(HNM) - Mùa hè tình nguyện năm 2013 đang bước vào giai đoạn cao điểm với các hoạt động tiếp sức mùa thi và giữ gìn văn minh đô thị. Tại Thủ đô, năm nay, Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội quyết tâm tạo bước đột phá trong cách thức tổ chức hoạt động tình nguyện, hướng đến sự chuyên nghiệp.
Mục đích là cống hiến, đóng góp cho cộng đồng
- Hà Nội luôn tự hào là nơi khởi xướng nhiều phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ cả nước, trong đó có phong trào "Thanh niên tình nguyện". Hoạt động này hiện nay đã thực sự bền vững chưa, thưa anh?
- Hằng ngày, trên nhiều đường phố của Thủ đô, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh thanh niên hoạt động tình nguyện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hơn 10 năm qua, hàng triệu lượt thanh niên Hà Nội đã háo hức thể hiện sức trẻ, gánh vác những việc mới, việc khó và được xã hội ghi nhận. Có nơi, tổ chức đoàn đứng ra kêu gọi; có nơi, chỉ là một nhóm thanh niên tự nguyện tổ chức các hoạt động song mục đích chung là được cống hiến, đóng góp cho cộng đồng. Dù kết quả có lúc, có nơi chưa nhiều dấu ấn nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xử lý thiên tai, chăm sóc cho thiếu niên, nhi đồng... Từ thành thị đến nông thôn đều rõ nét màu áo xanh tình nguyện, điều đó cũng khẳng định sự bền vững của phong trào.
- Tinh thần "Hà Nội vì cả nước" đã được thể hiện như thế nào trong phong trào "Thanh niên tình nguyện"?
- Mỗi năm, Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội tổ chức hàng chục đội hình hoạt động tình nguyện tại nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định địa bàn ngoại thành Hà Nội hiện nay có nhiều nơi khó khăn, cần sự có mặt, hỗ trợ của "Thanh niên tình nguyện". Do đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là địa bàn Thủ đô.
- Thực tế cho thấy, việc huy động "quân" cho hoạt động "Thanh niên tình nguyện" có thể mang lại hiệu quả cao ở địa phương này nhưng chưa chắc đã phù hợp với nhu cầu của địa phương khác.
Kế hoạch tình nguyện năm nay được Thành đoàn Hà Nội triển khai như thế nào?
- Rút kinh nghiệm những năm trước, sau khi Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào tình nguyện, các trường đại học, cao đẳng chủ động kết nghĩa, vạch ra kế hoạch, chương trình, sắp xếp lịch tới các địa phương hoạt động tình nguyện. Do vậy, xảy ra tình trạng một địa phương có tới 4-5 đoàn "Thanh niên tình nguyện" nhưng lại có nơi không có đoàn nào dù địa phương ấy có nhu cầu. Cũng do không khảo sát kỹ, nội dung làm tình nguyện ở một số địa bàn chưa hiệu quả, ví dụ địa phương cần chuyển giao công nghệ thì chỉ mang cơ sở vật chất đến tặng và ngược lại. Vì thế, nét mới trong tổ chức hoạt động tình nguyện ở Thủ đô là điều phối tình nguyện viên và nội dung hoạt động. Thành đoàn yêu cầu 100% cơ sở đoàn trực thuộc đăng ký khả năng tình nguyện cả về con người, phần việc, nguồn lực hỗ trợ. Thành đoàn cũng tập hợp yêu cầu của các địa phương, đơn vị và các tỉnh bạn... từ đó, điều phối phù hợp với yêu cầu thực tiễn ở cơ sở.
- Anh có thể cho biết những ví dụ cụ thể?
- Quan điểm của chúng tôi là "cần gì có đấy, phù hợp cả lượng và chất". Việc này trong đăng ký của các đơn vị đã thể hiện rõ. Cụ thể, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã đăng ký nội dung tình nguyện là dạy thiếu nhi vẽ tranh hoặc thiết kế nhà văn hóa cho các địa phương theo những nhu cầu cụ thể và chịu trách nhiệm về phần mỹ thuật; Trường Đại học Kiến trúc và Đại học Xây dựng hỗ trợ cơ sở về kiến trúc, tính toán phương án xây dựng; Đại học Khoa học tự nhiên chuyển giao những tiến bộ khoa học - công nghệ cho người dân…
- Việc tổ chức hoạt động tình nguyện có cần phải rút kinh nghiệm về vấn đề kỷ luật lao động không khi ở một số nơi đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc?
- Về vấn đề an toàn, năm nào Thành đoàn Hà Nội cũng chú ý nhưng thực tế, một số trường, một số nơi vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn trong quá trình hoạt động. Năm nay, tại các lớp tập huấn cho đội trưởng tình nguyện của các trường, Thành đoàn đưa vấn đề này lên hàng đầu và dịp cuối tháng 5-2013, chúng tôi đã tập huấn xong cho đội ngũ này. Ngoài yêu cầu thực hiện kỷ luật, các đội trưởng còn được tập huấn kỹ năng tổ chức trò chơi, kỹ năng sinh hoạt, kỹ năng sống. Đặc biệt, Thành đoàn Hà Nội đã mời đại diện Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội trao đổi về khả năng bảo đảm sức khỏe, chăm lo cho tình nguyện viên, qua đó giúp các đội trưởng nhận thức rõ trách nhiệm của mình và giảm thiểu rủi ro.
