Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học giỏi, tự lập bằng nghề nặn tò he

Đào Thúy| 07/10/2012 07:54


Với sự thông minh tinh ý vốn có, Đều đã thổi hồn vào những viên bột vô hình để làm ra những con tò he sinh động đủ màu sắc và hình dáng. Chủ động tìm cách trang trải chi phí cho việc học phù hợp với khả năng của bản thân, ngay từ khi học năm thứ nhất, Đều đã vừa học, vừa làm nghề nặn tò he. Nghề đặc trưng không phải ai cũng học và làm được khiến cho Đều trở thành người giỏi kiếm tiền - mơ ước của nhiều sinh viên cùng trang lứa.

Với một chiếc tráp bằng gỗ, vài hũ bột gạo dẻo luộc chín trộn sẵn phẩm màu, ít que tre và chiếc ghế nhựa cũ - tất cả được chằng buộc cẩn thận trên một chiếc xe đạp, cứ thế, mỗi lúc rảnh rỗi hay ngày lễ lớn, Đều lại lang thang qua các góc phố, công viên, cổng chợ với công việc nặn tò he cho đến khi tối mịt mới về. Luôn tìm tòi, sáng tạo sản phẩm mới thu hút sự hiếu kỳ của trẻ, Đều thường xuyên sưu tầm trên internet những hình ảnh ngộ và lạ để làm. Cũng chính vì sự sáng tạo đó nên ngoài những con vật truyền thống như 12 con giáp, hình dáng Tôn Ngộ Không, Đều còn nặn được những con vật lạ như con sóc, con ngựa hay những con picachu, siêu nhân biến tấu đầy màu sắc. Đều tâm sự: "Mỗi ngày nặn tò he cũng được vài trăm nghìn, là ngày lễ thì có thể lên đến 2 triệu đồng. Mình chỉ tranh thủ đi làm những ngày được nghỉ học và ngày lễ thôi. Ngày nọ bù ngày kia trừ vốn đi trung bình tháng nào mình cũng kiếm được khoảng 4 đến 5 triệu đồng, đủ tiền phục vụ cho việc ăn học đại học của mình". Nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản, nhưng để kiếm được khoản tiền như vậy, Đều dậy từ rất sớm nấu bột và chuẩn bị đồ đạc, ngồi bán từ sớm đến tối có hôm gặp trời mưa gió không kịp trú mưa bột nhão nhoét hết cả lại phải bỏ đi. Những buổi trưa nắng chang chang Đều vẫn ngồi mải miết nặn cho đến khi bụng đói meo mới vào quán ăn tạm cái gì đó rồi ra bán nốt buổi chiều tranh thủ ngày lễ.

Không chỉ tự lập bằng nghề nặn tò he, Đặng Văn Đều còn tích cực tham gia các dự án xã hội cùng với nhóm bạn cùng trường. Hè năm 2011, Đều tham gia dự án "Khảo sát về người khuyết tật" ở Thái Bình và Dự án "Đo lường truy cập internet" ở Hà Nội. Dù kiếm được tiền đủ sống, song thành tích học tập của Đều cũng khiến nhiều bạn nể phục với 3 năm liền đạt học lực giỏi và nhận học bổng của nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học giỏi, tự lập bằng nghề nặn tò he

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.