(HNM) - Hiện cả nước có 177 trung tâm tư vấn pháp luật (TVPL) được thành lập và đăng ký hoạt động tại 61/63 tỉnh, thành phố với 3.126 người thực hiện không nhằm mục đích thu lợi nhuận.
Trong điều kiện tìm nguồn thay thế còn khó khăn, thì việc sửa đổi quy định về tiêu chuẩn đối với tư vấn viên pháp luật là mong muốn của nhiều đơn vị.
Nới tiêu chuẩn
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Vũ Hồng Dương cho biết, so với giai đoạn trước khi ban hành Nghị định số 77/CP ngày 16-7-2008 của Chính phủ về TVPL, số trung tâm TVPL đã gia tăng đáng kể. Ba năm trở lại đây các trung tâm TVPL trong cả nước đã thực hiện 180.033 vụ, việc với 2.269 vụ tham gia tố tụng hình sự; 165.076 việc trợ giúp pháp lý, TVPL... cho công dân. Không ít người không đủ khả năng chi trả cho luật sư hoặc không biết cách tiếp cận với các cơ quan tư pháp đã được trợ giúp.
Hoạt động có ý nghĩa là vậy nhưng đến nay, vẫn còn hai tỉnh Quảng Trị, Đắk Nông chưa thành lập được trung tâm TVPL. Để đáp ứng nhu cầu TVPL trong xã hội, đặc biệt là cho nhóm yếu thế, người nghèo, người thuộc đối tượng chính sách tại các địa phương này, mô hình tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ, thanh niên, nông dân, cựu chiến binh và đối tượng khác thông qua các tổ trợ giúp pháp lý, trung tâm xúc tiến và giới thiệu việc làm, các câu lạc bộ pháp luật dành cho phụ nữ, thanh niên, nông dân đã được thành lập và phát triển. Tuy vậy, việc thực hiện không thường xuyên, khâu tổ chức có lúc còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, nặng về phong trào. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa thực sự chú trọng vào các văn bản hướng dẫn thi hành và các vụ việc cụ thể. Nhìn tổng thể, ngay tại các trung tâm TVPL, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ TVPL còn hạn chế nên chưa phát huy được tối đa hiệu quả hoạt động.
Ông Dương Đình Khuyến (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, căn cứ điều kiện thực tế, nhu cầu hiện nay, tiêu chuẩn tư vấn viên pháp luật theo Nghị định số 77 của Chính phủ gồm: Có bằng cử nhân luật và có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên là hơi cao. Nếu áp dụng đúng thì các đơn vị khó tuyển được ứng cử viên, không thu hút được lực lượng cử nhân luật trẻ mới ra trường, đồng thời cũng không thu hút được những cán bộ tư pháp có rất nhiều kinh nghiệm pháp luật nhưng không có bằng cử nhân luật. Vì vậy, đề nghị sửa lại là "có bằng cử nhân luật hoặc có trình độ tương đương".
Đến gần dân hơn
Nêu quan điểm tỷ lệ luật sư so với số dân cả nước vẫn rất thấp, đặc biệt số lượng luật sư phân bố không đều giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, Chủ tịch Hội Luật gia kiêm Giám đốc Trung tâm TVPL Lai Châu Nguyễn Cảnh Phương nhận định, không phải vụ án nào cũng có thể mời luật sư tham gia tranh tụng. Do đó, nên có kế hoạch bổ sung tư vấn viên pháp luật và có thể xem xét để tư vấn viên tham gia tố tụng vì thực tế nhu cầu của người dân trong lĩnh vực này rất lớn.
Về vấn đề này, luật gia Lê Quang Vững cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, ngay tại Hà Nội - nơi có nhiều trung tâm TVPL, có nơi người dân phải đi gần 20km mới đến được điểm trợ giúp miễn phí nên không phải ai cũng có thể tiếp cận được. Luật gia Lê Quang Vững đề nghị tạo điều kiện cho các tân cử nhân luật tham gia hoạt động sáng tạo này dưới hình thức sân khấu hóa ngay tại địa phương. Quá trình triển khai đưa pháp luật đến gần dân hơn nữa, phải tính đến đặc thù từng địa bàn. Với nơi dân cư chủ yếu là công nhân sinh sống, nếu chỉ tập trung phổ biến các quy định về Luật Hôn nhân và gia đình, cải cách hành chính thay vì phải giải đáp thắc mắc liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động thì chắc chắn sẽ không thu hút đông đảo người tham dự.
Từ thực tiễn tại cơ sở, bà Phan Thị Việt Thu - Phó Giám đốc Trung tâm TVPL, TP Hồ Chí Minh kiến nghị cần mở rộng thêm nguồn chất lượng cao. Cụ thể, đối tượng luật sư đang hành nghề được tham gia là cộng tác viên của trung tâm TVPL thay vì quy định chỉ có luật sư với tư cách làm việc theo hợp đồng ký kết với trung tâm như hiện nay. Cũng theo bà Phan Thị Việt Thu, Nghị định 77 quy định trách nhiệm của cơ quan tổ chức về việc cung cấp thông tin cho trung tâm TVPL về những vấn đề liên quan, nhưng trên thực tế các tư vấn viên gặp rất nhiều khó khăn, cần bổ sung chế tài xử lý đối với hành vi gây khó khăn cho tư vấn viên. Một vấn đề nữa cần lưu ý, theo Nghị định 77: "Hoạt động TVPL quy định tại nghị định này mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận".
Trong khi đó, cũng tại nghị định này lại quy định: "Trung tâm TVPL hoạt động theo cơ chế tự trang trải về tài chính". Chính quy định "đá nhau" như vậy khiến hoạt động TVPL còn hạn chế; eo hẹp về kinh phí và điều kiện cơ sở vật chất. Nghề tư vấn viên pháp luật không có sức hút. "Cần xác định rõ mục tiêu của các cơ sở chịu trách nhiệm tuyên truyền phổ biến pháp luật. Nếu muốn đạt mục tiêu xã hội, phi lợi nhuận thì không thể yêu cầu tự trang trải tài chính" - Luật gia Lê Quang Vững đề xuất.
Những bất cập nêu trên đã diễn ra trong một thời gian dài, ở nhiều tỉnh, thành phố, rất cần Bộ Tư pháp, cơ quan chức năng liên quan quan tâm tháo gỡ để hoạt động TVPL ngày càng đạt hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.