(HNMO) - Sáng 12/7, HĐND Thành phố Hà Nội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn các thành viên UBND Thành phố tại kỳ họp thứ 5, HĐND Thành phố khóa XIV tập trung vào hai nhóm vấn đề chính: quản lý đô thị và các giải pháp để thực hiện các Nghị quyết 11, 13 của Chính phủ.
Người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên là Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi. |
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND Thành phố trước kỳ họp thứ 5, cử tri Thủ đô đã nêu 230 kiến nghị, trong đó có 45 kiến nghị chung về các lĩnh vực công tác của Thành phố và 185 kiến nghị cụ thể của từng quận, huyện, thị xã. Trong tổng số 230 kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND Thành phố đã tổng hợp và chuyển tới UBND Thành phố 17 ý kiến, kiến nghị chung, đang được nhiều cử tri quan tâm để UBND Thành phố trả lời ngay và thông báo đến cử tri tại kỳ tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.
Tại kỳ họp này, (tính đến hết ngày 6/7) các đại biểu HĐND Thành phố đã gửi tới HĐND 21 câu chất vấn. Thường trực HĐND đã tổng hợp, chuyển đến UBND Thành phố để nghiên cứu, trả lời. Các nội dung chất vấn chủ yếu xoay quanh lĩnh vực quản lý đô thị; kinh tế, an sinh xã hội và việc làm; đầu tư dự án; văn hóa-xã hội.
* Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi: "UBND Thành phố không đổ trách nhiệm cho ai"!
Sáng nay, trước rất nhiều “truy vấn” từ các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội về trách nhiệm của UBND TP trong việc quy hoạch và quản lý đầu tư khai thác, sử dụng một số công viên và hồ trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi nói: “Đến giờ UBND TP vẫn không đổ trách nhiệm cho ai, vẫn là thuộc về UBND TP”.
Thay mặt UBND Thành phố, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đã trả lời các chất vấn của đại biểu HĐND Thành phố về việc quy hoạch và quản lý đầu tư khai thác, sử dụng một số công viên và hồ như: công viên Tuổi trẻ, công viên Thủ lệ, công viên Đống Đa, công viên Hòa Bình, công viên Hồ Thành Công, hồ Ba Mẫu… có nhiều tồn tại gây bức xúc trong dư luận.
- Về Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Phó Chủ tịch cho biết, Công viên đã được quy hoạch với quy mô 26,4 ha để làm công viên cấp Thành phố, phục vụ nhu cầu văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, nghỉ ngơi của nhân dân. Hiện nay, đất thuộc Công viên đã hoàn thành GPMB là 180.771m2 bao gồm: 02 hồ nước có diện tích là: 103.083 m2 và diện tích đất khu vực giáp phố Võ Thị Sáu và phố Thanh Nhàn với diện tích là 77.688m2. Trên diện tích đã GPMB, hiện đã đầu tư một số hạng mục công trình như: bể bơi, công viên nước, tượng đài Võ Thị Sáu, nhà hát ngoài trời, sân thi đấu tennis có mái che, cầu qua hồ, nhà hàng ven hồ, kè hồ và đường dạo quanh hồ, cổng và hàng rào tại các khu vực giáp phố Võ Thị Sáu và phố Thanh Nhàn, cây xanh thảm cỏ, điện chiếu sáng…
Song song với quá trình đầu tư, nhiều hoạt động trong công viên đã bước đầu đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và thanh niên, an ninh trật tự trong khu vực dần được cải thiện. Công tác quản lý nhà nước đối với công viên gần đây được chú trọng, tăng cường.
