Chúng ta đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời rất oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh, vô cùng phong phú và cao đẹp.
Người không chỉ là nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà chiến lược tài ba, mà còn là nhà hoạt động thực tiễn kiệt xuất. Người đã để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh. Thời đại Hồ Chí Minh là gia tài vô cùng đồ sộ, là thực tiễn đang hiển hiện trước mắt chúng ta.
Trách nhiệm của chúng ta và các thế hệ mai sau là phải mãi mãi giữ gìn, bảo vệ, kế thừa và phát huy một cách tốt đẹp nhất những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người và bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta ngày càng tươi đẹp, để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển. Vì vậy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất cần thiết, không chỉ là yêu cầu của cách mạng, mà còn là tình cảm, nguyện vọng của nhân dân ta, của Đảng ta và mọi người Việt Nam yêu nước.
Ngay từ khi Người còn sinh thời, đã có rất nhiều phong trào thi đua học tập, làm theo Bác. Sau khi Bác qua đời, chúng ta có một khẩu hiệu hành động, một phong trào rất sâu rộng: "Sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại". Nơi nào cũng có phong trào làm theo lời Bác, thanh niên làm theo lời Bác, phụ nữ làm theo lời Bác...
Trong những năm gần đây, Bộ Chính trị tiếp tục khởi xướng, phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã thực hiện từ đầu năm 2007 tới nay, đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần vào việc xây dựng con người, xây dựng tổ chức trong cả hệ thống chính trị, bảo đảm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, cũng như góp phần để sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung đạt được những thành tựu như ngày nay.
Đến Đại hội XI của Đảng, căn cứ vào tình hình thực tiễn, đại hội đã quyết định chúng ta chuyển sang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác một cách thường xuyên, có chiều sâu hơn (không gọi là cuộc vận động nữa), trên cơ sở những kinh nghiệm của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và nhiều cuộc vận động khác nữa.
Thực hiện Nghị quyết của đại hội, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TƯ, yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội hàm của việc học tập bao gồm cả ba vấn đề: tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức và phong cách của Bác. Đồng thời yêu cầu việc học tập, làm theo Bác phải trở thành việc làm thường xuyên, lâu dài, thiết thực, đi vào chiều sâu của cuộc sống thực tế đối với mỗi con người, mỗi tổ chức.
Tuy nhiên, việc chuyển từ cuộc vận động sang việc làm thường xuyên thì cũng có cái khó; không như lúc đang thực hiện cuộc vận động, có thể đây đó sẽ có sự lơ là. Khi ra Chỉ thị, Bộ Chính trị đã tính, không có cuộc vận động, nhưng vẫn phải bảo đảm làm tốt. Dù không lập ban chỉ đạo, nhưng Bộ Chính trị vẫn có cơ quan thường trực giúp cho Ban Bí thư chỉ đạo; ở các địa phương, bộ, ngành cũng thế. Ở Trung ương là Ban Tuyên giáo Trung ương; thành lập bộ phận giúp việc để giúp cho Ban Bí thư, cho cơ quan thường trực; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện rất cụ thể, bài bản.
Hôm nay, nhân kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Bác và cũng là sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 03, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị sơ kết nhằm kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, trao đổi kinh nghiệm về thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, với tinh thần là đã có chỉ thị, nghị quyết thì phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, không buông lơi. Trước khi tổ chức hội nghị, đã có nhiều đoàn của Ban Bí thư Trung ương đi kiểm tra. Đã có những cuộc giao ban khu vực, đã nghe ý kiến của các đồng chí, như trong báo cáo đã nêu. Biết rằng các đồng chí rất bận, nhất là các đồng chí vừa họp Hội nghị Trung ương 9 ngày, hôm nay ở lại để họp thêm; chúng ta đang có nhiều việc phải làm, nhưng không thể không có cuộc họp này. Cuộc họp rất cần thiết, dù bận, nhưng đây cũng là một việc bận cần thiết, nhất là khi chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tiến hành tự phê bình, phê bình; những nội dung rất gắn bó với nhau. Nhân dịp các đồng chí về họp Trung ương, Ban Bí thư tổ chức hội nghị này để cho tiết kiệm, các đồng chí đỡ phải đi lại và cũng là tạo không khí để chúng ta kỷ niệm Ngày sinh của Bác một cách thiết thực.
Trên thực tế, tôi thấy các đồng chí đã rất coi trọng hội nghị này. Nhiều đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham dự. Hầu hết các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, các đồng chí ủy viên Trung ương và các thành phần được triệu tập tham dự đông đủ. Các đồng chí đã chuẩn bị các báo cáo, tham luận phát biểu tại hội trường hôm nay và nhiều tài liệu khác nữa. Hoan nghênh Ban Tuyên giáo Trung ương, với tư cách là cơ quan thường trực giúp Ban Bí thư chỉ đạo, theo dõi việc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị và các cơ quan hữu quan đã chuẩn bị tốt báo cáo và các công việc cần thiết để chúng ta tổ chức hội nghị hôm nay. Rất hoan nghênh, cảm ơn các đồng chí về dự đông đủ, có ý kiến đóng góp phong phú, sinh động, nhiều kinh nghiệm hay, sáng tạo, dù là mới bước đầu.
