(HNM) - Tại hội nghị các nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh (từ ngày 27 đến ngày 29-5), dù chỉ có hai đại biểu giới dịch giả trẻ được tham dự song tiếng nói của họ rất đáng để suy nghĩ. Trong đó có câu chuyện văn học dịch phát triển mạnh mẽ bên cạnh sự yếu ớt của truyền bá văn học Việt ra nước ngoài.
Số lượng tác phẩm văn học dịch chiếm khoảng 50% số sách xuất bản. Ảnh: Dương Thủy |
Tri thức từ văn học nước ngoài
Từ khi Việt Nam ký Công ước Berne về bản quyền tác giả, số lượng tác phẩm văn học dịch chiếm khoảng 50% số sách xuất bản. Trước đó, văn học dịch lớn hơn rất nhiều vì các nhà xuất bản không bị bất cứ ràng buộc và hạn chế nào.
2/3 công việc của các công ty xuất bản tư nhân và ít nhất trên 1/2 đầu sách xuất bản của các NXB lớn là tác phẩm văn học dịch, chiếm ưu thế áp đảo trên thị trường sách. Bên cạnh việc góp phần quan trọng bảo đảm nguồn sách xuất bản hằng năm, đáp ứng nhu cầu của độc giả trong nước, văn học dịch còn góp một phần to lớn vào việc giới thiệu nền văn hóa của các nước với độc giả Việt Nam. Qua đó, người đọc trong nước hiểu một cách cặn kẽ và cụ thể về văn học nước ngoài... Việc giới thiệu các tác phẩm văn học dịch nước ngoài suốt nhiều năm qua khiến chúng ta phần nào thu hẹp được khoảng cách với thị trường xuất bản thế giới. Phần lớn các tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng đều được dịch và phát hành nhanh chóng sau khi bản gốc ra đời vài tháng, thậm chí còn phát hành song song như các bộ: Harry Potter (tác giả Anh J.K. Rowling), Percy Jackson (tác giả Mỹ Rick Riordan), bộ truyện về ma cà rồng: Chạng vạng, Trăng non, Nhật thực, Hừng đông (tác giả Mỹ Stephenie Meyer)...
Bên cạnh những câu chuyện, những nhân vật tưởng tượng, bạn đọc còn có thể hình dung được phần nào bối cảnh xã hội, cuộc sống của con người hiện đại, cùng những nét văn hóa, địa lý của quốc gia, vùng lãnh thổ đó. Điều này đặc biệt được thể hiện rất phong phú ở những tiểu thuyết đương đại viết theo lối tả thực truyền thống, dẫu bút pháp có châm biếm hoặc đả kích. Chẳng hạn tiểu thuyết Tôi là Lưu Nhảy vọt, Điện thoại di động của nhà văn Trung Quốc Lưu Chấn Vân đã khắc họa được bức tranh xã hội hiện đại ở nước này.
Bên cạnh đó, các tác phẩm văn học dịch được giới thiệu thường xuyên và đầy đủ sẽ cung cấp cho các nhà chuyên môn (nhà văn, nhà phê bình văn học, các độc giả trí thức...) những cái nhìn khái quát về từng dòng văn học cùng những đặc điểm rõ nét của chúng. Thưởng thức nhiều tác phẩm của cùng một tác giả cũng là cách để hiểu rõ hơn về phong cách sáng tác cũng như văn phong của họ. Không thể phủ nhận rằng, thông qua chính các tác phẩm văn học dịch nước ngoài, các tác giả Việt Nam, đặc biệt là người trẻ sẽ có được một nguồn tham khảo dồi dào về cách kết cấu tác phẩm, cách phát triển đề tài của từng dòng văn học, từ đó có thể tìm được cho mình một con đường sáng tác phù hợp với khả năng.
Lộ trình “xuất khẩu” văn học Việt
Số tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài và xuất bản, phát hành ra thị trường văn hóa đọc quốc tế chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Việc xuất khẩu sách văn học trong nước từ trước tới nay vẫn chưa có một lộ trình chính thức, chuyên nghiệp và một kế hoạch cụ thể, dài hơi từ phía các cơ quan chức năng nhằm quảng bá văn học Việt Nam đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng thời điểm.
Trước đây, việc dịch các tác phẩm văn học Việt ra các ngôn ngữ khác phần lớn chỉ được thực hiện một cách đơn lẻ, mang tính chủ quan do mối quan hệ cá nhân với các nhà xuất bản nước ngoài hoặc vì sự yêu thích của các dịch giả đối với bản thân tác phẩm hay với tác giả. Một NXB lớn và hoạt động lâu năm như NXB Trẻ cũng chỉ lần đầu phát hành bản dịch tiếng Anh cho cuốn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (tác giả Nguyễn Ngọc Thuần) vào đầu năm 2010. Hiện nay, đa số các NXB Trung Quốc không có thông tin về văn học Việt Nam cũng như nhà văn Việt Nam. Giản đơn là không có NXB hoặc đơn vị xuất bản trong nước chào mời tác phẩm với họ. Các trang web giới thiệu sách Việt không có tiếng nước ngoài nên không tạo cơ hội cho các NXB nước ngoài tìm hiểu. Vì vậy, khi một đơn vị xuất bản của phía Trung Quốc muốn tìm hiểu và lựa chọn tác phẩm để mua bản quyền và dịch, họ cũng không biết căn cứ vào đâu. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường lớn cho phát hành sách và các NXB ở quốc gia này mua, dịch rất nhiều sách văn học phương Tây và cả văn học Thái Lan.
Giới xuất bản Việt Nam và các cơ quan chức năng cần dành nhiều thời gian quan tâm tới việc xuất khẩu tác phẩm văn học nước nhà. Công việc này thực sự rất cần có một lộ trình thống nhất, được chuẩn bị kỹ lưỡng, tập hợp được đội ngũ dịch giả giỏi, chuyên tâm với nghề, hoạt động dưới một quỹ quảng bá văn học Việt hoặc một quỹ dịch thuật chuyên nghiệp để họ yên tâm làm việc. Chỉ có thế, hình ảnh về con người, văn hóa, đất nước Việt Nam mới được giới thiệu ra thế giới một cách đầy đủ, phong phú, sinh động và giàu sức thuyết phục. Nền văn học Việt Nam cũng nhờ thế mà hy vọng sớm ghi tên mình trên bản đồ văn học thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.