Với mục đích xây dựng những sản phẩm du lịch bền vững gắn với lịch sử, văn hóa của dân tộc, nhiều đơn vị lữ hành đã thiết kế tour du lịch về nguồn hấp dẫn du khách.
Những tour du lịch về nguồn này không chỉ nâng tầm điểm đến mà còn giúp du khách có thêm kiến thức về lịch sử dân tộc.
Đa dạng tour về nguồn
Những năm gần đây, sản phẩm du lịch về nguồn được du khách ưa chuộng. Các công ty lữ hành chào bán nhiều sản phẩm đưa du khách tham quan chiến trường xưa hoặc đến di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến với mức giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Đáng chú ý, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, để tăng sức hấp dẫn của điểm đến, các đơn vị du lịch đã xây dựng, làm mới nhiều hoạt động trải nghiệm. Điển hình như Hội Lữ hành Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức caravan Tây Bắc khám phá các điểm di tích cách mạng tại Điện Biên, Sơn La. Du khách được trải nghiệm “Một giờ làm dân công” tại đèo Pha Đin, sống lại bối cảnh chiến trường xưa.
Chị Nguyễn Thị Hằng (quận Hoàn Kiếm), du khách tham gia “Một giờ làm dân công” tại đèo Pha Đin cho rằng, đây là trải nghiệm quý giá, thú vị mà chị được trải qua, Nhờ thế, chị càng hiểu và cảm nhận rõ hơn về Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy.
Từ năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ phối hợp với các đơn vị triển khai tour đêm "Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất Tổ" và sản phẩm du lịch học đường “Hướng về nguồn cội”.
Gần đây, Công ty Flamingo Redtours giới thiệu bộ sản phẩm “Thăm lại chiến trường xưa” với nhiều tour kết nối Quảng Bình - Quảng Trị với các điểm đến như: Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, địa đạo Vĩnh Mốc, biển Cửa Tùng...
Đáng chú ý, cuối năm 2024, đơn vị ra mắt tour “Hà Nội - Thủ đô kháng chiến Tân Trào” nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025). Tham gia tour, ngoài tham quan di tích, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động đa dạng để tìm hiểu lịch sử như ăn cơm chiến khu, tập làm bộ đội... Đặc biệt, trong chương trình còn giới thiệu nghi thức kết nạp Đảng tại Hội trường Hội đồng Chính phủ.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, các tour về nguồn được rất nhiều đơn vị khai thác. Nổi bật là Công ty lữ hành Vietluxtour liên tiếp ra mắt chùm tour về nguồn như: City tour “Sài Gòn xưa và nay”, tour “Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn”, tour “Ký ức Biệt động Sài Gòn”, tour “Quận 1 - Sống động Sài Gòn”, tour tham quan “Biệt động Sài Gòn” bằng xe cổ, tour khám phá Củ Chi.
Còn tại Hà Nội, nhiều điểm di tích đã xây dựng sản phẩm mới, góp phần hiệu quả vào việc giáo dục lịch sử thông qua du lịch. Điển hình là di tích Nhà tù Hỏa Lò ngoài các trưng bày chuyên đề còn phát triển sản phẩm tour đêm “Đêm thiêng liêng”. Các di tích ở 90 phố Thợ Nhuộm, di tích “Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12-1946” tại làng Vạn Phúc được bổ sung nhiều chuyên đề để thu hút du khách đến tìm hiểu thông tin và trải nghiệm lịch sử.
Nâng cao chất lượng, tăng sức hút
Với bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam có hàng vạn “địa chỉ đỏ” trải khắp các tỉnh, thành phố, trong đó có hàng nghìn địa chỉ lịch sử văn hóa, cách mạng đã được công nhận là di sản. Đây là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch về nguồn.
Theo Tổng Giám đốc Công ty du lịch Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, vào các ngày lễ và ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, nhiều đơn vị, cơ quan, đoàn thể và người dân có xu hướng tìm về những di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến để ôn lại truyền thống, lịch sử vẻ vang của dân tộc; vì thế, du lịch về nguồn luôn có giá trị riêng và sức hút nhất định.
Còn Tổng Giám đốc Công ty Vietluxtour Trần Thế Dũng nhấn mạnh, du lịch về nguồn không chỉ là sản phẩm kinh doanh mà còn mang sứ mệnh lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử quý báu của điểm đến, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, niềm tự hào dân tộc.
Mặc dù có giá trị khai thác lớn, song nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, du lịch về nguồn vẫn chưa khai thác hết tiềm năng tương xứng. Nhiều địa phương chưa phát huy được lợi thế gắn kết điểm du lịch với các loại hình du lịch khác để cùng phát triển.
Theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, phần lớn các “địa chỉ đỏ” mới ở dạng đầu tư ban đầu, chất lượng dịch vụ tại điểm đến chưa hấp dẫn. Một số điểm di tích được tôn tạo với mục đích tưởng niệm là chính, cho nên thường chỉ là điểm phụ trợ trên tuyến hành trình của du khách, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để nâng cao chất lượng, tăng sức hút cho các tour du lịch về nguồn, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, các địa phương cần có sự đầu tư, tôn tạo di tích theo đúng quy định, đồng thời nâng cấp chất lượng dịch vụ; liên kết với các đơn vị lữ hành, lưu trú.
Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút thêm nhiều đối tượng khách, nhất là khách quốc tế. Các địa phương, đơn vị doanh nghiệp cần lưu ý trong xây dựng sản phẩm, gắn câu chuyện lịch sử đặc thù của điểm đến với những hoạt động mang tính sáng tạo, chẳng hạn mô phỏng lại không gian lịch sử xưa, lồng ghép các trò chơi tìm hiểu kiến thức lịch sử, ứng dụng công nghệ số vào chương trình trải nghiệm và quản lý di tích…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.