Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động tiếp xúc cử tri: Cần một cái nhìn mới

20/01/2010 07:03

Tiếp xúc cử tri (TXCT) của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND TP Hà Nội thời gian qua đã đem lại những ấn tượng mới mẻ. Đó là nhờ một số đổi mới đã được vận dụng thành công trong nhiều cuộc TXCT. Tuy nhiên, không ít những hạn chế mang tính cố hữu trong TXCT vẫn tồn tại, khiến một số cuộc TXCT còn nhàm chán, thời gian bị lãng phí.


"Cử tri chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm"

Nhân dân quận Ba Đình phát biểu ý kiến tại một cuộc tiếp xúc cử tri.    Ảnh: Huyền Linh


Hoạt động TXCT mang nhiều ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Bài viết này xin không bàn tới những mặt tích cực phong phú của TXCT, mà chỉ tập trung phân tích những hạn chế còn tồn tại với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng hoạt động này.

Đổi mới gây ấn tượng nhất trong TXCT thời gian qua là cho phép cử tri tự do tham gia, qua đó khắc phục tình trạng "cử tri chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm" thường thấy ở nhiều cuộc TXCT. Tuy nhiên, không phải lúc nào, cuộc tiếp xúc nào, địa phương nào cũng cùng Đoàn ĐBQH hoặc HĐND TP thực hiện đúng và đủ mục tiêu đổi mới này. Nhiều cử tri mong muốn được phát biểu, tham gia ý kiến tại các cuộc tiếp xúc vẫn phải đứng ngoài cuộc hoặc phải gặp riêng những chuyên viên hay cán bộ địa phương thay vì đối diện với các ĐBQH hoặc ĐB HĐND TP. Việc tổ chức các cuộc TXCT trong không gian quá chật hẹp là một lý do. Nhiều địa điểm tổ chức, chẳng hạn như hội trường tại trụ sở UBND phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng ở số 2 Tăng Bạt Hổ, là quá nhỏ. Sự hạn chế trong việc lựa chọn địa điểm tổ chức đã hạn chế việc thực hiện mục tiêu đổi mới nói trên. Với một địa điểm thiếu chỗ ngồi, dù ban tổ chức có muốn cho cử tri tự do góp mặt cũng "lực bất tòng tâm".

Thử đặt một câu hỏi "Cử tri tự do muốn tham dự các cuộc TXCT phải làm những thủ tục gì khi đến nơi tổ chức?". Hiện nay, mỗi nơi thực hiện một kiểu; có nơi kiểm tra cử tri tự do quá "chặt", có nơi lại rất "lỏng". Các cuộc TXCT tất yếu phải có quy củ rõ ràng. Cử tri tự do muốn tham gia phải chứng minh được nhân thân (trình chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc có giá trị tương ứng), mục đích tham gia, nếu phát biểu thì về nội dung gì. Các cử tri cần được tuyên truyền những nguyên tắc làm việc mà họ nhất định phải tuân thủ, nếu đáp ứng được thì cử tri có quyền tham gia và ngược lại. Mỗi cuộc TXCT cần cử ra một cán bộ hoặc một tổ tiếp đón cử tri và làm việc trên nguyên tắc.

Cần đổi mới hơn

Một hạn chế nữa của các cuộc TXCT là thời lượng và cách thức báo cáo của ĐB chưa phù hợp. Cách thức báo cáo thường dài dòng, thiếu hấp dẫn, chiếm đến phần lớn thời gian các cuộc TXCT. Trong nhiều trường hợp, khi các ĐB đọc báo cáo, cử tri thường không chú ý lắng nghe, nói chuyện riêng hoặc đi ra ngoài; có trường hợp, cử tri phải lên tiếng phản ứng yêu cầu ĐB rút ngắn thời gian.