Tuy nhiên, quá trình đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác Công viên có một số hạn chế, tồn tại, sai phạm gây bức xúc trong nhân dân như: các hạng mục xây dựng trong công viên từ những năm 2001 đến 2007 phần lớn không có giấy phép xây dựng; tổng số 29 hạng mục đầu tư trong giai đoạn này có 25 hạng mục sai quy hoạch, phải phá dỡ 23 hạng mục; việc GPMB giai đoạn 2 rất chậm, từ khi có quy hoạch chi tiết 1/500 được điều chỉnh, chưa triển khai thêm được hạng mục nào theo quy hoạch điều chỉnh; việc xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đối với các diện tích đất đang kinh doanh trong công viên chưa cụ thể, rõ ràng, một số diện tích thu tiền thuê đất mới chỉ là tạm tính. Từ quý II/2009 đến nay chưa lập hồ sơ để xác định tiền thuê đất đối với các diện tích đất được giao trong Công viên…
Những tồn tại, hạn chế và vi phạm trong ĐTXD, quản lý, khai thác Công viên đã ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, không phù hợp với tính chất hoạt động của công viên, gây bức xúc trong nhân dân và làm khó khăn thêm cho quá trình đầu tư xây dựng Công viên.
Phó Chủ tịch cho biết, nguyên nhân của những tồn tại, sai phạm trên là do việc giao cho Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ ngay từ năm 2003 làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác Công viên là đơn vị không đủ năng lực tài chính thực hiện. Mặt khác, công viên Tuổi trẻ Thủ đô lại được giao cho Công ty trực thuộc Tổng Công ty Du lịch, không phải cơ quan chuyên ngành nên sự chỉ đạo không tập trung, thường xuyên; UBND quận Hai Bà Trưng chưa tập trung công tác GPMB giai đoạn 2, chưa chỉ đạo sát sao việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng; TCT Du lịch HN là cơ quan cấp trên của Công ty ĐT và DV Tuổi trẻ chưa quan tâm chỉ đạo, xử lý sai phạm theo ý kiến của UBND Thành phố; Công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trong công viên bị buông lỏng trong thời gian dài, chậm được xử lý, giải quyết; Sự phối hợp giữa các ngành Thành phố với chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với Công viên chưa chặt chẽ…
Để khắc phục những tồn tại này, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 Dự án, xây dựng khu tái định cư, hoàn thành công tác GPMB bàn giao cho chủ đầu tư trong năm 2013; khẩn trương cưỡng chế, giải tỏa tháo bỏ 07 công trình tái lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích trong quý III/2012; lập phương án để tách Công viên Tuổi trẻ ra khỏi Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ - Tổng Công ty Du lịch HN để thực hiện theo mô hình quản lý công trình công ích dưới sự quản lý nhà nước của Sở Xây dựng; thực hiện từ 01/11/2012.
- Với Công viên Đống Đa, Phó Chủ tịch cho biết, dự án được giao cho UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư có diện tích 7,26 ha, phải GPMB khoảng 900 hộ dân và 4 cơ quan đơn vị. UBND quận Đống Đa đã GPMB được 2,65 ha.
Đầu tháng 4/2008, Thành phố nhận được đề nghị của nhà đầu tư Hung gary xin được vào nghiên cứu đầu tư Công viên. Tuy nhiên, nhà đầu tư có đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch, dành một phần diện tích để kinh doanh, không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt và không đủ năng lực tài chính để triển khai. Sở Kế hoạch và đầu tư thường xuyên đăng tải thông tin kêu gọi các nhà đầu tư, nhưng chưa có thêm nhà đầu tư nào đăng ký vào đầu tư xây dựng.
Đến tháng 11/2011, Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) đã có văn bản đề nghị xây dựng dự án công viên vui chơi giải trí, Trung tâm thể dục thể thao phục vụ nhân dân, trụ sở công quyền theo phương thức xây dựng-chuyển giao (BT). Hiện nhà đầu tư đang chủ động nghiên cứu và phối hợp với Viện Quy hoạch HN để lập quy hoạch dự án.
Theo Phó Chủ tịch, để đẩy nhanh tiến độ công trình, UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện quy hoạch Công viên Đống Đa trình duyệt quý IV/2012, lập hồ sơ đề xuất, trình UBND Thành phố trong quý IV/2012; điều tra nhu cầu tái định cư, lập dự án chuẩn bị quỹ nhà tái định cư trong quý I/2013; tiến hành thực hiện GPMB trong năm 2013-2014; thực hiện Dự án từ năm 2014-2015.
