(HNM) - Do thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện đã hết hạn sử dụng, sáng 26-7, chị Huyền (phố Hoàng Văn Thái) liên hệ với UBND phường Khương Mai (Thanh Xuân) hỏi thủ tục mua thẻ mới (vì thẻ cũ đã được mua tại phường).
Bấm số điện thoại tới Văn phòng UBND, chị Huyền đề nghị được gặp cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và xã hội. Một giọng nam giới hỏi:
- Chị có việc gì?
- Tôi muốn mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện.
- Anh ấy đi họp quận rồi, có việc gì thì chị ra phường?
Tiếng dập máy đánh "cốp" và một tràng tút tút báo hiệu cuộc đàm thoại chấm dứt.
Không hài lòng với thông tin được nhận, chị Huyền tiếp tục gọi lại:
- Anh bảo cán bộ đi họp rồi thì tôi ra gặp ai? Ít nhất anh cũng có thể cho tôi biết, cán bộ phụ trách có mặt tại cơ quan lúc nào chứ?
Vẫn giọng nói trước đó trả lời:
- Chị ra đi, anh ấy đang ở phường đấy.
Tức tốc phóng xe ra phường, chị Huyền được anh cán bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho biết, mình không phụ trách mảng bảo hiểm, mà UBND phường cũng không bán bảo hiểm y tế tự nguyện từ lâu rồi. Nếu cần hỏi thêm chi tiết thì chờ gặp chị kế toán, hiện đang đi vắng, còn không thì lên quận mua trực tiếp...
Chỉ một việc đơn giản là tìm hiểu thủ tục mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện, mà cả hai lần trao đổi bằng điện thoại lẫn ra trực tiếp tại chính quyền địa phương đều không có được thông tin cần thiết, chị Huyền bức xúc: Nếu cán bộ dành thời gian lắng nghe nguyện vọng của người dân, rồi hướng dẫn hoặc "chuyển cuộc gọi" đến người có trách nhiệm liên quan có phải đã góp phần cải cách hành chính, giảm được sự đi lại vất vả không đáng có của người dân. UBND phường Khương Mai cũng cần xem lại cách tiếp dân, xử lý công việc của cán bộ mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.