(HNM) - Như tin Hànộimới đã đưa, hôm qua 2-6, hơn 900 nghìn thí sinh (TS) trên cả nước đã bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2014.
Tại Hà Nội, mặc dù thời tiết khá nắng nóng, song hầu hết các TS đến trường thi với tâm trạng thoải mái, phấn khởi và tự tin. Có hai lý do khiến các TS bớt đi nhiều áp lực trong kỳ thi này. Thứ nhất, trong số 4 môn thi, TS được tự chọn 2 môn; thứ hai, cách tính điểm xét tốt nghiệp có thay đổi, trong đó ngoài kết quả thi 4 môn như mọi năm, còn có sự tham gia của điểm trung bình cả năm lớp 12. Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng cách thức này và bước đầu nhận được sự ủng hộ tích cực từ dư luận xã hội, tạo nhiều thuận lợi cho TS. Tuy nhiên, công việc và mối lo của các thầy, cô giáo tham gia làm nhiệm vụ thi năm nay lại tăng.
Thí sinh làm bài thi môn ngữ văn tại Hội đồng thi Trường THPT Thăng Long. Ảnh: Viết Thành |
Hào hứng với đề thi
6h30 phút, tại 149 HĐCT trên địa bàn thành phố Hà Nội đồng loạt diễn ra lễ khai mạc kỳ thi. Các TS được nhắc nhở một lần nữa về những điều cần nhớ trong quy chế thi, những vật dụng không được phép mang vào phòng thi, việc giữ gìn sức khỏe khi ăn uống, sinh hoạt, tham gia giao thông… Do là năm đầu tiên áp dụng hình thức thi tự chọn, có những buổi thi gồm 2 ca thi, các HĐCT đều lưu ý TS ghi nhớ lịch thi và hiệu lệnh trống, nếu đi thi nhầm ca sẽ không được dự thi.
Buổi thi đầu tiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thi và kiểm tra thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, cùng đoàn công tác đã dự lễ khai mạc tại HĐCT Trường THPT Thăng Long (Hoàn Kiếm) và đi kiểm tra công tác coi thi tại HĐCT Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm), HĐCT Trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên). Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc, kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới thuận lợi cho TS, song công tác tổ chức thi lại phức tạp hơn, yêu cầu mọi thành viên của HĐCT, nhất là các giám thị coi thi đều phải nắm vững quy chế, coi thi nghiêm khắc nhưng không gây căng thẳng cho TS. Phó Chủ tịch nhấn mạnh: Với các thầy cô giáo, việc tổ chức thi là việc làm thường niên, nhưng không được chủ quan, lơ là, hạn chế tối đa sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ghi nhận chung, hầu hết TS kết thúc ngày thi đầu tiên với tâm trạng phấn khởi. Đề thi môn ngữ văn năm nay tiếp tục nhận được sự đánh giá tích cực từ dư luận khi bám sát với sự kiện thời sự trong nước. Vấn đề Biển Đông được đưa vào đề thi môn ngữ văn và lịch sử một cách nhẹ nhàng, mang nhiều ý nghĩa, khơi gợi trong TS trách nhiệm của công dân với Tổ quốc. Riêng về cấu trúc đề thi ngữ văn, nếu như mọi năm thường gồm 3 phần là câu hỏi lý thuyết, nghị luận xã hội và nghị luận văn học, thì năm nay chỉ gồm 2 phần là đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm), trong đó ở cả hai phần đều có lồng câu hỏi về nghị luận xã hội theo hướng mở. Điều này giúp mọi TS, dù học theo ban A hay ban C đều có cơ hội bày tỏ chính kiến của mình từ những điều đã được học chứ không đơn thuần chỉ trình bày lý thuyết. Cô giáo Nguyễn Kim Anh, giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) cho rằng sự điều chỉnh này sẽ góp phần tích cực trong việc thay đổi cách dạy và cách học ngữ văn ở các nhà trường theo hướng thực chất và định hướng phát triển tư duy, nhân cách của TS, tránh được tình trạng học thuộc lòng.