- Về Công viên Hòa Bình, thời gian qua, hệ thống cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ, đường dạo, điện chiếu sáng luôn được duy trì tốt, phục vụ nhân dân trong khu vực đến vui chơi, giải trí hàng ngày. Một số tồn tại trong quá trình quản lý khai thác sử dụng hư hỏng phát sinh trong Công viên Hòa Bình đã được các nhà thầu thực hiện chế độ bảo hành, khắc phục để đảm bảo chất lượng công trình. Tuy nhiên, do lượng khách đến Công viên ngày càng đông, ý thức của một số người dân chưa tốt nên còn hiện tượng xả rác trong công viên gây ảnh hưởng cảnh quan chung; một số các trường hợp lấn chiếm hè đường, bên ngoài để dựng lều lán để kinh doanh, buôn bán, dịch vụ không đúng qui định, làm mất trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…
Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Từ Liêm chỉ đạo lực lượng công an huyện phối hợp Vườn thú Hà Nội tăng cường công tác bảo vệ, kiểm tra, quản lý, tổ chức giải tỏa lều lán, đảm bảo trật tự trị an, vệ sinh môi trường xung quanh công viên. Hiện nay, công tác quản lý từng bước được ổn định, trật tự trị an tốt hơn.
- Về Dự án công viên hồ Ba Mẫu đã được khởi công ngày 13/09/2011, đến nay đã thi công hoàn chỉnh đường, hè, thoát nước, chiếu sáng đối với diện tích đã GPMB với chiều dài khoảng 900m/1100m toàn tuyến. Phần còn lại khoảng 200m hiện đang được UBND quận Đống Đa thực hiện giải phóng mặt bằng. Tại phường Trung Phụng có 25 phương án, phường Phương Liên có 29 phương án cần di chuyển, cắt xén. Đây là phần vướng mắc về GPMB kéo dài do một số hộ gia đình không hợp tác trong công tác điều tra kê khai. UBND thành phố đã giao Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa là đầu mối chỉ đạo, điều hành công tác GPMB Dự án; chỉ đạo chủ đầu tư bố trí 4-5 cán bộ hàng ngày làm việc theo chỉ đạo của UBND quận Đống Đa để giải quyết dứt điểm công tác lên phương án, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xong trong tháng 7/2012. Đồng thời, UBND TP cũng đã yêu cầu Sở Tài chính, Sở KH&ĐT bố trí ngay 36 tỷ đồng để trả tiền hỗ trợ, đền bù cho các hộ dân trong tháng 7/2012 và 20 tỷ đồng cho công tác xây lắp hạ tầng, tái định cư. UBND quận Đống Đa đã cam kết các hộ dân tạm cư trong 6 tháng để có mặt bằng thi công. Như vậy, công tác GPMB xong trong tháng 7/2012. Hoàn thành tiến độ thi công quý IV/2012.
Tuy nhiên, phần trả lời của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi chưa làm hài lòng các đại biểu HĐND Thành phố. Ông đã nhận được tới 15 lượt chất vấn và tái chất vấn, trong đó rất nhiều đại biểu tập trung đề nghị Phó Chủ tịch làm rõ trách nhiệm, sai phạm của các cá nhân, tập thể liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của UBND Thành phố và vị Phó Chủ tịch được giao phụ trách quản lý lĩnh vực này. Nhiều đại biểu, trong đó có đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trần Thị Vân Hoa, Lê Văn Thành cho rằng, nếu Thành phố vẫn tiếp tục cơ chế quản lý các công viên và hồ nước như hiện nay thì vấn đề này lại tiếp tục được đưa ra chất vấn tại kỳ họp khác và sẽ mãi không có bài giải. Đại biểu Lê Văn Hoạt còn thẳng thắn nhận xét: Trong trả lời của Phó Chủ tịch chưa rõ trách nhiệm của UBND Thành phố.
