Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học phí cao: Chất lượng cao?

Quỳnh Phạm| 23/08/2011 06:51

(HNM) - Từ ngày 25-8, các trường đại học (ĐH) bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 (NV) và ổn định lượng thí sinh (TS) trúng tuyển theo nguyện vọng 1.


Đây là thời điểm các trường ngoài công lập, các chương trình đào tạo liên kết, chất lượng cao và du học tự túc tăng tốc trong việc thu hút TS. Bên cạnh chất lượng đào tạo, mức học phí chính là một trong các yếu tố quan trọng quyết định sức hấp dẫn đối với TS.

Trường ngoài công lập - đa dạng học phí


Không đỗ NV1, phần đông TS trông chờ vào các trường ngoài công lập (NCL) bởi "cửa" đỗ NV2 của các trường công lập (CL) hẹp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều người vẫn e ngại không gánh nổi chi phí ở trường NCL trong khi học phí trường công đã được ấn định mức trần cho năm 2011-2012 là từ 355.000 đồng/tháng tới 455.000 đồng/tháng. Trong đó, mức thấp nhất dành cho các ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản. Có học phí 395.000 đồng/tháng là các ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch. Ngành y dược có học phí cao nhất: 455.000 đồng/tháng.

Nếu như với trường CL, TS có thể biết chắc chắn lộ trình tăng học phí cho tới năm 2015, tối đa từ 550.000 đồng/tháng tới 800.000 đồng/tháng, thì các trường NCL được tự xác định học phí và thường tăng theo đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, năm nay, do lường trước nguồn tuyển khó khăn, hầu như các trường đều rất cân nhắc khi thay đổi chính sách học phí. Đa số các trường NCL phía Bắc có mức tăng không đáng kể. Trường ĐHDL Đông Đô năm nay thu từ 700 nghìn đồng đến 720 nghìn đồng/tháng tùy theo ngành, tăng so với mức 600 nghìn - 620 nghìn đồng/tháng của năm 2010. Có mức học phí không cao trong nhóm trường NCL và không hề tăng so với năm 2010 là các trường ĐH Chu Văn An, ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Hà Hoa Tiên...

Khác với nhóm trường trên, Trường ĐH Thăng Long nằm trong tốp trường NCL có học phí trung bình cao hơn hẳn, khoảng 15 triệu - 16,5 triệu đồng/năm (10 tháng học). Năm nay các nhóm ngành của trường đều tăng học phí từ 1,5 triệu - 2 triệu đồng/năm.

Một số trường trong tốp này năm nay đã giảm đáng kể học phí so với năm 2010. Học phí Trường ĐH Công nghệ và quản lý Hữu Nghị giảm khoảng 2,5 triệu đồng/năm, còn khoảng 8,5 triệu đồng/năm. Trường ĐH quốc tế Bắc Hà giảm 3 triệu đồng với các ngành kinh tế, còn 15 triệu đồng/năm; giảm 4 triệu đồng các ngành kỹ thuật, còn 16 triệu đồng/năm. Hiện ĐH FPT có học phí cao nhất trong số các trường NCL phía Bắc với mức 20 triệu đồng/học kỳ.

Điểm thấp - chi phí cao

Với mức điểm trên sàn, các TS vẫn được chào đón ở nhiều hình thức đào tạo có yếu tố nước ngoài, song với mức học phí "khủng". Trường ĐH quốc tế Bắc Hà cho phép TS chỉ cần đạt điểm sàn, thậm chí không cần dự thi ĐH năm 2011 nhưng có bằng tốt nghiệp THPT đạt từ loại khá trở lên tham gia một số chương trình du học chuyển tiếp, liên kết với các đối tác là ĐH Grifith, ĐH New England (Australia), ĐH Worcester, ĐH Buckinghamshire (Anh). Học phí cho chương trình học tại Việt Nam là 35 triệu đồng/năm, còn tại Australia tùy ngành từ 15.680 AUD/năm - 20.000 AUD/năm.

Trung tâm Nghiên cứu quản lý quốc tế, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội cũng vừa đưa ra chương trình "Cử nhân liên kết 2+2 ngành kinh tế và kinh doanh quốc tế" giữa nhà trường với ĐH Benedictine, Mỹ, với các ngành được TS ưa thích nhất như tài chính, ngân hàng, kinh tế quốc tế, marketing... với điều kiện đầu vào là TS đạt điểm sàn ĐH, trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 4.0. Kèm theo đó là mức học phí 630 triệu đồng (tương đương 30,950 USD) cho hai năm học tại Việt Nam và hai năm tại Mỹ. Các chương trình liên kết nói trên là một giải pháp cho nhiều TS khi học phí du học toàn thời gian tại một số nước tăng nhanh trong thời gian gần đây. Tại Hàn Quốc, các chương trình ĐH ở nhiều trường đã vượt ngưỡng 9 triệu won/năm (hơn 8.000 USD), mức trung bình là 6,85 triệu won/năm. Chính phủ Anh cũng đã công bố kế hoạch tăng học phí. Theo đó, kể từ năm 2012 mức học phí áp dụng đối với các SV Anh và EU khoảng hơn 3.000 bảng/năm (100 triệu đồng) và gấp đôi đối với SV quốc tế.

Khi tỷ giá các đồng ngoại tệ mạnh so với đồng Việt Nam tăng cao, một số thị trường du học khác lại nổi lên để tận dụng lợi thế chi phí của du học sinh. Trung tâm Phát triển giáo dục Malaysia đã đưa ra so sánh: Tổng chi phí sinh hoạt và học tập của một SV quốc tế tại trường công lập nước này khoảng 9.000 USD/năm trong khi tại các trường công Australia là 17.000 USD, Canada là 16.500 USD, New Zealand 21.500, Mỹ 35.000 USD.

Từ năm nay, Bộ GD-ĐT cho biết, thay vì dành đặc quyền cho một số trường đào tạo theo nhu cầu xã hội (vốn được thu học phí cao hơn mức quy định, theo chi phí bỏ ra), Bộ cho phép tất cả các trường mở hệ đào tạo chất lượng cao và được thu học phí cao. Tuy nhiên, các trường phải có đề án, chứng minh được các yếu tố "chất lượng cao" để Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính phê duyệt. Nhiều trường công lập đã tận dụng yếu tố này để tuyển tối đa chỉ tiêu cho phép. Dù chưa được phê duyệt mức học phí, Trường ĐH Hàng hải đã nhanh chóng thông báo tuyển tất cả các TS dự thi ĐH khối A và D1 vào các trường ĐH trên toàn quốc, đạt từ điểm sàn trở lên. Đại diện nhà trường cho biết: Nếu được duyệt phương án đào tạo chất lượng cao, mức học phí sẽ khoảng 900 nghìn - 1 triệu đồng/tháng; nếu không được duyệt, học phí sẽ giữ nguyên như quy định chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học phí cao: Chất lượng cao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.