(HNM) - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa đề nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất của 10 doanh nghiệp do vi phạm Luật Ðất đai, không phù hợp quy hoạch, cho thuê đất trái phép, bỏ hoang.
Thoạt nghe, thông tin trên có vẻ cũng bình thường, thế nhưng, thực chất đây chính là khởi đầu của một động thái hết sức quyết liệt của chính quyền thành phố Hà Nội trước thực trạng vi phạm về sử dụng đất đai đang có dấu hiệu gia tăng đáng ngại. Thực ra, từ cách đây vài năm, trong "cơn lốc" đô thị hóa cũng đã bùng phát một cuộc chạy đua dự án "để dành". Năm 2008, ngay sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, dư luận cũng đã bàn tán nhiều đến thực trạng có những địa phương được nhập về Hà Nội ồ ạt phê duyệt dự án. Điển hình như xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), sau khi "về" Hà Nội thì gần như toàn bộ đất nông, lâm nghiệp của xã được nằm trong diện quy hoạch dự án đô thị, biệt thự. Song tiếc là đến nay thì toàn bộ 17 dự án được phê duyệt năm 2008 vẫn chỉ là… dự án.
Rõ ràng, con số 10 doanh nghiệp với hơn 810ha được đề nghị thu hồi mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, rà soát diện tích đất bỏ hoang đã phát hiện 118 dự án vi phạm Luật Đất đai, chậm hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Hiện Hà Nội có tới 508 dự án với tổng diện tích 800ha ở 17 quận, huyện, thị xã "quên" chưa làm thủ tục quản lý đất đai, trong khi vẫn còn 12 địa phương khác "nợ" báo cáo thực trạng sử dụng đất. Nhiều dự án được báo cáo là đang xây dựng, song thực tế đang chờ phê duyệt hoặc bị tạm dừng, nhiều dự án bị tự chuyển nhượng khi chưa được thành phố chấp thuận. Doanh nghiệp "ôm đất" rồi bỏ hoang hóa, chỉ khổ người dân nhiều năm trời thấp thỏm không dám canh tác vì "đất thuộc diện đã quy hoạch".
Việc quyết định thu hồi một lúc hàng trăm héc ta đất so với con số 5,3ha của 10 dự án bị thu hồi trong cả năm 2011 do chậm thi công cũng cho thấy thái độ cương quyết của Hà Nội trong việc xử lý các dự án "treo", thể hiện quyết tâm của thành phố trong nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh công tác quản lý đất đai. Tuy nhiên, cũng mong rằng thành phố xử lý quyết liệt hơn nữa, không chỉ dừng ở các dự án nhỏ, mà phải "sờ gáy" cả những dự án lớn, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng doanh nghiệp "xí phần" rồi bỏ hoang hóa vừa dễ nhờn kỷ cương, vừa gây lãng phí tài nguyên đất đai, trong khi rất nhiều địa phương hiện còn khó khăn về quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Những trường hợp vi phạm phải xử lý triệt để, đồng thời xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức và cá nhân buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự phải chuyển cơ quan điều tra…
Xin được nhắc lại kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội mới đây về việc xử lý vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng, rằng: Nếu không xử lý tương xứng với hành vi vi phạm thì không thể chấn chỉnh được, tình trạng vi phạm sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều lần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.