Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện thể chế, ngăn chặn sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên

Theo Tin tức| 29/10/2016 14:56

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết


Đây là Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng và cũng là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Đánh giá cao Nghị quyết Hội nghị, nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng: cần tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thiện thể chế để chống lại sự tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), đến Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Trung ương tiếp tục có Nghị quyết liên quan đến việc "xây dựng, chỉnh đốn Đảng". Điều này là hết sức cần thiết, thể hiện sự liên tục trong chủ trương xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này được ban hành trên cơ sở rút kinh nghiệm từ kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) để Nghị quyết sát thực hơn, có hiệu quả đấu tranh tốt hơn. Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cho thấy đã có nhiều bài học trong đấu tranh xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Từ thực tiễn, kinh nghiệm, bài học rút ra, Trung ương xây dựng Nghị quyết sát hợp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thoái hóa, biến chất trong Đảng. Từ trong Đảng làm tốt, xã hội sẽ tốt, người dân tin hơn vào Đảng.

Toàn cảnh bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN



Giáo sư Trần Ngọc Đường nêu rõ: Nhân dân kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng vì nếu trong hệ thống chính trị Đảng không chuyển động, không đẩy mạnh, xã hội khó có định hướng đấu tranh chống tiêu cực. Vì vậy, nhân dân hoàn toàn ủng hộ việc Đảng ban hành Nghị quyết, tạo chỗ dựa vững chắc, xây dựng Nhà nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, trong điều kiện mới.

Giáo sư Trần Ngọc Đường cho rằng cần cương quyết, mạnh mẽ hơn nữa trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, đặc biệt là phải đấu tranh cho thật trúng, nhất là đối với những người có chức, có quyền, người đang thi hành công vụ tha hóa, biến chất; bởi, nếu lớp người này không trong sạch sẽ gây ra tiêu cực cho những lớp người khác.

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch không chuyên trách, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Bàn về nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) chính là do Trung ương xác định vấn đề này cần làm sâu, rộng và kỹ lưỡng hơn.

Giáo sư Phạm Xuân Hằng phân tích: Thực tế hiện nay cho thấy tham nhũng, lãng phí là hai vấn đề tiêu tốn tiền của của Nhà nước. Vì vậy, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm tạo lòng tin trong nhân dân, để người dân thấy Đảng nói và Đảng đang làm; phải làm quyết liệt, quyết liệt hơn nữa, không né tránh, tăng thêm niềm tin trong nhân dân.

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: Đối với một tổ chức chính trị cao như tổ chức Đảng, việc chấn chỉnh những sai sót, khiếm khuyết là việc cần làm thường xuyên. Đặc biệt, Đại hội XII đã xác định: "xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh". Nếu không chỉnh đốn, phê bình, tự phê bình, kiểm điểm cho đến nơi đến chốn, tổ chức Đảng khó có thể vững mạnh. Nếu không vững mạnh thì Đảng làm sao lãnh đạo được đất nước, vì vậy, chỉnh đốn Đảng là cần thiết. Tuy nhiên, mỗi kỳ "chỉnh đốn" cần tập trung vào một vấn đề và đã "chỉnh đốn" là có hiệu quả, tạo niềm tin trong nhân dân.

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức khẳng định: Quan trọng nhất là vấn đề "diễn biến" và "tự diễn biến" phải bắt đầu thực hiện từ gốc của vấn đề. Gốc vấn đề là giữ gìn sự trong sạch của Đảng, tổ chức hoạt động phải có hiệu quả, có niềm tin của dân. Nếu không làm cho Đảng nâng cao niềm tin trước dân thì những việc kia là phái sinh, "tự diễn biến". Đảng viên không rèn luyện, suy thoái đạo đức lối sống sẽ dẫn đến "tự diễn biến". Nơi nào "quyền lực là trên hết", có tình trạng "chạy chức chạy quyền"... là "tự diễn biến" nguy hiểm nhất. Người lãnh đạo, người đứng đầu phải tiêu biểu gương mẫu đi đầu. Khi đảng viên không còn ở vai trò là người lãnh đạo, không còn là đầu tàu gương mẫu trong cuộc sống, đạo đức suy thoái thì chính là "tự diễn biến". Vì vậy, "giữ gìn Đảng trong sạch, vững mạnh" chính là biện pháp chống "tự diễn biến" sâu sắc nhất.

Trong chiến tranh đã có phong trào "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Vì vậy, trong mọi khó khăn, tổ chức Đảng và Đảng viên phải đi trước, phải tự rèn luyện, phê bình và tự phê bình, không chờ báo chí, xã hội phát hiện ra khuyết điểm mới giải quyết. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần nghiêm túc xem xét các vấn đề liên quan đến tham nhũng, chạy chức, chạy quyền... để xử lý - Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức kiến nghị.

Thể hiện kỳ vọng vào quyết tâm của Đảng, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, bởi, hiện giờ không còn con đường nào khác là "xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh". Nếu Đảng không trong sạch, vững mạnh, nguy cơ sẽ chồng chất nguy cơ. Đảng đã nhận thức được và kiên quyết thực hiện. Điều này vô cùng khó khăn nhưng cần quyết tâm làm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII ra đời là hết sức là kịp thời, vấn đề quan trọng là việc tổ chức thực hiện. Mỗi người Đảng viên cần ủng hộ bằng cách thực hiện thật tốt Nghị quyết này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện thể chế, ngăn chặn sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.