- Địa bàn rộng, lực thì có hạn, điều quan trọng là hướng dẫn, dẫn dắt cơ sở cùng thực hiện. Một số cơ sở đoàn khối dân cư rất chủ động nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện tốt, thậm chí còn có tâm lý "chờ, ngóng" các đội tình nguyện về làm thay phần việc cho mình. Anh suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Thành đoàn Hà Nội đã thành lập 16 đội hình chuyên trách nhưng do địa bàn rộng, chúng tôi không thể "bao sân" được, vì thế mới cần sự chủ động của các cơ sở đoàn khối dân cư. Năm nay, Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo Đoàn thanh niên 29 quận, huyện, thị xã thành lập các đội, câu lạc bộ sinh viên trên địa bàn dân cư, huy động sinh viên nghỉ hè về địa phương. Câu lạc bộ này sẽ thực hiện tình nguyện ngay tại nơi mình cư trú, sinh hoạt, hỗ trợ cho địa phương về hoạt động đoàn, công tác chăm sóc thiếu nhi...
Ngăn ngừa tình trạng "đánh trống bỏ dùi"
- Qua theo dõi và nghe nhân dân phản ánh, chúng tôi được biết, hoạt động tình nguyện tại một số địa bàn dân cư còn hình thức, chiếu lệ...
- Phải thừa nhận tại một số nơi vẫn còn tình trạng "đánh trống bỏ dùi", "phát" mà không "động", hoạt động tình nguyện không mang lại hiệu quả gì cho địa phương. Đầu năm 2013, Thành đoàn Hà Nội đã phát động cuộc vận động mới "ba xây, ba chống" và sẽ áp dụng ngay trong mùa hè tình nguyện này. Lý do có cuộc vận động trên cũng chính từ sự hời hợt của một số đơn vị mải chạy theo thành tích… Hy vọng tới đây tình trạng trên sẽ không còn tái diễn.
- Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tình nguyện sẽ được triển khai như thế nào?
- Năm 2013, Thành đoàn Hà Nội đã thành lập 19 tổ công tác để chỉ đạo, theo dõi hơn 100 cơ sở trực thuộc; hằng tháng dự, chia sẻ với cơ sở, đồng thời cũng kiểm tra, giám sát, từ đó tham mưu cho Ban Thường vụ Thành đoàn để chỉ đạo phù hợp.
- Còn việc gặp gỡ, trao đổi với cấp ủy cơ sở? Đây cũng là một trong những biện pháp kiểm tra, giám sát.
- Công việc đó vẫn được chúng tôi tiến hành thường xuyên. Trong các buổi kiểm tra, làm việc với các cơ sở đoàn đều có sự tham gia của đại diện cấp ủy. Cùng với công tác thanh niên, các cơ sở đoàn còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp ủy cùng cấp chỉ đạo.
- Chúng tôi cho rằng, việc kiểm tra, giám sát hoạt động tình nguyện nên để đối tượng thụ hưởng đánh giá là sát thực nhất…?
- Quan điểm của tôi là phần việc, công trình nào nhân dân thụ hưởng thì lấy ý kiến của nhân dân; phần việc nào chỉ có đoàn viên thanh niên thụ hưởng thì phải hỏi ý kiến của họ. Có như vậy mới sâu sát. Năm nay, trước khi tham gia hoạt động tình nguyện, các đoàn công tác phải gặp gỡ, trao đổi với cơ sở, nắm bắt nhu cầu để có kết quả thiết thực. Ngay công tác kiểm tra cũng phải kiểm tra từ công trình chứ không chỉ xem báo cáo…
Chọn điểm nhấn, tạo đột phá
- Hoạt động tình nguyện thì có nhiều lĩnh vực nhưng để tránh dàn trải, Thành đoàn Hà Nội có chọn điểm nhấn không?
- Năm nay, chúng tôi quyết tâm thực hiện những công trình thanh niên "ra tấm, ra món". Hoạt động tình nguyện cấp thành phố sẽ là công trường "Đường thanh niên" tại địa bàn các huyện Thạch Thất, Thanh Trì. Tại huyện Thạch Thất, chúng tôi sẽ thực hiện làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với chiều dài khoảng 600m, giá trị ước khoảng 1,3 tỷ đồng. Đây cũng là hoạt động chung tay xây dựng nông thôn mới với "Ngày lao động cộng sản" tại hai địa phương trên.
- Lý do Thành đoàn lựa chọn hoạt động tình nguyện ở hai địa bàn này?
