(HNM) - Anh bạn tôi vốn là người nguyên tắc. Với con cái cũng vậy. Đã vào ngày đi học thì dù gia đình có đám giỗ hay thậm chí ăn hỏi, đám cưới người nhà thì con vẫn đến trường như không có chuyện gì xảy ra. Với anh, giờ học văn hóa của con anh là bất khả xâm phạm.
Nhưng tuần vừa rồi, anh làm người quen ngạc nhiên khi phá lệ, cho phép cả 2 đứa con, đang học lớp 1 và 2, nghỉ học đến Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam. Ở đó có một lớp học mĩ thuật dành cho học sinh năm cuối của một trường mẫu giáo quốc tế tại Hà Nội. Cô giáo dạy lớp đó là chỗ thân quen, nên khi biết cô định đưa học sinh học mĩ thuật tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, vợ chồng anh lập tức nghĩ đến giải pháp cho con mình "học ké". Cũng là giải pháp đặng chẳng đừng vì dù các con thích vẽ nhưng anh chị không đủ kiến thức cơ bản về hội họa để giảng cho con dù biết rằng nếu chúng được vào bảo tàng sẽ mở mang kiến thức về hội họa rất nhiều, tăng khả năng lĩnh hội cái đẹp. Sau 2 buổi "học ké", mỗi buổi một tiếng đồng hồ, anh hồ hởi khoe rằng các con anh và các bạn học sinh trường quốc tế nọ thích thú thực sự vì được ngắm đủ loại tranh, biết thế nào là tranh sơn dầu, sơn mài, tranh khắc, tranh in rồi tượng khác tranh như thế nào, thậm chí cách đi đứng ở nơi công cộng như bảo tàng phải ra sao... Anh bảo: "7.000 đồng cho một vé vào cửa bảo tàng mà con mình lĩnh hội được cả kho kiến thức cơ bản như vậy thì quá rẻ! Ở trường mẫu giáo nơi các con tôi từng học và cả trường tiểu học hiện nay chưa có chuyện này".
Chương trình giáo dục từ nhiều năm nay đã chú ý hơn đến việc giáo dục thẩm mĩ cho học sinh, nhất là mẫu giáo và đầu cấp tiểu học - lứa tuổi quan trọng để vun đắp khả năng cảm nhận cái đẹp từ đó góp phần tạo ra những hành vi đúng chuẩn của xã hội. Thậm chí đã có cả một thông tư giữa hai ngành giáo dục và văn hóa trong việc phối hợp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên âm nhạc và mĩ thuật phục vụ sự nghiệp giáo dục thẩm mĩ cho học sinh mẫu giáo, phổ thông. Vài năm trước, chuẩn kiến thức kỹ năng môn mĩ thuật với từng lớp ở tiểu học đã được quy định như các môn học khác. Tuy nhiên, phương pháp dạy, hình thức dạy cũng như cách truyền đạt của giáo viên lại là vấn đề khác, nhiều nơi dạy cho có, thiếu sự phong phú trong hình thức giảng dạy. Kiến thức cuộc sống của học sinh vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Đưa học sinh đến Bảo tàng Mĩ thuật cũng là một cách dạy, dù không mới so với các trường quốc tế và học sinh các nước phát triển nhưng lại là hiếm ở Hà Nội. Mà việc này trong tầm với của nhiều trường, nhất là các trường ở nội thành. Vấn đề là ai làm mà thôi?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.