(HNM) - Ông Đoàn Xuân Tiến, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông nghiệp Hà Nội khẳng định: Làm nông nghiệp bây giờ không phải như xưa nữa, bởi nông thôn hiện nay là nông thôn theo mô hình mới.
Trao đổi kinh nghiệm trồng rau an toàn. Ảnh: Bá Hoạt |
Có nhu cầu, dù không mạnh như đối với các ngành học được coi là thời thượng như kế toán, tài chính, ngân hàng, CNTT…, nhưng để các lĩnh vực đào tạo của ngành nông nghiệp từng bước khẳng định ưu thế, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng ngoại thành Thủ đô và khu vực lân cận cũng không phải là chuyện đơn giản. Để làm được điều đó, trường phải đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; mở rộng phương thức đào tạo, không chỉ là theo học tại trường, mà còn tập trung tại cơ sở (tại các trung tâm dạy nghề quận, huyện…) hoặc truyền dạy trực tiếp tại các trang trại chăn nuôi, cây trồng, thủy sản… Nhờ sự linh hoạt ấy mà số lượng HS đăng ký theo học tại trường ngày càng tăng, với gần 2.000 HS/năm ở các hệ đào tạo. Con số 70% HS có việc làm đúng chuyên ngành học sau khi ra trường hằng năm góp phần không nhỏ tạo nên niềm tin tưởng của HS khi đăng ký theo học tại trường.
Điểm khác biệt trong cách thức đào tạo ở Trung cấp Nông nghiệp Hà Nội là mặc dù vẫn tiến hành đào tạo theo các chuyên ngành chung đã được phê duyệt, nhưng sau một năm, HS được lựa chọn ngành học chuyên sâu hơn để có thể tiếp cận và vận dụng thành thạo kiến thức đã học vào thực tế. Ví dụ, trong ngành chăn nuôi - thú y, HS có thể chọn theo học chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm; trong ngành trồng trọt có thể chọn học cách trồng hoa cúc, lan hoặc trồng rau… Nói như thầy hiệu trưởng nhà trường thì đó là cách giúp HS khi ra trường trở thành những "người thợ" thực sự trong lĩnh vực mà mình đã học, chứ không phải là những người "nửa thầy, nửa thợ", việc lớn không rành mà việc nhỏ cũng lúng túng.
Xác định rõ tác dụng của việc học đi đôi với hành, giúp HS có thể vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế nhanh và hiệu quả nhất, nhiều năm qua, nhà trường luôn chú trọng tới việc đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, môi trường học tập cho HS. Sử dụng có hiệu quả 3 cơ ngơi hiện có, trong đó trụ sở chính (ở quận Thanh Xuân) vừa là giảng đường, vừa có ký túc xá cho HS, 2 cơ sở còn lại (ở Từ Liêm) trong đó có nơi rộng tới hơn hai chục hécta dùng làm trang trại chăn nuôi, trồng cây, nuôi thủy sản, trường có điều kiện lo cho HS cả nơi ăn ở, học tập và thực tập, thực hành. Chỉ riêng năm học 2009-2010 vừa qua, ngoài hơn 4 tỷ đồng ngân sách nhà nước, nhà trường cũng đã dành ra hơn 500 triệu đồng để nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất nơi thực hành, thí nghiệm, nâng tỷ lệ HS của trường được tham gia thực hành lên con số tối đa; 100% HS thực tập tốt nghiệp năm cuối được đưa đến hơn 200 doanh nghiệp ở Hà Nội và các vùng lân cận… Nhờ đó mà tay nghề của hầu hết HS khi ra trường, đều được các đơn vị sản xuất, kinh doanh đánh giá cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.