(HNM) - Sau 15 năm, Nhà nước cho phép đơn vị tư nhân liên kết cùng nhà xuất bản (NXB) làm sách, hiện có nghịch lý lớn trong thị trường.
Bàn đạp của công ty tư nhân
Theo Hội Xuất bản Việt Nam, toàn quốc có 39 NXB rơi vào tình trạng thiếu vốn, không xuất bản sách, thiếu tiền trả lương nhân viên, không đáp ứng được quy định nhà nước về vốn, mặt bằng, bộ máy quản lý. Số NXB nhà nước còn đủ năng lực xuất bản hiện không quá 10 đơn vị, trong đó chỉ 3 NXB báo lãi, đó là NXB Kim Đồng, NXB Trẻ và NXB Giáo Dục. Nói về nguyên nhân sự tụt dốc hệ thống xuất bản, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chỉ rõ: "Các NXB hiện nay không thực sự làm công việc xuất bản đầy đủ 3 khâu: nội dung - in ấn - thị trường. Họ co cụm, mất chỗ đứng trên thị trường vì chỉ thực hiện công việc biên tập, trao giấy phép cho các đơn vị tư nhân. Ngược lại, nhân cơ hội có được giấy phép dễ dàng, hệ thống công ty sách tư nhân lại vươn lên để phát triển và nắm giữ thị trường xuất bản. Họ biết cách tận dụng tín hiệu tích cực từ thị trường để mở rộng kinh doanh và phát triển. Theo dõi số liệu về xuất bản của Hội Xuất bản Việt Nam, hiện nay số người đọc, người mua sách không giảm, số lượng bản in cũng không giảm. Thậm chí, thị trường kinh doanh sách năm 2015 có tín hiệu tích cực khi Nhà sách Fahasa mở thêm 12 nhà sách, nâng tổng số 80 nhà sách trên toàn quốc. Hệ thống nhà sách Phương Nam, Nhân Văn cũng tăng lên 4-7 cửa hàng. Về xuất bản sách, dự kiến năm 2015, cả nước sẽ xuất bản khoảng 30.000 tựa sách với khoảng 330 triệu cuốn sách. Hệ thống sách tư nhân đang làm ăn phát đạt còn phải kể đến đơn vị: Thái Hà Books, Đông A, First New, Nhã Nam...
Nhu cầu đọc sách lớn, tạo điều kiện cho đơn vị sách tư nhân phát triển. |
Ngoài cách làm truyền thống là phát hành sách, các công ty xuất bản tích cực đầu tư vốn để khuyến khích kinh doanh và mở rộng tên tuổi. Điển hình, Công ty Văn hóa Đông A có trụ sở chính tại Hà Nội đã Nam tiến, xây dựng hệ thống nhà sách Cá Chép tại TP Hồ Chí Minh với diện tích hơn 900m2. Ngoài trưng bày lượng sách khổng lồ và cập nhật liên tục, Cá Chép có thêm các dịch vụ đi kèm như tổ chức sự kiện, cà phê sách. Ngoài mở rộng diện tích kinh doanh, các nhà xuất bản tư nhân đang chịu khó đầu tư để có được gian hàng trong đường sách TP Hồ Chí Minh sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12-2015. Đường sách được xây dựng tại đường Nguyễn Văn Bình, dự kiến có 19 gian hàng, song cả nước có tới 64 đơn vị xuất bản cùng hàng trăm công ty sách muốn nhập cuộc. Đến thời điểm này, hơn 20 đơn vị đăng ký tham gia đường sách, trong đó công ty sách tư nhân chiếm hơn 50%. Do đường sách được xây từ nguồn vốn xã hội hóa nên ngoài năng lực, uy tín trong hoạt động xuất bản thì các đơn vị còn phải có một tiềm lực lớn về tài chính mới đủ điều kiện "ứng tuyển" để có một gian hàng đắc địa giữa trung tâm thành phố.
Gây dựng thương hiệu riêng
Khác biệt tạo nên sự tồn tại, đây được xem là "bí quyết" của các công ty sách tư nhân tìm lối đi riêng trên thị trường xuất bản. Dù hoạt động xuất bản đang khó khăn, tình trạng sách bị in lậu diễn ra thường xuyên, nhưng mua bản quyền sách là cách mà First New đi tiên phong và thu được thành công lớn. First New cũng tạo dấu ấn riêng cho độc giả nhờ kiên định với dòng sách dạy kỹ năng sống, dòng sách làm nên thương hiệu. Bên cạnh đó đơn vị này cũng tập trung các hoạt động quảng cáo, truyền thông thông qua hoạt động nhân văn như tặng sách cho phạm nhân. Tính đến nay, trong các chương trình giao lưu của chuỗi chương trình Phát triển hạt giống tâm hồn, First News đã dành tặng hơn 20.000 cuốn sách cho cán bộ và phạm nhân tại các trại giam như Z30D Bình Thuận, Trại giam Xuyên Mộc, Trại giam A2.
Thay đổi cách tiếp cận độc giả, từ chỗ người đọc đi mua sách, hiện nay các công ty sách tư nhân tìm mọi cách để đưa sách đến với độc giả. Điển hình như cách kéo người đọc đến với sách được Thái Hà Books đẩy mạnh thành chiến dịch từ năm 2008, thông qua hoạt động Tết sách. Kể từ đó, hằng năm đơn vị này tổ chức đều đặn Tết sách vào ngày 21-23 tháng 4. Ngoài ra, các hội sách khuyến khích người đọc tại các trường đại học, trung học cả nước và các trung tâm thương mại, các mô hình sách lớn của đơn vị này được người đọc chú ý.
Với sự phát triển của hệ thống xuất bản tư nhân như trên, các NXB “bấu víu” ngân sách cần phải xem lại tư duy vận hành của mình!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.