Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hội chứng” khu công nghiệp

Người Quản lý| 09/07/2011 06:48

(HNM) - Việc thành lập các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn cả nước là việc cần làm trong tiến trình CNH-HĐH đất nước. Hiện nay, cả nước đã có 249 KCN được thành lập tại 56/63 tỉnh, thành phố.

Các KCN không chỉ góp khoảng 20% vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, mà còn thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, từ đó giảm nghèo ở nông thôn và bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương… Tuy nhiên, việc thành lập các KCN thế nào cho hợp lý là vấn đề cần bàn. Từ thực tế thành lập KCN ở các địa phương, các chuyên gia cảnh báo, nếu lợi dụng CNH-HĐH để ồ ạt mở KCN có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường về mặt kinh tế - xã hội.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 6-2011, bình quân các KCN trên địa bàn cả nước chỉ lấp đầy 51%. Ngoài ra, cả nước còn có hơn 650 cụm công nghiệp do địa phương thành lập với tổng diện tích 33.000ha, trong đó tỷ lệ lấp đầy bình quân cũng chỉ đạt 44% - đây là sự lãng phí lớn trước hết là đất đai. Có địa phương xin làm KCN chỉ là hình thức, sau đó "biến tướng" dưới dạng liên doanh, liên kết, mà thực chất là bán đất cho một số "đại gia" kinh doanh bất động sản(?). Nguyên nhân, trước hết là do thiếu một quy trình hoạch định minh bạch và giải trình trong việc ra quyết định thành lập KCN. Sự minh bạch ở đây là quá trình nghiên cứu, khảo sát để ra quyết định cần phải có sự tham gia ý kiến của nhân dân và giải trình của người ra quyết định phải rõ ràng, nếu quyết định không đúng phải bị xử lý nghiêm.

Ở một số địa phương phát triển nhanh các KCN cũng đã tạo ra những tác động tiêu cực như cuộc sống người dân có đất thu hồi bị ảnh hưởng nếu dự án xây dựng KCN đó "treo". Có địa phương khi "gọi" đầu tư cũng chưa coi trọng vấn đề về bảo vệ môi trường, nên các doanh nghiệp sản xuất trong KCN xả thải đã làm cho một số lưu vực sông bị ô nhiễm, như hệ thống sông Đồng Nai, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu... Thậm chí, có địa phương khi phát triển KCN chưa xem xét đồng bộ với điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội, khả năng và nhu cầu phát triển thực tế... Như vậy, nếu các KCN vẫn được phát triển theo kiểu như trên, không những không mang lại hiệu quả về kinh tế, mà còn dẫn đến những nguy cơ bất ổn về mặt xã hội.

Để giải quyết tình trạng này, cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp hoạch định phát triển KCN. Trước mắt, cần "hãm phanh" KCN và khi xem xét cấp giấy phép thành lập KCN phải có diện tích nhất định, đặc biệt phải có nhà đầu tư chiến lược. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng phát triển KCN thiếu tầm nhìn chiến lược như hiện nay trở thành "hội chứng" đáng buồn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Hội chứng” khu công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.