(HNM) - Hiện nay, nhiều làng nghề ngoại thành Hà Nội đang hối hả sản xuất để kịp hàng cho mùa Tết. Những chiếc xe máy, xe tải hạng nhẹ nối đuôi nhau về cất hàng, mang theo những xấp bánh đa nem, miến, quần áo, giày dép...
Càng rét càng đắt hàng
Trời càng rét, làng nghề sản xuất giày da Phú Yên (Phú Xuyên) càng sôi động, người người, nhà nhà hối hả, khẩn trương cắt, dán, hoàn thiện những chiếc giày đủ kiểu để kịp giao cho khách. Gần Tết, nhu cầu mua sắm càng tăng nên phải làm cật lực mới kịp giao hàng. Anh Nguyễn Văn Thạo, chủ cơ sở sản xuất giày da cao cấp Thạo Hương, xã Phú Yên (Phú Xuyên) cho biết, trong xã có tới 90% số hộ tham gia làm nghề, trong đó có gần 100 hộ sản xuất lớn, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Bình quân, mỗi ngày, mỗi người thợ ở đây có thu nhập thấp nhất từ 100 đến 300 nghìn đồng.
Làm miến phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới tại xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai). Ảnh: Thái Hiền
Cách Tết còn chưa đầy một tháng, nhưng LN đã vào vụ cả tháng nay. Dịp Tết, mỗi tuần có hàng chục vạn sản phẩm giày da do người dân Phú Yên sản xuất được bày bán ở chợ, các shop, các phố thời trang, nổi tiếng của Thủ đô. Ngay như cơ sở Thạo Hương hiện công nhân làm việc tăng ca 3 mà vẫn không đủ hàng giao cho các đơn vị đã đặt. Trung bình mỗi ngày, cơ sở này xuất ra thị trường khoảng 300 đôi giày các loại… Làm nghề cả năm, nhưng thời điểm cuối năm, thời tiết lạnh cộng với nhu cầu mua sắm tăng lên, người dân Phú Yên mới thực sự vào vụ. Anh chị Hạnh Quang, chủ cơ sở giày da nổi tiếng ở Phú Yên chia sẻ, năm nào cũng vậy, từ dịp Noel cho đến Tết Nguyên đán, các mặt hàng giày, giày thể thao ở Phú Yên sản xuất đều bán rất chạy. Năm nay, mùa đông rét muộn hơn nên không khí LN cũng sôi động muộn nhưng không vì thế mà hàng bán chậm. Tháng cận Tết gia đình anh chị cũng đang phải "tăng tốc" để nhanh chóng hoàn thành một số hợp đồng cho hệ thống cửa hàng thời trang ở Đà Nẵng, Vinh, Hà Nội...
Sản lượng tăng gấp 3-4 lần
LN tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) đang bước vào thời điểm sôi động nhất trong năm. Xe ô tô nườm nượp đến bốc hàng, các xưởng hoạt động hết công suất. Cả LN đang chạy đua cùng Tết, nằm sát quốc lộ 21B, cách trung tâm Hà Nội chừng 30km, đường làng, ngõ xóm nhuộm một màu đỏ rực từ những bãi tăm hương. Nghề làm hương xạ cũng như chẻ tăm hương ngoài giải quyết việc làm cho trên 90% lao động tại địa phương, vào dịp Tết Nguyên đán còn thu hút tới gần 5.000 lao động ở khu vực lân cận như Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An. Ông Lê Văn Huynh, chủ một cơ sở sản xuất hương cho biết, thông thường mọi người làm đến 5h chiều thì nghỉ, nhưng dịp này ai cũng cố làm thêm 1 đến 2 giờ cho kịp tiến độ; còn anh Đặng Văn Phực (thôn Phú Thượng), chủ một cơ sở khác cho biết: Để bảo đảm tiến độ giao hàng cho khách, tôi đã phải thuê thêm 30 công nhân, làm việc 3 ca liên tục suốt từ 2 tháng nay. Hiện tại, mỗi ngày tôi cho xuất xưởng trên 1 tấn tăm hương. Không chỉ phục vụ nhu cầu tại Thủ đô, tăm hương Quảng Phú Cầu còn chuyển đi các tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An… Ngoài thị trường trong nước, tăm hương Quảng Phú Cầu cũng xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia.
Rời LN tăm hương Quảng Phú Cầu chúng tôi đến các LN tráng bánh đa nem Ngự Câu, xã An Thượng và làng làm miến Dương Liễu, Cát Quế (Hoài Đức), Cự Đà (Thanh Oai). Mặc dù sản xuất quanh năm nhưng những loại hàng hóa, thực phẩm như miến dong, bánh đa nem... luôn có sức tiêu thụ tăng đột biến trong dịp Tết đến, xuân về. Theo ông Nguyễn Như Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Quế (Hoài Đức), người làm bánh đa nem, miến ở đây những ngày này không mấy được ngủ trọn đêm, họ luôn phải thức khuya, dậy sớm để làm, giao hàng kịp thời cho khách hàng. Hầu hết các hộ làm nghề đều phải tăng cường độ làm việc gấp 5-6 lần thời điểm giữa năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.