(HNM) - Giáo dục về an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh (HS), đặc biệt là lứa tuổi tiểu học, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc trang bị kiến thức, từ đó hình thành kỹ năng cho các thế hệ tương lai, nhưng lại là việc không dễ dàng.
Làm thế nào để biến những điều luật về giao thông khô cứng trở nên hấp dẫn, dễ tiếp thu, phù hợp với tâm sinh lý của HS tiểu học? Câu trả lời thật rõ ràng ở Hội giao lưu tìm hiểu kiến thức ATGT cấp quốc gia dành cho học sinh tiểu học năm học 2011-2012 vừa được tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.
Học sinh tham gia tìm hiểu kiến thức ATGT. |
Học mà chơi, chơi mà học
Tuy là một cuộc thi, một hoạt động giáo dục về ATGT, nhưng với việc lấy cái tên "Hội giao lưu tìm hiểu kiến thức ATGT", những người tổ chức đã gửi vào đó mong muốn tạo ra một sân chơi bổ ích, giúp trẻ có cơ hội bổ sung kiến thức về ATGT từ các trò chơi và học hỏi từ bè bạn. Tinh thần "học mà chơi, chơi mà học" xuyên suốt qua 4 phần thi chính diễn ra trong 2 ngày: Tìm hiểu kiến thức về ATGT; Vẽ tranh theo chủ đề ATGT; Trình bày tiểu phẩm ngắn có nội dung về giáo dục ATGT; Sáng tác và trình bày thơ, ca, hò, vè và những bài dân ca đặt lời mới có nội dung về ATGT. Như nhạc sĩ Hoàng Long - người từng làm giám khảo rất nhiều cuộc thi dành cho HS tiểu học đánh giá, hình thức và nội dung của Hội Giao lưu là một cách tiếp cận phù hợp với lứa tuổi khiến cho những kiến thức khó tiếp thu nếu dạy theo cách truyền thống trở nên dễ "vào" và đọng lại lâu trong các em. Đặc biệt, giai điệu đẹp và quen thuộc của các làn điệu dân ca của quê hương mang thông điệp về ATGT sẽ giúp trẻ dễ thuộc, dễ nhớ. Không chỉ tham gia các phần thi, tại Hội Giao lưu, HS còn được tham gia cuộc phiêu lưu đầy kỳ thú đến với một hành tinh hoàn toàn mới lạ, đồng hành cùng hai Siêu nhân Rùa Kanta và Thỏ Caroo tại 9 khu trò chơi tượng trưng cho 3 khu vực thành phố, vùng núi và vùng sông nước. Tại khu vui chơi mang chủ đề "Siêu nhân giao thông giải cứu hành tinh" diễn ra những trò chơi thú vị như Cùng siêu nhân lập lại trật tự ATGT, Lái xe trong thành phố lạ, Anh hùng phân luồng giao thông, Giao thông trên núi cao, Vượt chướng ngại vật...
Đã là lần thứ 3 tham gia Hội Giao lưu, nhạc sĩ Hoàng Long vẫn thấy bất ngờ và thú vị bởi những nét mới mà các đơn vị tổ chức đưa vào hoạt động thường niên này cũng như sức sáng tạo của các địa phương, đặc biệt là tài năng của các thí sinh nhỏ tuổi. Cùng chung nhận xét ấy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Lê Tiến Thành, khi tổng kết Hội Giao lưu cho biết, sự mạnh dạn, tư tin cũng như tài năng và sức sáng tạo của các em xuất sắc đến mức Ban giám khảo đã đề nghị Ban tổ chức khen thưởng nhiều hơn dự kiến.
Không dừng ở một cuộc thi
Lần thứ 4 tổ chức trong khuôn khổ của chương trình đã thực hiện trong suốt 6 năm qua, "Toyota cùng em học ATGT" (TSEP), Hội giao lưu năm nay có sự tham gia của 14 tỉnh, thành triển khai tốt công tác giáo dục và xã hội hóa về ATGT. Xã hội hóa hoạt động giáo dục ATGT chính là một mục tiêu quan trọng mà các đơn vị tổ chức, gồm Quỹ Toyota Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Ủy ban ATGT quốc gia hướng tới. Bởi chỉ bằng con đường xã hội hóa, các kiến thức về ATGT mới đến được rộng rãi trong cộng đồng, để từ đó hình thành nên một xã hội an toàn trong giao thông. Phát biểu tại Hội Giao lưu, ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) khẳng định: "Qua 6 năm triển khai TSEP, được chứng kiến sự tham gia hào hứng, nhiệt tình của các em nhỏ, các bậc phụ huynh, sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT, các trường và các thầy cô giáo, TMV càng có thêm quyết tâm và nỗ lực để tiếp tục thực hiện chương trình này với mong muốn đóng góp tích cực vào sự nghiệp "trồng người" của ngành giáo dục Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để liên tục đổi mới, tăng cường xã hội hóa công tác giáo dục ATGT, nâng cao chất lượng chương trình và đặc biệt sẽ mang đến một sân chơi thú vị, bổ ích hơn về ATGT cho HS tiểu học trên cả nước. Trong thời gian tới, TSEP sẽ tiếp tục được triển khai theo định hướng xã hội hóa nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và nhân rộng hiệu quả của chương trình bổ ích và đầy ý nghĩa này".
Với mong muốn các em trở thành công dân tốt trong cộng đồng sở tại, lại có nhiều kinh nghiệm trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho HS, TMV đã giúp các trường tiểu học, các thầy, cô giáo có được một chương trình giáo dục về ATGT hiệu quả. Tiếp thu và nhân rộng những kết quả đạt được qua 6 năm triển khai Chương trình TSEP nói chung, 4 năm tổ chức Hội giao lưu tìm hiểu kiến thức về ATGT chính là mong muốn và quyết tâm của ngành GD-ĐT và các địa phương. Trong lời phát biểu tổng kết Hội Giao lưu,Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Lê Tiến Thành đã nhấn mạnh: "Phát huy kết quả đã đạt được, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với công tác giáo dục ATGT để các thế hệ học sinh có kiến thức để có hành vi đúng, từ đó hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng". Còn với các HS tham gia Hội Giao lưu, ông nhắn nhủ: "Các em hãy phát huy ảnh hưởng của mình tới bạn bè, người thân, để mọi người cùng tuân thủ Luật Giao thông, giữ an toàn cho chính mình và mọi người".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.