“Những vấn đề, nội dung chất vấn phải được kiểm điểm, xem xét trách nhiệm từ trên xuống, trách nhiệm của UBND Thành phố đến đâu, các sở ngành đến đâu, trách nhiệm của Phó chủ tịch phụ trách mảng đến đâu và trách nhiệm của cả HĐND Thành phố đến đâu. Những vấn đề này chúng ta đã 2 lần chất vấn… Nếu được, trong tài liệu chuẩn bị cho kỳ họp sau, UBND TP nên gửi sớm tới HĐND Thành phố báo cáo về việc giải quyết những vấn đề được chất vấn tại kỳ họp trước và đăng báo công khai để cử tri và nhân dân biết, giám sát”, đại biểu Hoạt nói.
Trước các ý kiến của nhiều đại biểu, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi nói, mọi hoạt động của Thành phố, dù to hay nhỏ, thì trước hết UBND TP phải chịu trách nhiệm. Trong giải trình, UBND Thành phố đã nói rõ trách nhiệm của mình. Phó Chủ tịch dẫn chứng, như nguyên nhân làm phát sinh các tồn tại ở Công viên Tuổi trẻ là giao đơn vị không đủ năng lực thực hiện thì trách nhiệm của UBND TP “là ở đó và UBND Thành phố vẫn đang giải quyết tồn tại’. Phó Chủ tịch khẳng định: ”Đến giờ chúng tôi vẫn không đổ trách nhiệm cho ai, trách nhiệm vẫn là của UBND TP”.
Trả lời tiếp các chất vấn cụ thể của từng đại biểu, liên quan đến việc xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình công viên, hồ, Phó Chủ tịch cho biết, do các nhà đầu tư khi tham gia dự án đều muốn có phần diện tích trong công trình dành cho thương mại, dịch vụ, như vậy là sai quy hoạch và phá vỡ cảnh quan của công viên nên Thành phố không cho phép. Chính vì vậy, việc thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư là rất khó thực hiện. Tuy nhiên, Thành phố vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cơ chế để có thể đẩy mạnh xã hội hóa. Theo Phó chủ tịch, đến nay, toàn Thành phố có 2 công viên đã xã hội hóa đầu tư được là Công viên Dịch Vọng và Công viên Yên Sở.
Về việc thực hiện nghĩa vụ đất đai tại các dự án công viên, hồ, Phó Chủ tịch cho biết, do hiện nay, Thành phố chưa đủ điều kiện để tính giá trị đất của các công viên nên trước mắt, áp dụng hình thức tạm tính, khi tính giá trị thực thì chắc chắn sẽ có truy thu theo quy định của pháp luật.
Chất vấn của đại biểu Nguyễn Hoài Nam về việc quản lý quy hoạch Công viên hồ Thành Công được Phó Chủ tịch cho biết, theo quy hoạch được phê duyệt từ trước, xung quanh hồ Thành Công đã dành một số diện tích để xây dựng một số công trình. Hiện các đơn vị đều thực hiện đúng việc xây dựng trong phần đất đã được phê duyệt, chỉ có khác là một số đơn vị xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng gia tăng mật độ xây dựng, trong đó có một số đơn vị đã được chấp thuận, còn lại 3 dự án đang xin điều chỉnh nhưng chưa được chấp thuận. UBND Thành phố sẽ tiếp thu và rà soát lại.