Các thí sinh trao đổi bài sau giờ thi tại hội đồng thi Trường THPT Việt-Đức. Ảnh: Viết Thành |
Áp lực coi thi
Điểm mới của kỳ thi năm nay là mỗi TS chỉ phải thi 4 môn, song với việc cho phép TS được tự chọn môn thi, mỗi HĐCT phải tổ chức đến 8 môn thi chỉ trong 2 ngày rưỡi (mọi năm là 3 ngày) kéo theo nhiều phần việc phức tạp hơn so với năm trước. Một số HĐCT phải bổ sung giám thị, nhân viên và bố trí khu vực chờ để hướng dẫn và quản lý TS giữa 2 ca. Việc sắp xếp cho TS ra - vào giữa 2 ca thi ra sao để tránh lộn xộn, không gây ảnh hưởng đến kỷ luật trường thi là vấn đề được dư luận quan tâm trong kỳ thi năm nay. Theo ghi nhận, việc sắp xếp TS giữa 2 ca tại một số HĐCT diễn ra khá trật tự. Quy định được áp dụng thống nhất trên toàn thành phố là khi có hiệu lệnh trống hết giờ ca 1 thì TS ca 2 được vào trường thi nhưng được bố trí ở khu vực chờ, chưa được phép có mặt ở phòng thi. Những nơi có 2 cổng thì quy định 1 cổng để TS ca 1 tan, cổng còn lại dành cho TS ca 2 vào. Nơi có 1 cổng thì làm phân cách mềm để không gây ùn tắc, ảnh hưởng đến giờ thi của TS ca sau.
Có mặt tại HĐCT Trường THPT Phan Huy Chú, một trong những HĐCT có số lượng TS chọn thi môn lịch sử khá đông của thành phố (29 TS), chúng tôi nhận thấy không khí giữa 2 ca thi trật tự, yên ả. Bà Cao Thanh Nga, Phó Chủ tịch HĐCT Trường THPT Phan Huy Chú cho biết: Với quy định xếp môn thi của Bộ GD-ĐT trong một buổi thi (xen kẽ môn khoa học tự nhiên và xã hội), hầu hết TS chỉ phải thi 1 ca. Tuy nhiên, với các thầy cô giáo làm thi lại vất vả và nhiều áp lực hơn. Có những giám thị phải coi thi cả 2 ca trong một buổi chiều; nhiều thành viên tại HĐCT phải có mặt từ 6h sáng đến 6h chiều khá vất vả, nhưng với tinh thần tạo mọi thuận lợi cho TS, các thầy cô đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Kỳ thi này, Hà Nội chỉ có gần 7 nghìn TS đăng ký thi môn lịch sử, vì vậy, nhiều HĐCT chỉ có từ 1-2 phòng thi môn này (mỗi phòng thi 24 TS), thậm chí có HĐCT chỉ có 1 TS dự thi. Môn lịch sử lại được xếp ở ca 2 của buổi thi, nên tại một số HĐCT, giám thị ca 1 được phép về sau khi hết giờ coi thi, nhưng lại có nơi yêu cầu toàn bộ giám thị của HĐCT phải ở tại HĐCT đến hết buổi thi. Yêu cầu này khiến nhiều giám thị cho rằng không cần thiết và mong muốn có sự điều chỉnh.
Trong ngày thi đầu tiên, Bộ GD-ĐT thành lập 11 đoàn thanh tra lưu động nhằm tăng cường giám sát chặt chẽ khâu coi thi - khâu vốn bị coi là yếu nhất. Trực tiếp kiểm tra tại HĐCT Trường THPT A Duy Tiên (Hà Nam), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia đánh giá kỳ thi diễn ra nghiêm túc, không có trường hợp vi phạm quy chế thi. Tại Hà Nội, ngoài 500 cán bộ thanh tra cắm chốt, 20 đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT cũng đã đi đột xuất tại các HĐCT, góp phần giữ vững kỷ luật trường thi, mọi biểu hiện vi phạm đều được xử lý nghiêm.
Hôm nay, ngày 3-6, buổi sáng TS dự thi môn toán (120 phút), buổi chiều thi môn hóa học (60 phút) và địa lý (90 phút).
* Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ngày thi đầu tiên, cả nước có 5 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi; không có giám thị vi phạm quy chế. Đề thi được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu. Đánh giá chung ban đầu, đề thi các môn ngữ văn, vật lý, lịch sử có nội dung phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục THPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, hướng đến việc đánh giá thực chất năng lực người học. *l Tại Hà Nội, tổng số 3 môn thi có 239 TS không dự thi do ốm, đến muộn và các lý do khác. 1 TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi tại HĐCT Trường THPT Chúc Động (Chương Mỹ); 3 TS đến muộn quá giờ quy định không được dự thi; không có giám thị vi phạm quy chế. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.