Qua báo cáo và ý kiến của các đồng chí, chúng ta nhận thấy, trong năm qua, mặc dù thời gian còn ngắn, chúng ta bận rất nhiều việc (bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, kiện toàn các tổ chức, bộ máy, cơ quan nhà nước; tập trung vào công tác kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững độc lập chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; đẩy mạnh công tác đối ngoại và nhiều công việc khác), toàn những việc lớn và khó. Các đồng chí ở địa phương cũng rất vất vả. Nhưng chúng ta đã cố gắng thực hiện Chỉ thị 03. Đã xây dựng được chương trình, kế hoạch thực hiện, biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu, kiện toàn bộ máy làm việc, kể cả cơ quan thường trực và bộ phận giúp việc, quy chế làm việc. Rất nhiều cơ quan, địa phương đã tổ chức tốt, đã có những sáng kiến và cho chúng ta thêm những kinh nghiệm bước đầu.
Nhìn một cách tổng quát, kết quả thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ đã thể hiện khá rõ cả trong nhận thức và hành động. Về nhận thức, nhiều cấp ủy, lãnh đạo cơ quan chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành đã quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị mà trọng tâm là đẩy mạnh làm theo. Về hành động, các nội dung học tập và làm theo Bác đã dần được đưa vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ, cơ quan, đơn vị, gắn với nhiệm vụ chính trị, gắn với chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, nằm trong các chương trình, kế hoạch, phong trào thi đua đang thực hiện ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Có những chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện đạo đức, giữ gìn lối sống của cán bộ, đảng viên và trong thái độ ứng xử của cán bộ, công chức với nhân dân. Có những cố gắng tập trung vào giải quyết dứt điểm một số công việc nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị, kể cả trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống, đem lại kết quả bước đầu. Như vậy, có thể nói, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tuy thời gian còn ngắn, nhưng đã đạt được những kết quả bước đầu và quan trọng là cho thêm những kinh nghiệm. Tôi xin thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và cảm ơn tất cả các đồng chí, các tổ chức đảng ở Trung ương, địa phương đã tích cực, cố gắng thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 cũng còn những hạn chế, tồn tại. Việc triển khai nhìn chung còn chậm. Một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương chưa hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch của Ban Bí thư. Trong tổ chức thực hiện, nhiều việc còn lúng túng, nhất là trong các hoạt động cụ thể ở địa phương và cơ sở. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chỉ thị chưa tạo được sự hồ hởi, phấn khởi, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực, tự giác tham gia. Nguyên nhân là do chúng ta chưa nhận thức được thật sâu sắc, thật đầy đủ những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Ở một số nơi, việc học tập và làm theo gương Bác mới chỉ dừng lại ở các hoạt động mang tính hình thức, chưa có các nội dung thiết thực, thiếu sức thuyết phục. Ở đây có vấn đề về đánh giá kết quả, khó có thể đo đếm ngay những chuyển biến tư tưởng, tình cảm, ý thức của con người. Việc học tập và làm theo Bác phải tác động thấm sâu, lâu dần chuyển biến thành hành động. Đây là cả quá trình bồi đắp dần dần. Chúng ta cần thống nhất với nhau một số nhận thức để thực hiện tốt hơn Chỉ thị của Bộ Chính trị.
Về nhiệm vụ sắp tới, đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Bí thư, như trong báo cáo đã nêu rõ. Các đồng chí ở các địa phương cũng đã nêu những phương hướng và có những kiến nghị, chúng tôi xin ghi nhận và bổ sung, để chúng ta tiếp tục làm tốt hơn việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Tôi xin nói rõ thêm về 3 vấn đề: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bao gồm những nội dung gì?
Học tập và làm theo như thế nào? Vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, các điều kiện để tiếp tục thực hiện tốt hơn Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị?
Thứ nhất, là về nội dung, học gì? Theo tôi, có rất nhiều điều cần học, nên học, phải học. Bởi vì Bác Hồ là tấm gương sáng về mọi mặt. Cả cuộc đời Bác là biểu tượng cao đẹp về ý chí cách mạng kiên cường; tinh thần độc lập tự chủ; lòng yêu nước, thương dân tha thiết; trí tuệ anh minh, mẫn tiệp, có tầm nhìn xa rộng, sâu sắc; có đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; có tác phong, phong cách khiêm tốn, giản dị; có tấm lòng nhân hậu, tình cảm chan chứa yêu thương con người; là một mẫu mực tuyệt vời về cách sống, cách nghĩ, cách viết, cách nói, cách làm việc, được cả thế giới ca ngợi, ngưỡng mộ. Cuộc sống của Người vô cùng cao đẹp. Đây là kết tinh những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, với tinh hoa văn hóa thế giới.
