Theo một nghiên cứu lớn của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) về các tiêu chuẩn toán học, khoa học và đọc hiểu vừa được công bố, học sinh thành phố Thượng Hải của Trung Quốc được giáo dục tốt nhất thế giới.
Tổ chức OECD tiến hành khảo sát 470.000 học sinh 15 tuổi ở 65 nước và lãnh thổ thuộc các khu vực phát triển hơn trên thế giới. Theo đó, Hàn Quốc và Phần Lan đứng đầu bảng xếp hạng trong khảo sát xét theo nước. Nhưng xét theo thành phố thì thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đứng đầu trong tất cả các thành phố được OECD khảo sát xét trong cả 3 tiêu chí của khảo sát.
Theo báo cáo của OECD, hơn 1/3 trong số các học sinh 15 tuổi ở Thượng Hải có kỹ năng tư duy tốt về toán học để có thể giải quyết những bài toán phức tạp. Trong khi đó, mức trung bình của OECD chỉ là 3%.
Các quốc gia và khu vực khác ở châu Á cũng có xếp hạng tốt. Chuyên gia giáo dục của OECD, ông Eric Charbonnier, nhận định rằng thành công của châu Á là kết quả của các giá trị giáo dục chú trọng đến sự bình đẳng cũng như chất lượng.
Chuyên gia Eric Charbonnier cho biết, tại Thượng Hải, một thành phố với 20 triệu dân, họ làm theo các chính sách chống sự bất bình đẳng xã hội, nhằm vào các trường học thuộc các khu vực khó khăn nhất và gửi tới các trường này những nhà lãnh đạo tốt nhất và những giáo viên giàu kinh nghiệm nhất.
Trong khi đó, trong số các nước châu Âu, Phần Lan - nước có hệ thống giáo dục được các chuyên gia giáo dục của phương Tây ca ngợi - có xếp hạng tốt nhất.
Một điều khá thú vị trong khảo sát của OECD là ở tất cả các nước thì các nữ sinh đều có kỹ năng đọc hiểu tốt hơn các nam sinh. Sự khác biệt này không thay đổi ở bất cứ nơi nào kể từ năm 2000.
Sau khi xem xét các kết quả của khảo sát, các chuyên gia nhận thấy những trường học có thành tích cao thường có xu hướng thích trả lương cho giáo viên hơn là giảm quy mô lớp học, và những nước bắt học sinh kém phải học lại thường có xếp hạng thấp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.