(HNM) - Những tác động của suy thoái kinh tế làm hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) năm 2013 tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Số DN phải thu hẹp sản xuất, giải thể hoặc ngừng hoạt động tuy giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn còn lớn. Tình trạng lao động mất và thiếu việc làm diễn biến phức tạp… "Câu chuyện" của những ngày đã qua đồng thời vẫn là vấn đề "nóng" của năm 2014 đang đặt ra cho tổ chức Công đoàn Thủ đô…
Nhìn lại để bước tiếp
Kết quả nổi bật nhất của các cấp Công đoàn Thủ đô trong năm 2013 là đã tập trung vào nhiệm vụ quan tâm, bảo vệ tốt các quyền lợi cơ bản của người lao động (NLĐ), đồng thời làm cầu nối giúp NLĐ chia sẻ với DN, cùng DN vượt bão. Tuy nhiên, dù làm được nhiều việc nhưng so với yêu cầu đặt ra thì tổ chức công đoàn còn phải nỗ lực hơn nữa. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Trần Văn Thực chia sẻ, năm qua, toàn thành phố có tới hơn 11 nghìn DN không chống chọi nổi cơn bão suy thoái kinh tế đã phải ngừng hoạt động, kéo theo gần 24 nghìn lao động mất và thiếu việc làm, hơn 11 nghìn lao động phải đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ở khối DN nhà nước, tình hình cũng hết sức khó khăn, với mức thu nhập của công nhân sau khi DN đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, cũng chỉ đạt trung bình khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, chỉ đáp ứng được 76,24% điều kiện sống tối thiểu của họ.
Các tổ chức Công đoàn Thủ đô cần quan tâm, chăm lo hơn nữa đời sống người lao động. Ảnh: Viết Thành |
Thực tế còn cho thấy, cũng do khó khăn về tài chính nên điều kiện làm việc của công nhân trực tiếp sản xuất, nhất là trong một số DN ngoài nhà nước gần như không được cải thiện. Tình trạng công nghệ, thiết bị lạc hậu, lao động thủ công, nặng nhọc và độc hại chiếm tỷ lệ cao, một bộ phận không nhỏ CNLĐ vẫn phải làm việc trong điều kiện không bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cũng như chất lượng an toàn thực phẩm bữa ăn. Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp diễn biến phức tạp, với tổng số 36 vụ tai nạn lao động, làm 43 người chết và 8 người bị thương nặng. Một thực trạng đáng buồn nữa là tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, nợ lương, không thực hiện nghiêm các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN và an toàn vệ sinh lao động diễn ra phổ biến và có tới hơn 17 nghìn người chưa được ký hợp đồng lao động…
Bức tranh ảm đạm trên bao phủ toàn địa bàn thành phố trong suốt năm qua. Và khi bàn về nhiệm vụ năm 2014, lãnh đạo chủ chốt các cấp công đoàn vẫn lo lắng nhận định, bức tranh trên cũng khó khởi sắc khi mà kinh tế mới chỉ có dấu hiệu phục hồi rất chậm…
Mục tiêu số 1 là nâng cao chất lượng cán bộ
Nhiều cán bộ chủ chốt Công đoàn đóng góp ý kiến bàn giải pháp khắc phục khó khăn để chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ tốt hơn, trong đó đều thống nhất với giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn từ cấp cơ sở để mỗi nhiệm vụ đề ra phải đạt kết quả cao nhất.
Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, Hà Nội hiện có 8 khu công nghiệp và khu chế xuất, thu hút 545 dự án đầu tư, trong đó 393 DN đã đi vào hoạt động. Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã vận động thành lập và đang quản lý 214 công đoàn cơ sở với tổng số 107.793 lao động, trong đó có 99.697 người là đoàn viên. Nhờ coi trọng công tác cán bộ, hiện nay các công đoàn cơ sở đã phát huy tốt vai trò của mình, vận động được số DN thực hiện nội quy lao động đạt 75%; 69% số DN xây dựng được hệ thống thang, bảng lương; 65% DN đã có thỏa ước lao động tập thể. Song, điều trăn trở đặt ra là cán bộ công đoàn không ổn định, do thường thay đổi công việc, chỗ làm nên chất lượng hoạt động công đoàn có nơi, có lúc bị "chùng" xuống. Năm 2014 này, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội xác định mục tiêu số 1 là kiện toàn, nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở.
Cùng với công tác cán bộ, hạn chế của hoạt động công đoàn còn là tỷ lệ các DN ngoài nhà nước tổ chức hưởng ứng phong trào thi đua thấp, hiệu quả chưa cao. Công tác khen thưởng có nơi chưa quan tâm đúng mức đến đối tượng là người trực tiếp lao động sản xuất, dẫn đến chưa khích lệ, phát huy hết được khả năng, nhiệt huyết của CNVCLĐ. Khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, LĐLĐ huyện chọn nhiệm vụ quan trọng trong năm mới này để góp phần bảo đảm tốt nhất điều kiện sống cho NLĐ là tập trung tổ chức phát động các phong trào thi đua tới 100% công đoàn cơ sở, trong đó trọng tâm là phong trào "Phát huy sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" và phát động 85% công đoàn cơ sở có phong trào thi đua học tập nâng cao tay nghề. Qua đó thúc đẩy NLĐ làm việc tích cực hơn, tạo ra nhiều sản phẩm năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập của họ…
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Trần Văn Thực nhấn mạnh, năm 2014 này, Công đoàn thành phố quyết liệt chỉ đạo công đoàn cấp dưới nâng cao vai trò tham gia quản lý, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, nhất là ở một số đơn vị thực hiện nhiệm vụ này chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao. Đồng thời, công đoàn phải cương quyết nâng cao chất lượng hội nghị người lao động và ký thỏa ước lao động tập thể trong các DN ngoài nhà nước ngay từ đầu năm, qua đó bảo đảm dân chủ, công bằng, tạo sự thống nhất, hài hòa về quyền lợi giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động… LĐLĐ thành phố cũng đặt chỉ tiêu phấn đấu 100% cán bộ công đoàn các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn; tiếp tục hướng về cơ sở, nắm chắc tình hình việc làm, đời sống và tâm tư nguyện vọng của NLĐ; tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo điểm, tổng kết, xây dựng mô hình hoạt động…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.