Làm rõ thêm vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch Hải cho biết, quy hoạch hồ Thành Công đã được UBND TP phê duyệt từ cuối 2004, trước đó trong nghiên cứu quy hoạch của quận Ba Đình đã có xác định các ô đất xây các công trình. Đến nay, về cơ bản các công trình vẫn giữ đúng ranh giới, tính chất của các công trình. Về tòa nhà làm việc của Tập đoàn dầu khí, trước đây vốn là phần đất mà Thành phố dành để xây dựng 1 khách sạn 5 sao nhưng về sau, do đơn vị nhận thầu đầu tư không hiệu quả, Tập đoàn dầu khí đã mua lại dự án này và xây đúng như quy hoạch. Giám đốc Sở cũng khẳng định, với 3 dự án đang xin điều chỉnh quy hoạch, trong đó có dự án bể bơi và Nhà văn hóa quận Ba Đình, dự án xây dựng Khách sạn Phương Đông, quan điểm của Thành phố là vẫn phải theo đúng quy hoạch.
Khép lại phần trả lời của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đã đề nghị UBND Thành phố rà soát lại quy hoạch từng dự án công viên theo hướng không điều chỉnh tăng mật độ xây dựng. Tuy nhiên, Thành phố cũng không quá cứng nhắc, sẵn sàng điều chỉnh quy hoạch nếu thấy không phù hợp, đồng thời có giải pháp quyết liệt để thực hiện quy hoạch. Chủ tịch HĐND Thành phố cũng yêu cầu, UBND Thành phố cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị chủ quản trong quản lý các dự án.
* Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội: "Phảiđảm bảo công bằng quyền lợi cho cả chủ đầu tư lẫn người dân tại các khu chung cư"
Sáng nay có 7 câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở XD Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, liên quan tới việc quản lý nhà chung cư và cấp giấy chứng nhận cho cư dân ở các khu chung cư mới được hình thành ở Hà Nội...
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Bùi Hiền Mai và Nguyễn Hoài Nam về vấn đề cấp bách phải thành lập Ban quản trị (BQT), cũng như giải quyết tranh chấp ở các Tòa nhà, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, việc thành lập Ban quản trị là cần thiết và hiện nay vẫn đang được thực hiện ở các khu chung cư, tuy nhiên vẫn chưa nhiều. Về vấn đề tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân trong các khu chung cư, ông Hùng khẳng định Sở Xây dựng vẫn thể hiện vai trò của mình trong việc thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư và BQT các tòa nhà để cùng giải quyết tranh chấp theo hướng giữ ổn định trật tự, tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho người dân. Cũng theo ông giám đốc Sở XD Hà Nội, tại quyết định 08/ QĐ - UB (ngày 28/5/2008) Thành phố có ghi rõ những quy chế quản lý nhà chung cư. Tuy nhiên, đây là văn bản đầu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư nên còn nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tiễn. Sở đang tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Thành phố sao cho trong vòng 2 năm tới sẽ có văn bản về quản lý nhà chung cư với những quy định hợp lý nhất.
Về nội dung câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Liên Quân và Nguyễn Văn Tài về cấp giấy chứng nhận (GCN) cho các hộ dân ở chung cư, Giám đốc Sở XD Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, việc này thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Sở Tài nguyên môi trường và nhà đất. Còn về vai trò quản lý nhà nước lại thuộc về quận, huyện, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, liên quan tới việc chậm bàn giao căn hộ, dẫn tới người dân chưa thể được cấp GCN, thì ông Hùng hứa sẽ tích cực đôn đốc chủ đầu tư phải sớm bàn giao căn hộ (nhất là ở các khu tái định cư) cho nhân dân. Liên quan tới nội dung câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thùy về nơi sinh hoạt cộng đồng cho các tổ dân phố ở khu chung cư mới, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, hiện tại 178 tòa nhà chung cư của Hà Nội đã có nơi sinh hoạt cộng đồng cho các tổ dân phố, và đây là vấn đề vẫn đang được các chủ đầu tư quan tâm. Riêng vấn đề áp dụng giá trần cho phí dịch vụ tại các khu chung cư (câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh), ông Hùng cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên đi đầu trong việc áp dụng giá trần cho phí dịch vụ tại khu chung cư nên còn nhiều bất cập với thực tiễn và sẽ vẫn còn được điều chỉnh. Tuy nhiên, không thể có mô hình thu phí dịch vụ chung để áp dụng cho tất cả các chung cư ở Hà Nội bởi trên thực tế có 2 dạng nhà chung cư (do Nhà nước đầu tư và do DN đầu tư). Do vậy phải đưa ra mô hình quản lý, cũng như thu phí dịch vụ phù hợp theo dạng "cách đầu tư nào thì có mô hình quản lý đó" nhằm đảm bảo công bằng quyền lợi cho cả chủ đầu tư lẫn người dân trong khu chung cư...
