(HNM) - Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam đã được khởi động khoảng 5 năm gần đây trước yêu cầu tất yếu của các DN trong quá trình hoạt động, nhất là đáp ứng việc mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD) của những đơn vị "ăn nên, làm ra" cũng như nhượng vốn, rút khỏi thị trường của các DN thua lỗ. Hoạt động này xuất phát từ nhu cầu chính đáng của DN trong nền kinh tế thị trường và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ…
|
Hoạt động M&A diễn ra khá sôi động trong lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Như Ý |
Xác lập vai trò của M&AHoạt động M&A tại Việt Nam đã xác lập kỷ lục mới trong năm 2011, với mức tăng trưởng 135% so với năm trước, thông qua tổng giá trị các thương vụ lên tới 4,7 tỷ USD. Trong thời gian tới, giới chuyên gia dự báo: Việt Nam là một thị trường sơ khai, vì vậy còn nhiều cơ hội để DN thực hiện M&A. Phân tích kỹ hơn cho thấy, nếu xét về số thương vụ thì các thương vụ của DN nội chiếm đa số, với 77% nhưng quy mô về vốn của những thương vụ này không lớn, khoảng 2-5 triệu USD, chỉ một số ít đạt mức 10-30 triệu USD. Con số trên thể hiện 2 đặc điểm là, quy mô về vốn của DN nội nhìn chung còn nhỏ bé, nên khi diễn ra giao dịch M&A cũng sẽ chỉ dừng lại ở quy mô khiêm tốn. Mặt khác, tuy giá trị giao dịch còn thấp nhưng số vụ giao dịch của DN nội chiếm đa số lại cho thấy sự đổi mới về tư duy theo hướng thông thoáng, sẵn sàng tham gia M&A của cộng đồng DN trong nước. Như vậy, có thể đánh giá sơ bộ rằng, M&A cũng là một phương thức cho DN chủ động tái cấu trúc các hoạt động SXKD hoặc các khoản đầu tư của mình. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân để một DN nghiên cứu phương án tham gia M&A, như đa dạng hóa danh mục đầu tư theo hướng lấn sân sang lĩnh vực mới; chuyển hướng lĩnh vực sản xuất; bổ sung công nghệ mới; áp lực trả nợ, phá sản…
Nếu xét về giá trị thương vụ thì các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chiếm tỷ lệ cao, đến 66% tổng giá trị giao dịch M&A, trong đó có nhiều thương vụ lớn được ghi nhận. Đặc biệt, việc thực hiện M&A không chỉ diễn ra giữa các đơn vị ĐTNN mà còn xuất hiện một số thương vụ giữa nhà ĐTNN với các DN có uy tín, nhất là DN đang làm chủ thương hiệu sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam. Các thương vụ được nhà ĐTNN mua tỷ lệ vốn cổ phần chi phối cho thấy xu hướng các nhà đầu tư ngoại đang mong muốn mở rộng chuỗi giá trị và chiếm lĩnh thêm thị phần ở Việt Nam thông qua M&A. Những thương vụ tiêu biểu nhất được công bố như IFC mua 10% vốn của Vietinbank, Mizuho mua cổ phần chiến lược của Vietcombank, Carlsberg mua một phần vốn tại Công ty Huda Huế…
Trong đó, ngành hàng tiêu dùng được đánh giá là hấp dẫn nhất, với tổng giá trị thương vụ lên đến 1 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng giá trị M&A trong năm 2011. Theo nhận xét của một số chuyên gia, chính những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản đã khiến cho hoạt động M&A trong lĩnh vực này diễn ra khá sôi động. Thêm vào đó, có thể nhiều giao dịch liên quan đến bất động sản đã diễn ra nhưng không được công bố công khai do sự nhạy cảm và tính bất ổn của nó, trong đó chủ yếu là đối tác trong nước bán lại một phần dự án hoặc vốn góp cho các nhà ĐTNN.
Thêm một năm "được mùa"?
Hoạt động M&A đã góp phần tạo ra một kênh cung ứng cơ hội cho mua bán và sáp nhập các DN, nhất là sự đa dạng trong lựa chọn nơi "rót" vốn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nếu không có thị trường M&A, ta có thể đặt câu hỏi là DN sẽ mua thêm cổ phần hay thoái vốn ở đâu, bằng cách nào?
Những năm gần đây, hoạt động M&A tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 30%/năm. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng của hoạt động này trong năm 2012 cũng như vài năm tới sẽ tiếp tục ở mức 25-30%/năm. Do đặc thù của DN Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên phần lớn giá trị các thương vụ diễn ra sẽ ở mức dưới 5 triệu USD. Tuy nhiên, giai đoạn tới cũng có thể xuất hiện một số thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ thông qua việc chọn đối tác chiến lược của các DN nhà nước lớn khi thực hiện cổ phần hóa. Trong trường hợp này, số vốn được chuyển nhượng sẽ rất lớn và đương nhiên là nhắm vào sự tham gia của các nhà ĐTNN. Làm như vậy, DN lớn của Nhà nước sẽ tiêu thụ được số lượng lớn cổ phần "ra tấm, ra món" cùng một thời điểm, trong khi nhà ĐTNN cũng phát huy được khả năng áp đảo về tài chính kết hợp với kinh nghiệm dày dạn trên thương trường quốc tế của mình.
Nhà đầu tư tham gia M&A sẽ đến từ nhiều quốc gia, với số lượng đông đảo hơn. Riêng giới đầu tư Nhật Bản đang thể hiện sự nhanh nhạy, có xu hướng đầu tư mạnh vào ngành hàng tiêu dùng và tài chính. Đây là hai lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, cho phép thu hồi vốn nhanh cũng như có thể chuyển nhượng cho nhiều đối tác khi cần tái cơ cấu vốn. Ngoài ra, một số lĩnh vực quan trọng, dễ bảo toàn vốn, như dịch vụ du lịch, ngân hàng, dược phẩm, thời trang cũng sẽ là điểm đến của DN nói chung…