Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động môi giới: Bao giờ được công nhận là nghề?

Bảo Chân| 28/01/2010 07:07

(HNM) - Từ khi Việt Nam phát triển kinh tế thị trường, các hoạt động môi giới bùng phát và thu hút khá nhiều nhân lực tham gia. Họ tham gia môi giới ở mọi lĩnh vực, từ nhà đất, chứng khoán, đến người giúp việc... nhưng đến nay, vẫn chưa chính thức được công nhận là một nghề.

Làm môi giới phải có kỹ năng

Anh Phương, một chuyên gia môi giới có hạng về bất động sản ở Từ Liêm nửa đùa, nửa thật: Môi giới cũng chỉ là một họ nhà cò thôi mà. Nói là cò, nhưng anh Phương hoạt động khá chuyên nghiệp. Khi khách có nhu cầu về đất, kể cả mua lẫn bán, với bất cứ điều kiện nào trong khu vực, anh đều tư vấn để khách hàng được ưng ý. Từ nhu cầu vị trí đắc địa như ô tô vào tận nhà, nở hậu, vuông vức hay vị trí nho nhỏ, vùng sâu vùng xa một chút cho hợp túi tiền, anh Phương đều chiều được lòng khách. Thậm chí nếu khách có vướng mắc về thủ tục hành chính, anh cũng lo tuốt tuồn tuột. Anh Phương nói, thực ra nghề này cũng không đơn giản. Để làm được như thế, phải mất đến cả chục năm để tạo dựng quan hệ và làm quen với cái mớ thủ tục hành chính vốn quá rườm rà, rắc rối của cơ quan "tài nguyên" và các ban, ngành liên quan. Rồi cũng từng ấy thời gian bám sát địa bàn để biết từng thửa đất, từng chủ đất.

Để đủ điều kiện là một nghề

Đến nay mới có môi giới chứng khoán và môi giới bất động sản được coi là có nghề. Bởi theo quy định, đây là hai lĩnh vực đòi hỏi có trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng giao tiếp và một loạt các điều kiện khác. Cụ thể hơn, với công việc môi giới bất động sản, nhân viên môi giới ngoài việc có chuyên môn về đất đai, địa chính thì còn cần phải có chứng chỉ hành nghề hẳn hoi. Bởi theo quy định của Chính phủ, kể từ ngày 1-1-2009, tất cả cá nhân, tổ chức môi giới bất động sản phải có chứng chỉ đào tạo do Bộ Xây dựng ban hành khung đào tạo. Theo đó, những người hoạt động trong lĩnh vực này cần được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá, quản lý và điều hành sàn giao dịch bất động sản.

Theo nhiều người hoạt động trong nghề, quy định này sẽ mở đường cho nghề môi giới chuyên nghiệp ở Việt Nam phát triển. Nhiều chuyên gia về lao động việc làm cho rằng, đây sẽ là một nghề "hot" đối với những người ưa hoạt động ngoại giao. Thậm chí có chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ thiếu trầm trọng nhân lực cho bất động sản giống như thiếu nhân lực ngành tài chính ngân hàng thời gian vừa qua. Thực tế hiện nay ở những thành phố lớn, các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ môi giới hầu hết dưới hình thức: Trung tâm môi giới nhà đất, trung tâm giới thiệu người thuê và cho thuê nhà ở... Các trung tâm này do cá nhân hoặc hộ gia đình mở ra. Họ coi đây là một nghề kinh doanh, nhưng không có đăng ký hành nghề và nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước. Phần lớn những người này không có nghề nghiệp, không được đào tạo kiến thức về tư vấn bất động sản, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tế, tự xoay xở và móc ngoặc với các cò mồi khác. Công việc chính của họ là dắt mối giữa người bán và người mua, hầu như không có khả năng tư vấn về những thông tin cần thiết liên quan đến đất đai bất động sản.

Theo ông Lê Đình Thắng, bộ môn Bất động sản và địa chính, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, một môi giới nhà đất chuyên nghiệp giữ vai trò rất quan trọng trong việc cho thuê hoặc bán các loại bất động sản. Họ cung cấp các thông tin về sản phẩm, về quy hoạch và luật pháp liên quan cho người mua. Họ trình bày các chức năng, lợi nhuận và thương thảo hợp đồng. Ông Thắng cũng cho biết thêm, nghề môi giới nhà đất ở các nước phát triển có thu nhập khá cao. Ở Mỹ, thu nhập của người làm môi giới bất động sản khoảng 45.000-50.000 USD một năm, mức khá so với thu nhập trung bình của người Mỹ. Ở nước ta hiện nay, mọi người thường nhìn nhà môi giới như những "ông cò đất". Cách nhìn này cần phải được thay đổi. Việt Nam muốn có thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trước hết phải xây dựng được hệ thống chính sách hoàn thiện và có đội ngũ môi giới, kinh doanh chuyên nghiệp.

Tương tự như lĩnh vực nhà đất, lĩnh vực chứng khoán từ khi phát triển, các tư vấn viên muốn tham gia một cách chính thức vào lĩnh vực này bắt buộc phải có thẻ hành nghề thông qua các khóa đào tạo. Các tư vấn viên này ngoài nhiệm vụ tư vấn để các nhà đầu tư kinh doanh một cách có lợi nhất, họ cũng có thể làm nhiệm vụ của một nhà môi giới. Song ngoài hai lĩnh vực nhà đất và chứng khoán, hiện nay có rất nhiều người đang tham gia vào hoạt động môi giới dưới hình thức chắp nối thông tin giữa cung và cầu ở nhiều lĩnh vực. Và để tạo việc làm cũng như đẩy mạnh phát triển thị trường, có lẽ cần mở thêm mã ngành đào tạo nhân viên môi giới. Đây được xem là điều tất yếu khi nền kinh tế thị trường phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động môi giới: Bao giờ được công nhận là nghề?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.