* Tháng 7/2012: Công khai quy trình, thủ tục hỗ trợ vốn cho các DN
Thành phố có những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn từ Quỹ hỗ trợ cho các DN; không để tình trạng ngân hàng “lãi khủng” mà DN thì điêu đứng… là những vấn đề được nhìêu đại biểu quan tâm tại phần chất vấn đối với ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP.
Cuối phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã có báo cáo, giải trình về các giải pháp, kết quả triển khai thực hiện NQ 11 và NQ 13 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường
Trong phần tái chất vấn, ĐB Vũ Đức Bảo muốn được làm rõ về những giải pháp hỗ trợ hiện nay đối với DN xây dựng cơ bản và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cơ bản do liên quan nhiều đến tiến độ dự án, lao động việc làm và tiến độ giải ngân; UBND TP có giải pháp gì đối với các dự án đã phê duyệt, ghi kế hoạch vốn nhưng chưa được khởi công.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cho rằng, tình hình sản xuất vật liệu xây dựng, như xi măng, sắt thép, đang bị ngưng trệ, là thực trạng chung trên toàn quốc. DN vay vốn ngân hàng, nguyên vật liệu sản xuất ra, nhưng vẫn bị tồn kho lớn. TP Hà Nội vẫn có các chỉ đạo với các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình đường xá, hạn chế dùng nhựa đường nhập khẩu, ưu tiên dùng xi măng, sắt thép. Ngoài ra, yếu tố thị trường bất động sản vẫn đóng băng, chưa có nhiều tín hiệu phấn khởi như hiện nay cũng là nguyên nhân dẫn đến lượng tiêu thụ xi măng, sắt thép chậm.
Về các dự án thuộc dự toán ngân sách, được phân bổ cho các tỉnh, TP vẫn thực hiện đúng theo lộ trình, hiện gặp nhiều vướng mắc về thủ tục phê duyệt. TP đã có văn bản báo cáo Chính phủ để tháo gỡ
Trả lời câu hỏi về tiến độ GPMB cũng của ĐB Vũ Đức Bảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cho biết, TP đang chuẩn bị 2100 tỷ cho GPMB, theo hình thức ghi danh mục công trình. Trong 6 tháng cuối năm, dự án nào giải phóng nhanh, có hồ sơ, có phương án đền bù với từng hộ dân, khi đưa lên kho bạc sẽ được giải ngân ngay mà không thực hiện một cách máy móc như trước kia.
Các ĐB Nguyễn Thị Thuỳ, Nguyễn Văn Nam có chung câu hỏi về trong tình hình khó khăn về vốn, năm 2011 TP đã bố trí 50 tỷ, năm 2012 là 100 tỷ để hỗ trợ sau đầu tư cho các DN. Tuy nhiên, năm 2011, TP mới chỉ giải ngân được 2 tỷ. Và 6 tháng đầu năm nay, mới chỉ có một DN ở huyện Đông Anh được hỗ trợ hơn 100 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cho biết, TP vừa xin ý kiến các Bộ, ngành để đẩy mạnh, tiếp tục triển khai giải ngân trong 6 tháng cuối năm. Hiện đã có đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ này. Ngay trong tháng 7 tới, TP sẽ cho đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy trình, thủ tục tiếp cận vốn cho các Dn.