- Trước đây, các đội tình nguyện tham gia ở nhiều địa bàn, mỗi nơi một chút. Kết thúc hoạt động tình nguyện, nhiều địa bàn không rõ về phần việc, công trình. Nhiều khi chi phí bỏ ra còn lớn hơn cả những gì các tình nguyện viên để lại cho địa phương, gây lãng phí. Vì vậy, chúng tôi sẽ tập trung hoạt động vào từng địa phương để làm những công trình có giá trị, ý nghĩa thiết thực.
- Mô hình mới trong hoạt động tình nguyện năm nay là gì?
- Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị đoàn thành lập các mô hình CLB thanh niên dân cư; đội ứng trực giao thông; đội cùng bạn đi thi. Trong mọi hoạt động ở từng địa bàn, Thành đoàn đều điều phối, giám sát.
- Tham gia hoạt động tình nguyện không ai đòi hỏi chế độ song để khuyến khích, động viên thì rất cần có chính sách kịp thời. Thành đoàn Hà Nội đã tham mưu việc này như thế nào?
- Chúng tôi đã kiến nghị, đề xuất với Trung ương Đoàn phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản về chế độ, chính sách cho đoàn viên thanh niên, sinh viên tình nguyện. Cụ thể, phối hợp với Bộ GD-ĐT xác nhận, đánh giá thi đua khen thưởng cho hoạt động tình nguyện và sau này coi đây là tiêu chí ưu tiên trong tuyển dụng; phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng chính sách bảo hiểm cho tình nguyện viên khi bị tai nạn trong quá trình hoạt động... Tuy vậy, thời điểm này, kết quả mới đang ở bước kiến nghị.
Sôi động tiếp sức mùa thi ở Hà Nội
- Kế hoạch tiếp sức mùa thi năm nay được triển khai như thế nào, thưa anh?
- Hiện nay, chúng tôi đang tìm kiếm nhà trọ để có thể tư vấn hiệu quả cho thí sinh và người nhà qua website; tư vấn tuyển sinh, tổ chức các đội thanh niên tình nguyện tiếp sức tại các nhà ga, bến xe trung chuyển; tiếp sức đến trường cho tân sinh viên trúng tuyển. Đặc biệt, chương trình "Cùng bạn đi thi" sẽ mở rộng hỗ trợ bốn tỉnh (năm 2012 có một tỉnh), cụ thể là Ninh Bình, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên. Thêm nữa, Thành đoàn Hà Nội tổ chức vận động cán bộ đoàn xung kích, gương mẫu trong hỗ trợ nhà trọ miễn phí, cho thuê nhà trọ giá rẻ cho sinh viên. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thành lập các đội thanh niên tình nguyện "Áo xanh chở ước mơ hồng", sử dụng phương tiện cá nhân chở miễn phí các thí sinh đến địa điểm thi và các điểm trọ; hướng dẫn, phân luồng giao thông, chống ùn tắc ở các trường học, địa điểm thi…
- Đề nghị anh cho biết cụ thể cách thức tra cứu thông tin hỗ trợ nhà trọ và tuyển sinh trên website?
- Thí sinh chỉ cần vào www.tiep sucmuathi.com.vn và tra cứu theo chỉ dẫn. Hiện nay, 5 tình nguyện viên thường xuyên cập nhật thông tin và chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai việc rà soát, liên hệ để có thông tin mới về nhà trọ, đặc biệt chú trọng những khu vực gần các địa điểm thi, tạo thuận lợi cho thí sinh và người nhà.
- Năm trước đã có những va chạm giữa tình nguyện viên và "cò" nhà trọ, xe ôm… Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
- Trong tập huấn, chúng tôi đã hướng dẫn các tình nguyện viên cách thức xử lý từng tình huống cụ thể.
- Làm sao để hỗ trợ, giúp đỡ thí sinh và người nhà một cách nhanh nhất?
- Mùa hè năm nay, Thành đoàn Hà Nội huy động toàn bộ lực lượng tham gia tìm kiếm thông tin về nhà trọ chứ không chỉ có các đội tình nguyện thuộc các trường thực hiện công việc này như trước đây. Các quận, huyện có địa điểm thi đều thành lập đội tìm kiếm nhà trọ (10 người/đội), thông tin sẽ chuyển về Thành đoàn Hà Nội làm đầu mối tập hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tập huấn cho gần 500 tình nguyện viên về kỹ năng tiếp sức mùa thi.
- Anh cho biết mục tiêu cụ thể được đặt ra trong chương trình tiếp sức mùa thi năm nay là gì?
- Trọng tâm chúng tôi hướng tới là tiếp sức chuyên nghiệp, hiệu quả và thực chất hơn so với các năm trước. Kết thúc giai đoạn tiếp sức mùa thi, các hoạt động sẽ tập trung vào việc hỗ trợ sinh viên năm thứ nhất khi nhập trường như tìm sách, tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm học tập, kết bạn, thành lập nhóm đồng hương, tặng học bổng, tìm kiếm việc làm thêm…Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hy vọng mùa hè tình nguyện năm 2013 ở Thủ đô sẽ đạt được mục tiêu đề ra và trở thành điểm sáng về hoạt động này trong cả nước.
- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.