Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hoàn toàn có dư địa bù đắp tăng chi“

Hương Thủy| 02/10/2020 19:29

(HNMO) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại buổi họp báo thông báo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN 2020 và các hội nghị liên quan diễn ra cuối giờ chiều ngày 2-10.

Tại buổi họp báo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá là kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Ngân hàng Nhà nước chưa và không bao giờ sử dụng chính sách tiền tệ nói chung cũng như chính sách tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh. Quan điểm này tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi họp báo.

Về quan ngại bội chi ngân sách trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà phóng viên nêu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, Bộ đã chủ động xây dựng phương án điều chỉnh thu chi ngân sách nhà nước. Trước khả năng có thể thâm hụt ngân sách nhà nước do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến, giá dầu thô giảm thấp, điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong khi nhu cầu chi lớn để đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng…, áp lực bội chi ngân sách nhà nước là không tránh khỏi.

Để đảm bảo cân đối ngân sách, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết, cấp bách; đồng thời chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực từ xã hội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sau 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, dư địa tài khóa của Việt Nam đã được củng cố và tăng cao, nhất là về quản lý bội chi rất chặt chẽ. Theo đánh giá, đến hết năm 2019, nhiều mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm về tài chính ngân sách đã cơ bản hoàn thành như thu ngân sách nhà nước đã đạt 25,5% GDP; bội chi ngân sách nhà nước bằng 3,36% GDP; nợ công ở mức 54,7% GDP. Với tình hình ngân sách nhà nước năm 2020, mặc dù thu ngân sách có thể giảm so với dự toán, nhưng dư địa tài khóa lớn, nên khả năng bù đắp và đặc biệt bù đắp tăng chi cho đầu tư phát triển và phòng, chống dịch là hoàn toàn có dư địa. Nếu so với giai đoạn 2013-2014, hiện nay, dư địa là rất rộng.  

"Thời gian tới, Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện các biện pháp đã được thông qua và đang thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn, giảm thuế…", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hoàn toàn có dư địa bù đắp tăng chi“

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.