Tại Hà Nội, sáng 14-7, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương. Dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong toàn hệ thống chính trị. Đặc biệt, cần nâng cao cơ chế phối hợp công tác giữa cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ với các cơ quan hữu quan trong việc nắm chắc tình hình và kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hướng xử lý, giải quyết những vấn đề mới phát sinh. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Tiểu ban trong thời gian tới.
* Chiều 14-7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp trung ương lần thứ 4 (mở rộng) sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2021, Trưởng ban Kinh tế Trung ương yêu cầu các cấp ủy Đảng thuộc Khối Doanh nghiệp trung ương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được xác định tại Nghị quyết; nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ xử lý nhanh, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh; sử dụng có hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước...
Các cấp ủy Đảng thuộc Khối Doanh nghiệp trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả và thực chất các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương về doanh nghiệp nhà nước, về các ngành, lĩnh vực kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ.
* Cùng ngày, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của các trường bồi dưỡng cán bộ thuộc bộ, ngành, đoàn thể trung ương. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cho biết, tham gia đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện có 11 trường của 10 bộ, ngành, đoàn thể trung ương. Dù còn nhiều khó khăn, nhiều trường đã nỗ lực, cố gắng đổi mới, triển khai khá tốt nội dung, chương trình; chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên... Tuy nhiên, công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính thời gian qua cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết. Do vậy, việc tổ chức hội nghị này là rất cần thiết để đánh giá kết quả đạt được và những khuyết điểm, hạn chế trong đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính của các trường...
* Cũng trong ngày 14-7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” do Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, để triển khai tòa án điện tử cần có sự vào cuộc đồng bộ, không chỉ lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mà còn có sự quyết tâm góp sức từ tòa án nhân dân các cấp. Khi hạ tầng này được đưa vào sử dụng tại hệ thống tòa án thì niềm tin vào công lý của người dân sẽ rất cao. Có thể nói, tòa án điện tử còn là công cụ để người dân kiểm tra lại hoạt động của tòa án và kiểm tra lại các vụ án đã được đưa ra xét xử trước đó, từ đó giúp người dân nhìn nhận để đưa ra các quyết định khởi kiện…
* Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 14-7, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã tới thăm, tặng quà người có công, gia đình chính sách và nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình.
Thăm, tặng quà Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Thái Bình (huyện Đông Hưng), đồng chí Đỗ Văn Chiến đã trao 67 suất quà cho các thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ...; trao tặng 100 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo cho trung tâm. Cùng ngày, đồng chí Đỗ Văn Chiến thăm và tặng quà gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Chít và thương binh nặng hạng 1/4 Lại Thanh Hùng tại xã Đông Tân, huyện Đông Hưng.
Hướng đến kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam tại Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021), đồng chí Đỗ Văn Chiến trao 50 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trao hỗ trợ 300 triệu đồng từ Quỹ Cứu trợ trung ương hỗ trợ phòng, chống Covid-19 cho tỉnh Thái Bình. Dịp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã trao hỗ trợ 100 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho 2 nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại thành phố Thái Bình, huyện Kiến Xương...
* Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao việc tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, bảo đảm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…
Trước đó, Đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã dâng hương tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (thành phố Tuyên Quang); thăm cây đa Tân Trào và di tích Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương); tặng 35 suất quà cho gia đình chính sách và các gia đình hiến đất xây dựng khu di tích Ban Tuyên huấn Trung ương tại xã Tân Trào...
* Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ngày 14-7 đã dự Hội nghị Tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia CTDT/16-20 và định hướng giai đoạn 2021-2025 do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị về nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình giai đoạn 2021-2025, đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý tiếp tục bám sát và triển khai có kết quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, nghiên cứu khoa học công nghệ; nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn chưa được nghiên cứu, giải quyết triệt để trong giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn trước đó... Nghiên cứu mô hình thí điểm tại một số địa bàn mẫu để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án phù hợp với đặc thù từng vùng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.