Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học hỏi từ các bài học thành công

L.H| 18/03/2011 13:30

(HNMO) -  Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta do phụ nữ đứng đầu; khoảng 25% lãnh đạo và giám đốc điều hành của các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế ở Việt Nam là phụ nữ và ước tính 60% hộ kinh doanh gia đình do phụ nữ làm chủ.

Ngày 18/3, Hội đồng doanh nhân nữ - Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phối hợp với dự án Phát triển Doanh nghiệp Nữ và Bình đẳng Giới (WEDGE) của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) dưới sự tài trợ của Chính phủ Ailen tổ chức Hội thảo quốc gia chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cho phụ nữ.

Đó là cơ hội cho các tổ chức đối tác của dự án gồm Liên minh HTX Việt Nam (VCA), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở cấp trung ương và địa phương, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các nhà tài trợ và các cơ quan hỗ trợ kỹ thuật chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp.


Thảo luận tại hội thảo nhằm mục đích giúp các cán bộ quản lý chuyên môn của các cơ quan, tổ chức liên quan hiểu rõ hơn các biện pháp và chiến lược hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp cho phụ nữ. Một trong các trọng tâm của hội thảo là đảm bảo phát triển doanh nghiệp mang lợi lợi ích và đáp ứng được nhu cầu của phụ nữ và nam giới. Đây cũng chính là sứ mệnh của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhằm hỗ trợ tạo nhiều công ăn việc làm và việc làm tốt hơn cho người lao động thông qua phát triển doanh nghiệp dựa trên phương pháp tiếp cận chú trọng đến các quyền của con người....

Mặc dù có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nhưng doanh nhân nữ vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do định kiến giới trong khởi sự và phát triển kinh doanh. Phụ nữ thường hạn chế hơn hơn nam giới trong các cơ hội tiếp cận phát triển nguồn nhân lực và đào tạo kỹ năng nghề, nguồn tín dụng thương mại của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính chính thức, hoặc thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường sinh lời, mà thường chỉ tham gia vào những thị trường truyền thống tại địa phương. Doanh nhân nữ cũng thiếu công nghệ, thông tin và mạng lưới để thành lập và phát triển kinh doanh.

Báo cáo Xu hướng Việc làm Việt Nam 2010 của Bộ LĐ-TBXH đã phản ánh các xu hướng này dựa trên các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy có sự giảm sút về việc làm tự tạo của cả nam và nữ giới. Tuy nhiên, phần lớn những việc làm mới trong khu vực việc làm công ăn lương đều do nam giới đảm nhận, trong khi đó phụ nữ có xu hướng chuyển sang làm công việc gia đình không được trả lương.

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Để phát triển công bằng và hiệu quả cần phải tận dụng tối đa tiềm năng của các doanh nghiệp nhằm tạo việc làm bền vững cho cả phụ nữ và nam giới. Doanh nhân nữ đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực này. Hỗ trợ doanh nhân nữ vượt qua những rào cản liên quan đến vai trò và trách nhiệm về giới là việc cần làm và để đảm bảo lợi ích doanh nghiệp. Việt Nam cần thúc đẩy để cả phụ nữ và nam giới nhận ra được tiềm năng kinh doanh của mình”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Hiện nay, số doanh nghiệp do chị em điều hành hoặc làm chủ chiếm tới trên 20% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam. Đây là tỉ lệ rất cao so với thế giới. Các doanh nhân nữ cũng thường đi đầu trong các hoạt động xã hội, từ thiện. Như vậy, vị trí của doanh nhân nữ không chỉ có ý nghĩa trong tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học hỏi từ các bài học thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.