đẹp văn hóa của Bác và của dân tộc.



Sinh thời của Bác, cứ đến thời khắc giao thừa thiêng liêng của đất trời và lòng người, nhân dân ta hồi hộp, xúc động đón nghe tiếng nói ấm áp, hiền từ, âm vang của Bác Chúc mừng năm mới, Mừng xuân mới, Mừng Việt Nam, Mừng thế giới. Bác để lại cho chúng ta 22 bài thơ Chúc Tết - mừng Xuân, đó là những bài thơ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân bất hủ trong gia tài thơ xuân của dân tộc.

Bài thơ chúc Tết - mừng Xuân đầu tiên là bài Mừng xuân năm 1942 khi Bác mới về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, bài cuối cùng Mừng xuân 1969 trước khi Người đi xa. Trong 22 bài thơ này, Bác dùng tới 20 chữ chúc, 25 chữ mừng, 18 chữ xuân, 4 chữ Tết giàu sắc thái biểu cảm và ý nghĩa khác nhau. Nhiều bài thơ, đầu câu thơ là lời mừng, lời chúc: Mừng năm Thìn vừa qua/ Mừng xuân Tỵ đã tới/ Mừng phát động nông dân/ Mừng hậu phương phấn khởi/ Mừng tiền tuyến toàn quân/ Thi đua chiến thắng mới/ Mừng toàn dân đoàn kết/ Mừng kháng chiến thắng lợi/ Mừng năm mới nhiệm vụ mới/ Mừng toàn thể chiến sĩ và đồng bào/ Mừng phe dân chủ, hòa bình thế giới (Mừng Tết Quý Tỵ - 1953); Chúc miền Bắc hăng hái thi đua/ Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới/ Chúc hòa bình thống nhất thành công/ Chúc Chủ nghĩa xã hội thắng lợi (Mừng xuân - 1961).

Đọc thơ xuân, làm thơ chúc Tết đã là một sinh hoạt truyền thống trong đời sống cũng như trong văn học của dân tộc ta. Song, có một điều khác hẳn là, thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác không phải là thơ chúc tụng thường tình. Thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác trước hết là tình cảm rộng lớn vĩ đại, chân thành, trung hậu của Bác đối với nhân dân, dân tộc, con người. Những lời chúc, lời mừng đầu năm của Bác gói ghém bao tình cảm yêu nước, yêu dân, lòng hữu ái giai cấp, tinh thần quốc tế cao cả. Tình cảm ấy thấm sâu vào lòng người nồng ấm, thiết tha, xao xuyến, rạo rực, bật ra sức mạnh tiềm tàng của truyền thống, của hiện tại và của cả tương lai. Thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác là một hiện tượng rất dân tộc nối tiếp và làm phong phú truyền thống tốt đẹp; đồng thời là một hiện tượng độc đáo bởi trong thơ ấy, Bác chúc, Bác nói rõ đường hướng, việc làm cụ thể của một năm, một giai đoạn. Nếu tổng hợp toàn bộ những bài thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác theo trật tự thời gian, thì một hiện tượng hết sức diệu kỳ hiện ra, đó là đường lối cách mạng của Đảng, của Bác qua những chặng đường cụ thể của hai cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc được thể hiện bằng một hình thức giản dị, dễ hiểu. Những bài thơ ấy đã đi vào lòng quần chúng, giúp cho quần chúng thấu triệt đường lối, mục tiêu cách mạng và ý thức rõ ràng nhiệm vụ của mình. Trong thơ Bác, cái tình và đường lối thẩm thấu, quyện chặt vào nhau, cũng như nhà tư tưởng, nhà chính trị và nhà thơ thống nhất làm một. Đường lối nâng cái tình lên mức cao quý thiêng liêng. Cái tình đưa đường lối đi vào quần chúng nhẹ nhàng, cơ động.

Thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác còn là hồi kèn xung trận, là khẩu hiệu hành động, là lời kêu gọi, lời hịch của cha ông và của Đảng hòa vào tiếng nói, tiếng thơ của một con người thời đại, một lãnh tụ vĩ đại. Lời Chúc năm mới của Bác năm đầu tiên của cuộc kháng chiến trường kỳ 1947 - Đinh Hợi là phát súng lệnh: Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!/ Thống nhất độc lập nhất định thành công!. Bài thơ cuối cùng Bác Mừng xuân 1969 trở thành lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết, lời hịch của cha ông vang vọng từ ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta với muôn đời con cháu: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào!/ Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn. Vanđét Vivo Đại sứ Cuba đầu tiên tại Việt Nam có câu nói nổi tiếng: Bác Hồ lãnh đạo chiến tranh bằng thơ. Tiếc thay bọn Đế quốc sai lầm vì chúng không đọc thơ Người. Đồng chí Xuân Thủy đã nói đúng cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta về thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác: Mỗi vần thơ chúc Tết tối ba mươi/ Như pháo nổ, như hoa cười, như truyền hịch. Những lời chúc, lời mừng chân thành nhất xuất phát từ một tâm hồn rộng mở, một tầm tư tưởng lớn của thời đại, khi nói, khi viết là thành thơ. Thơ ấy thân ái, nôm na. Thơ ấy sống và sống mãi. Sức sống của thơ Bác là nói một cách dễ hiểu, sâu sắc, hàm súc về những vấn đề trung tâm của cách mạng, đáp ứng sự chờ đón, khát khao của quần chúng, giải đáp những câu hỏi của thời đại. Bất cứ bài thơ chúc Tết - mừng Xuân nào của Bác cũng xuất phát từ yêu cầu, từ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Chẳng hạn như Bác Chúc Tết năm Giáp Ngọ - 1954: Năm mới quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành/ Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập, tự do/ Cải cách ruộng đất là công việc rất to/ Dần dần làm cho người cày có ruộng, khỏi lo nghèo nàn.

Chất liệu thơ Bác là chất liệu của hiện thực, hiện thực được ánh sáng lý tưởng soi rọi nên vừa chân thực, vừa bay bổng. Tất cả hài hòa trong cái nhìn toàn diện, thấu đáo. Thơ ấy linh hoạt, đa dạng, không bị câu thúc bởi niêm luật hoặc sự gò bó của thể loại. Thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác có nhiều bài nghiễm nhiên gia nhập thơ ca dân gian, nhiều bài đã là đề tài cho sáng tác âm nhạc. Nhiều nhạc sĩ đã cố gắng từ những bài thơ của Bác sáng tạo và làm phong phú thể hát chúc, hát mừng của nền âm nhạc dân tộc.
Mỗi khi đất nước sang xuân, mỗi lần Tết đến, chúng ta lại khám phá thêm được cái hay, cái đẹp của thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác. Khép bài viết, xin được mượn mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu làm lời kết luận:
Bác ơi,
Tết đến giao thừa đó
Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần
Ríu rít đàn em vui pháo nổ
Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân
(Theo chân Bác).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hồi kèn xung trận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.