Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội đồng quản trị VPF: Đại diện cho lợi ích nào?

Huy Hoàng| 05/10/2011 06:55

Chiều 3-10, lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã báo cáo Bộ VH-TT&DL về việc cho ra đời Công ty Tổ chức bóng đá chuyên nghiệp VPF và lãnh đạo bộ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc này. Trên cơ sở đó, Thường trực VFF giao cho PCT VFF Phạm Ngọc Viễn đứng đầu nhóm của VFF làm việc với đại diện các CLB để biên soạn Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp 2012 cũng như chuẩn bị các bước để hình thành VPF.

Trong xu thế quyền lực của các ông bầu đang lên như diều gặp gió, một bộ phận các nhà quản lý đang lo ngại VPF sẽ nằm dưới sự thao túng của một số ông bầu giàu quyền lực. Khi đó, có lẽ mối nguy hại sẽ còn lớn hơn cả khi nó nằm trong tay VFF, bởi dẫu sao VFF vẫn là tổ chức mang tính trung lập cao, không chủ trương hướng đến lợi ích cục bộ của một nhóm nào.

Trong những ngày qua, điện thoại của các quan chức VFF đã nhận được không ít cuộc gọi từ nhiều nơi phiền trách về việc đã vội vàng khi đồng ý cho "khai sinh" VPF mà chưa cân nhắc hết thiệt hơn. Về lý thuyết, giao giải đấu lại cho các CLB là bước đi tất yếu, nhưng việc VFF giám sát, quản lý VPF thế nào, hay cơ cấu tổ chức VPF ra sao thì vẫn chưa được làm rõ. Nếu những bước đi này không chính xác thì khả năng "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" cũng không phải là không thể xảy ra.

Đến nay, cơ cấu tổ chức của VPF vẫn chưa đạt được sự thống nhất giữa các bên. Phía bầu Kiên đưa ra quan điểm là mỗi đội bóng góp vốn 4,6%, còn VFF góp 35,6%. Hội đồng quản trị (HĐQT) sẽ có từ 9-11 thành viên, được phân bổ theo tỷ lệ góp vốn giữa VFF với các đội bóng (35-65). Ví dụ, nếu Đại hội cổ đông thống nhất thông qua số ủy viên HĐQT là 9 người thì VFF sẽ có 3 đại diện, còn các đội bóng là 6 đại diện. Tương tự, nếu Thường trực HĐQT có 3 thành viên thì VFF sẽ có 1 ghế và các đội bóng là 2. Ai đại diện cho VFF thì còn dễ bởi đây là cơ quan trung lập, nhưng việc phân bổ các suất của các đội bóng sao cho ổn thỏa lại không hề đơn giản, bởi điều này có liên hệ trực tiếp đến quyền lợi. Đội bóng nào có đại diện trong HĐQT hoặc thậm chí là Thường trực HĐQT nhiều khả năng sẽ có nhiều "cửa" hơn đội bóng "thân cô, thế cô".

Thế nên, đến nay vẫn có một luồng ý kiến cho rằng, để bảo đảm sự trung lập, khách quan thì đại diện các CLB không nên tham gia vào bất cứ chức danh nào trong HĐQT hay Ban giám đốc điều hành (GĐĐH). Trong trường hợp này, cổ phiếu nên được phát hành rộng rãi cho các lực lượng như Hội Cổ động viên (CĐV), các cá nhân, thậm chí cả giới truyền thông… Khi đó, số tiền 1 tỷ đồng mà các đội bóng đóng góp chỉ được coi là tiền niên liễm (đóng góp hằng năm) để tham dự giải. Trên cơ sở đó, đơn vị tổ chức giải sẽ hoạt động thực sự trung lập mà vẫn là công ty tổ chức giải chuyên nghiệp, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Với xu hướng đó, khả năng một thành viên của đội bóng đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong HĐQT hay Ban GĐĐH là rất nhỏ. Trong trường hợp này, những chiếc ghế quan trọng nhất như Chủ tịch HĐQT hay GĐĐH nhiều khả năng sẽ thuộc về VFF. Và như thế, định hướng của các đội bóng là muốn tách hẳn khỏi vòng kiềm tỏa của VFF khó trở thành hiện thực.

Tất nhiên, để đi đến sự thống nhất về mô hình hoạt động, cơ cấu nhân sự, tỷ lệ góp vốn của VPF, đòi hỏi phải có rất nhiều cuộc làm việc giữa VFF với đại diện các CLB. Tìm được tiếng nói chung và đúng định hướng trong vấn đề này quả không đơn giản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội đồng quản trị VPF: Đại diện cho lợi ích nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.