“Những dự toán này là hỗ trợ đầu tư cho các DN chứ không phỉa là cho vay vốn lưu động. Do đó, số tiền 50 tỷ trong năm 2011 và 100 tỷ trong năm 2012 chỉ giải ngân trên cơ sở phải có dự án thực hiện. Khi TP không nhận được các dự án thì sẽ không giải quyết hỗ trợ được cho các DN” - ông Sửu lưu ý thêm.
Đại biểu Lê Văn Hoạt (tổ Mê Linh):Chưa làm rõ trách nhiệm trong quản lý Về nội dung liên quan đến quy hoạch, xây dựng, quản lý công viên, trả lời của đại diện UBND TP chưa rõ trách nhiệm, nhất là của UBND. Theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4, những vấn đề, nội dung chất vấn phải được kiểm điểm, xem xét trách nhiệm từ trên xuống, trách nhiệm của UBND TP đến đâu, các sở, ngành đến đâu, trách nhiệm của Phó Chủ tịch phụ trách mảng đến đâu và trách nhiệm của cả UBND TP đến đâu. HĐND TP đã từng hai lần chất vấn về các nội dung liên quan đến công viên, nếu không thay đổi, tôi sợ rằng tình hình vẫn thế trong khi cử tri mong mỏi rất nhiều. Cần phải thay đổi cả nội dung và cách thức trả lời chất vấn. Đề nghị tài liệu chuẩn bị kỳ họp lần sau, UBND TP nên gửi sớm tới HĐND TP báo cáo về việc giải quyết những vấn đề được chất vấn tại kỳ họp trước và đăng báo công khai để cử tri và nhân dân biết, giám sát. Đại biểu Hồ Quang Lợi (tổ Hai Bà Trưng):Chọn trúng vấn đề, không khí chất vấn thẳng thắn, xây dựng Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này đã chọn trúng những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất. Cách điều hành của chủ tọa kỳ họp cũng như cách đặt câu hỏi chất vấn một cách trực tiếp, thẳng thắn, xây dựng, có trao đi đổi lại mang tính đối thoại. Các đại biểu HĐND TP, trong đó có phần chất vấn của tổ đại biểu quận Hai Bà Trưng đã phản ánh đúng tình hình thực tế và nguyện vọng của cử tri trên địa bàn. Phần trả lời của đại diện UBND TP đã bước đầu làm rõ được vấn đề, đưa ra được các giải pháp và lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, phần trả lời về trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan vẫn chưa được rõ. Tôi hy vọng, không khí chất vấn thẳng thắn, xây dựng và triệt để như vậy sẽ mang lại kết quả khả quan, từ đó sẽ đề ra các biện pháp xử lý mạnh mẽ, kiên quyết hơn. Việc làm này không chỉ để giải quyết một vấn đề cụ thể như công viên mà còn có tác dụng lan tỏa tích cực tới các cơ quan chức năng của TP ở những lĩnh vực, công việc khác. Đây là một nét mới trong phong cách làm việc của HĐND TP và có tác động tích cực tới việc nâng cao hiệu quả của HĐND trong thực hiện chức năng giám sát. Đại biểu Nguyễn Tùng Lâm (tổ Đống Đa):Nên tăng thời lượng chất vấn Tôi tạm hài lòng với phần trả lời của UBND TP trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này. UBND TP cần thấy rõ trách nhiệm của mình đối với những việc đã làm, cũng như chưa làm được. Đối với câu hỏi chất vấn về miễn phí vào công viên, theo tôi, trả lời của đại diện UBND TP chưa thực sự thỏa đáng. Tôi đồng tình với ý kiến của Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh khi tiếp cận vấn đề xây dựng công viên, quản lý các hồ trên địa bàn theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bởi thực chất, công viên là công trình công cộng nên cần quan tâm đến yếu tố cộng đồng, xã hội hơn là mục đích xã hội hóa để thu tiền. Theo tôi, nếu có điều kiện, HĐND TP nên tăng thời lượng chất vấn tại các phiên họp, như vậy sẽ có điều kiện đề cập nhiều và làm rõ hơn các nội dung cử tri quan tâm, bức xúc. Đà Đôngghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.