Học Bác, là phải giữ gìn phẩm chất chính trị, kiên định lý tưởng cách mạng, con đường cách mạng, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tinh thần lạc quan tin tưởng, phẩm chất kiên cường bất khuất "giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục". Vào lúc này, chúng ta học Bác, càng phải kiên định, tin tưởng vào mục tiêu, lý tưởng thể hiện ở Cương lĩnh, đường lối của Đảng.
Học Bác là học về đạo đức cách mạng trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, học về tư cách người cách mạng, đặc biệt là đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù ở trong mỗi con người, đấu tranh với cái ác, nâng cái thiện lên để giảm cái ác đi... Bác phê phán những cái xấu, quan liêu, xa dân... Bác dạy đối với mình, với người phải thế nào; đối với Đảng, với dân phải thế nào; đối với địch thế nào...
Học Bác là học phong cách, lối sống giản dị, khiêm tốn, thanh bạch, gần dân, không quan liêu, quan cách, từ ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc, xuống với dân thì thế nào... Bác dạy từ cán bộ, đảng viên, công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội, công an, thanh niên, phụ nữ, đến các cụ phụ lão, các cháu thiếu nhi... rất cụ thể, rõ ràng, sâu sắc lắm. Mỗi người hãy thấm vào máu mình để thực hiện. Học tập, làm theo Bác thì có rất nhiều việc để học, học ngay trong cách học, trong thái độ đối với việc học, trong cách nói, cách viết, cách làm, cách ăn, ở, đối nhân xử thế, cách ngoại giao của Bác... Trên cơ sở cái chung, phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sát hợp cho từng cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, tránh hình thức, nói phải đi đôi với làm. Cần phải học đi, học lại những điều Bác nói, Bác viết, Bác làm. Học tập và làm theo tấm gương của Bác, cần gắn với việc thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể, từ đó tạo chuyển biến tích cực trên thực tế.
Thứ hai, học Bác như thế nào? Học Bác là học suốt đời, học hằng ngày, thiết thực, thiết thân. Học Bác là việc làm tự giác của mỗi người, mỗi tổ chức, không ai có thể làm thay được. Nói đi đôi với làm, học để làm theo, làm theo rồi lại học, lại bổ sung, thường xuyên liên tục, không phải một lần là xong. Mỗi chúng ta ngồi đây phải thấm thía, hiểu sâu sắc điều này để về chỉ đạo thực hiện.
Học Bác bằng nhiều hình thức, phong phú, sinh động: Học qua sách báo, ở trường, lớp; qua thực tiễn công việc, trường đời; qua sinh hoạt chi bộ đảng, đoàn thể, ở cơ quan, trong gia đình; tự phê bình và phê bình; qua mạn đàm, trao đổi kinh nghiệm; qua phong trào thi đua người tốt, việc tốt, nêu gương những điển hình tiên tiến, phê phán những việc làm xấu, tiêu cực... Học Bác qua các hình thức sinh hoạt tập thể, như: chào cờ đầu tuần, tham quan du lịch về nguồn, di tích lịch sử, đăng ký chương trình công tác, qua sự giám sát, góp ý của nhân dân, của báo chí, công luận... Rất nhiều hình thức, nhiều con đường. Cái chính là chúng ta có muốn học Bác thật không, lòng chúng ta có trong sáng không?
Thứ ba, để bảo đảm việc thực hiện Chỉ thị 03 ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, cần có nhiều điều kiện, trong đó pháp luật là quan trọng, nhưng đạo đức nhân văn cũng rất quan trọng, nhiều khi còn bền vững hơn. Bên cạnh pháp trị, còn có đức trị. Vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn là rất quan trọng. Cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh lên một bước việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị thông qua các chương trình kế hoạch hành động cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; qua các phong trào thi đua thiết thực, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt, dùng cái tốt để dẹp cái xấu. Vai trò của bộ phận giúp việc ở đây cũng rất quan trọng, vì cấp ủy còn rất nhiều việc, nên bộ phận giúp việc phải rất chủ động.
Mong rằng sau hội nghị này, chúng ta có thêm những nhận thức mới và quyết tâm mới, thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 03, nề nếp hơn, thường xuyên hơn và hiệu quả cao hơn. Cùng với Nghị quyết Trung ương 4 và các nghị quyết khác của Đảng, tạo một bước chuyển biến rõ rệt trong việc học tập và làm theo tấm gương của Bác để mỗi người, mỗi tổ chức chúng ta tốt hơn, trong sáng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.