Hiện nay, nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức chương trình ngoại khóa gồm nhiều hoạt động thú vị như dạy HS cách tái chế đồ vật đã bỏ đi, trồng cây tạo cảnh quan thiên nhiên xung quanh mình… Đây chính là những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường. Các em có hào hứng tham gia học cách "tái chế" bảo vệ môi trường không nhỉ?
Em Nguyễn Thùy Linh (HS lớp 10D3, Trường THPT Việt - Đức):
- Chiều thứ tư tuần trước, trường em đã tổ chức chương trình "Ngày hội tái chế". Chương trình được tổ chức rất sôi động, có sự tham gia của nhiều anh chị ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Điều đặc biệt nhất là chương trình có rất nhiều hoạt động liên quan đến việc tái chế đồ bỏ đi, bảo vệ môi trường. Chúng em cũng được tham quan gian trưng bày mô hình dự án trồng rừng ngập mặn ở Huế, hướng dẫn làm đồ thủ công, chụp ảnh và chơi nhiều trò chơi hấp dẫn. Ngoài ra, chúng em còn có thể mang đồ quyên góp đến cho dự án gây quỹ trồng 3.000 cây đước tại Thừa Thiên Huế. Khi tham gia những hoạt động cộng đồng như vậy, em có cảm giác mình đang đóng góp vào việc bảo vệ thiên nhiên, màu xanh của Trái đất.
Em Trần Thu Hà (lớp 9B, Trường THCS Ba Đình):
- Em được biết đây là những chương trình nằm trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Giờ Trái đất, bảo vệ môi trường và sẽ còn được tổ chức ở nhiều trường trên địa bàn Hà Nội. Đợt cuối năm ngoái, trường em cũng đã tổ chức một chương trình biểu diễn thời trang "tái chế" từ giấy. Em rất mong muốn sắp tới, trường em cũng có hoạt động ngoại khóa tương tự. Bởi em rất thích mày mò học cách "tái chế" đồ cũ, biến những đồ vật bỏ đi thành sản phẩm hữu ích. Những chai lọ thủy tinh, lon nước ngọt được "tái chế" thành ô tô, máy bay đồ chơi; bao bì cũ được đan lát trang trí thành túi xách; vỏ sò, vỏ ốc thành vòng trang sức … Em nghĩ, những đồ vật này có thể trở thành đồ lưu niệm thú vị cho các du khách trong nước cũng như nước ngoài.
Cô Hoàng Thu Trang (phụ huynh HS, 35 Lò Đúc):
- Là một phụ huynh, tôi rất mong muốn nhà trường sẽ tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa bổ ích cho HS như vậy. Việc dành thời gian cho học tập rất quan trọng với các em. Nhưng sau những giờ học căng thẳng, các em rất cần thời gian cho những hoạt động giải trí lành mạnh. Trong đó, việc dạy HS cách "tái chế" đồ cũ, đồ bỏ đi vừa giúp khơi gợi tinh thần sáng tạo, tính tiết kiệm vừa truyền tải những thông điệp ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường sống. Tôi được biết, tại nhiều nước phát triển cũng có rất nhiều chương trình ngoại khóa, chương trình truyền hình, sách báo dạy HS cách tái chế, xử lý đồ phế thải thành dụng cụ học tập, đồ chơi, đồ lưu niệm.
Trong khi môi trường ngày càng ô nhiễm thì việc dạy cho những mầm non tương lai của đất nước cách tái sử dụng và tái chế nguyên liệu, đóng góp cho dự án trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường là rất thiết thực. Qua những hành động ý nghĩa này, các em sẽ cảm thấy tự hào hơn vì mình cũng đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong việc giữ gìn màu xanh của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.