Hiện nay, việc thực hiện một số báo cáo là yêu cầu bắt buộc theo quy định của luật, nhưng đáng tiếc là chưa có những hướng dẫn hoặc các quy định cụ thể mang tính nguyên tắc. Có thể nói, ĐB trình bày báo cáo ngắn, dài tùy ý, thời lượng dài hay ngắn cũng phụ thuộc hoàn toàn vào ĐB. Nên may mắn đối với một cuộc TXCT là người ĐB chủ động, sáng tạo rút ngắn thời lượng báo cáo bằng cách đi thẳng vào những thông tin thiết thực nhất với cử tri tham dự. Cần có quy định cụ thể rằng, ai là người "canh" thời lượng và cách phát biểu, ai có quyền can thiệp để một cuộc TXCT đi đúng nguyên tắc. Liệu chủ tịch UB MTTQ cấp huyện có thể điều hành cuộc TXCT và sẵn sàng ngắt lời và yêu cầu ĐB là chủ tịch UBND huyện đó (thậm chí là lãnh đạo cấp cao hơn) rút ngắn báo cáo hoặc đi vào trọng tâm không? Hoàn toàn có thể, nếu có những quy định mang tính nguyên tắc. Xây dựng các nguyên tắc, những quy định và tiêu chuẩn là điều cần làm để đổi mới TXCT một cách thực sự!

Trong cuộc họp tổng kết công tác năm 2009 và định hướng công tác năm 2010 của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội mới đây, ĐB Nguyễn Ngọc Đào nhắc tới một hạn chế khác là sự có mặt của cán bộ lãnh đạo của cơ quan chính quyền địa phương để trả lời tại chỗ những thắc mắc của cử tri còn thiếu đồng bộ. Trên thực tế, thường chỉ có đầy đủ cán bộ lãnh đạo có đủ thẩm quyền tại những cuộc TXCT mà ĐB là lãnh đạo TP hoặc TƯ tham dự. Hiện nay chưa có quy định bắt buộc và cụ thể về vấn đề này.

Việc cần làm bây giờ là xây dựng một đề án (hoặc kế hoạch) với những mục tiêu đổi mới TXCT cụ thể. Đây là cơ sở đầu tiên để đổi mới TXCT khắc phục được sự "lẻ tẻ", thiếu thống nhất. Từ đây, những hạng mục cần đổi mới được phân chia ra như những "bài toán" riêng biệt rồi xây dựng "đáp án". Những việc này chắc chắn là không quá khó khi những hạn chế của các cuộc TXCT có thể dễ dàng được nhận ra. Điều quan trọng nhất là cần nhìn nhận cuộc TXCT như một sự kiện có tính tổ chức, đổi mới ở đây chính là đi xây dựng những nguyên tắc khả thi để khiến sự kiện đó diễn ra có tổ chức và có chất lượng.

Hiền Lương

Không giấy mời không được vào
Trong cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp 19 của HĐND TP tại UBND phường Bách Khoa (39 Lê Thanh Nghị), PV báo Hànộimới đã trình cán bộ phường Hộ chiếu công vụ (có giá trị như CMTND) của mình và lịch tiếp xúc cử tri có dấu đỏ của HĐND TP (HĐND TP không có giấy mời riêng cho từng cuộc đối với cơ quan báo chí; nhiều năm nay, lịch có dấu đỏ này thường có giá trị như giấy mời). Thế nhưng, cán bộ phường đã nhất quyết không cho PV tham dự. Ví dụ này cho thấy, ngoài hạn chế về "văn hóa tiếp dân" cũng như kỹ năng hành chính nhà nước của cán bộ nơi tổ chức TXCT nói trên, trong quy trình tổ chức TXCT vẫn thiếu sự thống nhất giữa HĐND TP với chính quyền và cán bộ tham gia tổ chức cuộc TXCT. Đáng nói là tình trạng nêu trên khá phổ biến ở nhiều địa phương khác nhau.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động tiếp xúc cử tri: Cần một cái nhìn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.