(HNM) - Hoạt động quan trắc môi trường là “tai, mắt” giúp các cơ quan quản lý giám sát chất lượng, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý nhà nước về môi trường. Thế nhưng, hoạt động này ở Hà Nội thời gian qua còn nhiều bất cập.
Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi tại Hà Nội đã vượt giới hạn cho phép. Ảnh: Giao Thông |
Gia tăng nguồn ô nhiễm
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, các hoạt động sản xuất công nghiệp đã dẫn tới sự gia tăng các tác động xấu tới môi trường.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, đa phần chất lượng môi trường không khí toàn thành phố đạt mức trung bình cho cả các tháng mùa mưa cũng như các tháng mùa khô. So với những năm từ 2010 trở về trước, chất lượng không khí tại các khu vực dân cư, khu công nghiệp có xu hướng được cải thiện dần theo thời gian; riêng chỉ số Benzen có xu hướng tăng dần qua các năm do việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng). Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, nhất là ô nhiễm bụi và tiếng ồn tại một số thời điểm đã vượt giới hạn cho phép.
Trong khi đó, Hà Nội đã có những nỗ lực để cải thiện tình hình ô nhiễm nước mặt như kè bờ, nạo vét khơi thông dòng chảy, phát chế phẩm sinh học xử lý tại các hộ gia đình, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường..., nhưng thực tế một số sông chảy trên địa bàn thành phố (như các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…) vẫn đang bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Còn chất lượng nước ngầm tại một số huyện có dấu hiệu nhiễm nhẹ các chất như: Amoni, COD, sắt và mangan. Đặc biệt, tại một số quận, huyện như Hoàng Mai, Long Biên, Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín nguồn nước ngầm có dấu hiệu nhiễm asen...
Cần đầu tư mạnh hơn
Chất lượng môi trường còn nhiều bất cập, vậy nhưng theo Sở TN&MT, Hà Nội hiện chỉ có 2 trạm quan trắc nước mặt lưu vực sông Nhuệ (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) và sông Đáy (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) mới được đầu tư, do Tổng cục Môi trường quản lý, vận hành, chuẩn bị bàn giao cho Sở TN&MT. Trong 6 trạm quan trắc không khí cố định, có 2 trạm do Tổng cục Môi trường quản lý, 2 trạm do Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường quốc gia quản lý, 2 trạm do Sở TN&MT quản lý. Song, hiện chỉ còn 2 trạm quan trắc (do Trung ương quản lý) còn hoạt động.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác QTMT của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Hà Nội đang thiếu các hệ thống QTMT tự động đồng bộ, bên cạnh đó nhu cầu về hạ tầng trang thiết bị để bảo đảm chất lượng kết quả trong công tác này là rất bức thiết.
Tuy nhiên, hướng mở cho vấn đề này đã có. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Hà Nội có 359 điểm quan trắc không khí; 7 trạm quan trắc tự động, liên tục (trong đó có 1 trạm quan trắc nền)... Thời gian tới, Hà Nội sẽ mua thiết bị đo nhanh cầm tay; đầu tư xây dựng trung tâm truyền - nhận, xử lý dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải lớn hơn 1.000m3/ngày - đêm, nhưng không lắp đặt hệ thống quan trắc tự động truyền số liệu về Sở TN&MT...
Tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả hoạt động QTMT tại Việt Nam", do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức mới đây, các đại biểu đã thống nhất cho rằng, cùng với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại để phục vụ hoạt động quan trắc, một vấn đề cần đặc biệt chú trọng đó là phải có biện pháp sử dụng các số liệu quan trắc một cách hữu ích, chống lãng phí số liệu; các cơ sở dữ liệu quan trắc cần đồng nhất giữa các đơn vị…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.