(HNM) - Cả Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính chỉ có 5 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) công nghiệp bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Với một thị trường rộng lớn, các cơ sở này chỉ đáp ứng được hơn 1,7% nhu cầu thịt lợn và hơn 9% nhu cầu thịt gia cầm.
Số lượng lớn thịt GSGC còn lại do 17 cơ sở giết mổ thủ công tập trung và 3.725 hộ giết mổ GSGC nhỏ lẻ… cung cấp. Mặc dù ngành thú y đã cố hết sức, nhưng do ít cán bộ, nhiều bất cập nên vấn đề ATVSTP, vệ sinh môi trường (VSMT) ở các cơ sở này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng tới cộng đồng.
Đóng dấu kiểm định gà sạch tại Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch Hà Nội. Ảnh: Quang Tuấn |
Nhiều vấn đề bất cập
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở NN&PTNT và Sở Công thương Hà Nội với đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP (về công tác quy hoạch, tiến độ triển khai các khu chăn nuôi tập trung và các khu giết mổ GSGC tập trung), thì một trong những nguyên nhân chưa bảo đảm ATVSTP, vệ sinh thú y, VSMT là do nhận thức của người chăn nuôi còn hạn chế, chưa có thói quen đem GSGC đến điểm giết mổ tập trung. Thực tế đang tồn tại một nghịch lý: các cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp mặc dù được đầu tư thiết bị hiện đại và đồng bộ, bảo đảm về ATVSTP, vệ sinh thú y và VSMT nhưng lại "đuối sức" cạnh tranh trước các cơ sở giết mổ thủ công, đặc biệt là các hộ giết mổ GSGC nhỏ lẻ vì chi phí thấp và khả năng phục vụ linh hoạt của những cơ sở này. Do đó, hầu hết các cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng, hoặc phải đóng cửa, chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác.
Thị trường Hà Nội chủ yếu phụ thuộc vào 17 cơ sở giết mổ GSGC thủ công tập trung và 3.725 hộ giết mổ GSGC nhỏ lẻ. Theo thống kê của cơ quan chức năng TP, mỗi ngày, các cơ sở giết mổ GSGC thủ công tập trung cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 14 tấn thịt trâu, bò hơi (đáp ứng hơn 24% nhu cầu); 136 tấn thịt lợn hơi (chiếm gần 34% nhu cầu) và 8,8 tấn thịt gia cầm (chiếm 7,5%). Các hộ giết mổ GSGC nhỏ lẻ ngày càng phát huy được "ưu thế", mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 28,7 tấn thịt trâu, bò (chiếm gần 49% nhu cầu); 139 tấn thịt lợn (chiếm 34%) và 76,4 tấn thịt gia cầm (chiếm gần 65%). Điều đáng lo ngại là công tác vệ sinh thú y, VSMT tại các cơ sở này chưa được bảo đảm mặc dù đã có sự giám sát của ngành thú y.
Các cơ sở giết mổ GSGC thủ công tập trung phần lớn nằm trong hoặc liền kề với khu dân cư. GSGC được mổ trên nền xi măng hoặc nền gạch cao khoảng 10-20cm và "theo" những chiếc xe máy đến chợ. Nước thải trong quá trình hoạt động chảy thẳng vào hệ thống thoát nước chung, không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Còn các hộ giết mổ GSGC nhỏ lẻ, hầu hết nằm phân tán trong khu dân cư, công suất chỉ 1-2 con gia súc/ngày và 20-25 con gia cầm/ngày nên rất khó cho ngành thú y kiểm soát về vệ sinh thú y và ATVSTP. Chưa kể, ý thức chấp hành pháp luật về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y của người hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm GSGC hạn chế; thường xuyên tìm cách trốn tránh và không tạo điều kiện cho cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát… Trong khi đó, mạng lưới thú y quá mỏng, không thể quản lý hết. Đơn cử, huyện Chương Mỹ chỉ có 6 cán bộ thú y phụ trách tới 32 xã, thị trấn, nếu làm việc hết công suất, một ngày mỗi cán bộ cũng không thể đi hết 5 xã để kiểm tra. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, với tình trạng như vậy, Hà Nội thường xuyên có nguy cơ lây nhiễm một số bệnh GSGC nguy hiểm từ các địa phương lân cận.
Đẩy nhanh tiến độ 7 dự án
Điều lo ngại của cử tri TP về tình trạng mất ATVSTP, vệ sinh thú y… tại các điểm giết mổ GSGC hoàn toàn có cơ sở. Trước tình hình đó, UBND TP Hà Nội giao cho Sở Công thương chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng "Quy hoạch hệ thống giết mổ, chế biến GSGC trên địa bàn TP đến năm 2020", gồm 18 cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp, thực hiện 90% khối lượng; 4 cơ sở thủ công tập trung tại Hoài Đức và Sóc Sơn thực hiện 10% khối lượng giết mổ GSGC. Dự kiến, tháng 4 tới UBND thành phố phê duyệt quy hoạch này. Cùng với đó, TP đã ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến GSGC bảo đảm ATVSTP và VSMT. Hiện nay, UBND TP giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương triển khai 7 dự án xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến GSGC tập trung công nghiệp, gồm: nhà máy giết mổ GSGC và chế biến thực phẩm tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương (Thường Tín); nhà máy giết mổ chế biến GSGC tại xã Trạch Mỹ Lộc (Phúc Thọ); nhà máy giết mổ GSGC tại xã Thắng Lợi (Thường Tín); dự án giết mổ GSGC tại xã Lệ Chi (Gia Lâm)… Dự kiến, các dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm nay và năm 2011.
Giải quyết những bức xúc của cử tri, Thường trực HĐND TP yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Công thương tiếp tục tham mưu cho UBND TP có cơ chế, chính sách toàn diện hơn về quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu chăn nuôi tập trung và các khu giết mổ GSGC tập trung công nghiệp trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của toàn TP. Đặc biệt, trong quá trình triển khai xây dựng các khu chăn nuôi tập trung và các khu giết mổ GSGC tập trung công nghiệp, các ngành và địa phương cần chú trọng tuyên truyền, để người dân đồng thuận và tích cực phát triển các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, đưa hoạt động giết mổ GSGC vào các cơ sở bảo đảm VSMT, ATVSTP. Trước mắt, để trợ sức cho ngành thú y, các thành viên đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP nên đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở nhằm kiểm soát được những hộ giết mổ GSGC nhỏ lẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.