Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện mô hình tổ chức HĐND, UBND: Giảm trung gian, tăng giám sát

Hà Phong| 11/08/2012 06:33

(HNM) - Yếu kém nhất của chính quyền hiện tại là cơ chế điều hành tập thể, không rõ trách nhiệm của người đứng đầu nên dẫn đến tình trạng hội họp nhiều, phản ứng chậm, hiệu quả kém. Rất có thể những lỗi này sẽ được xem xét, khắc phục trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992.

Không thể "mặc chung áo cũ"

Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang lấy ý kiến các chuyên gia pháp luật; UBND, HĐND các tỉnh, thành phố trên cả nước về hướng hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của UBND, HĐND để sửa đổi một phần Hiến pháp năm 1992. Về vấn đề này, Sở Nội vụ Đà Nẵng cho rằng: "Đã đến lúc các đô thị lớn phải thay đổi mô hình quản lý nhà nước". Vì bấy lâu nay, hệ thống chính quyền từ thành thị đến nông thôn, miền núi hay hải đảo tuy đặc điểm khác nhau nhưng đang phải "mặc chung cái áo cũ" với các quy định về tổ chức và hoạt động giống nhau.

Phục vụ người dân ngày càng tốt hơn là cái đích cuối cùng của việc đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Ảnh: Bảo Kha


TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu chuyên đề "Đặc thù quản lý nhà nước đối với chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn" và chứng minh rằng mô hình chính quyền hiện thời không còn phù hợp. Các văn bản pháp lý hiện hành chưa phân định sự khác biệt trong quản lý hành chính nhà nước ở đô thị và nông thôn là nguyên nhân làm hạn chế trách nhiệm và quyền hạn của UBND các cấp. Theo đó, "chiếc áo mới" được phác thảo theo hướng, đối với khu vực nội thị, áp dụng mô hình một cấp chính quyền - HĐND và UBND cấp đô thị trực tiếp quản lý. Cấp quận, phường bỏ HĐND, chỉ giữ lại UBND như là "cánh tay nối dài" từ "bộ não cấp đô thị", đóng vai trò thực thi những nhiệm vụ được giao. Tất cả quyền lực sẽ được điều hành dưới sự chỉ đạo của một cá nhân để có những quyết sách nhanh gọn hơn và quy trách nhiệm dễ dàng hơn.

Còn nếu như hiện nay, trong điều hành, giải quyết các công việc trên một số lĩnh vực, thẩm quyền chung của UBND và thẩm quyền riêng của chủ tịch UBND không rõ. Những giải pháp cụ thể của Luật Tổ chức HĐND và UBND như tăng chức năng giám sát, thêm cơ cấu tổ chức của HĐND hay giảm số thành viên của UBND cấp xã… không đủ để đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Vì thực tế, HĐND hoặc vì vị nể không sử dụng hết quyền năng của mình hoặc có xu hướng "vượt rào" muốn giao nhiều thẩm quyền hơn song lại không thực sự kiểm soát được UBND một cách chặt chẽ. Còn hoạt động của UBND mang tính chất điều hành tập thể, chưa làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, dẫn đến tình trạng hội họp nhiều, phản ứng chậm, hiệu quả kém. Đặc biệt, mối quan hệ giữa chính quyền TƯ và chính quyền địa phương vẫn mang nặng cơ chế "xin cho, cấp phát", khiến nhiều địa phương bị "bó tay, bó chân", không điều hòa tốt lợi ích khách quan giữa TƯ và địa phương.

Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Cho rằng bao năm qua, mô hình chính quyền ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Hà Nội chẳng khác gì với nông thôn cả là điều bất hợp lý, PGS.TS Bùi Xuân Đức - Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam nêu quan điểm, sự cấp thiết phải đổi mới mô hình chính quyền địa phương hiện nay là "không thể chậm hơn được nữa". Ông cho rằng trước mắt chỉ nên tổ chức HĐND ở các đơn vị hành chính có tính chất cơ bản, các đơn vị hành chính trung gian như huyện, phường, quận không cần có HĐND.

Về hoạt động của UBND, PGS.TS Trịnh Đức Thảo - Viện Nhà nước Pháp luật đề xuất nên thay đổi cơ chế quản lý, điều hành từ chế độ tập thể UBND sang hẳn chế độ thủ trưởng mới hạn chế được tình trạng trên bảo dưới không nghe, tăng tính hiệu lực, hiệu quả và chịu trách nhiệm cao của cơ quan hành chính địa phương. Bởi yêu cầu của việc điều hành các sự kiện kinh tế - xã hội là cần phải nhanh, mạnh, liên tục. Khi có người đứng ra chịu trách nhiệm chính sẽ tránh tối đa hiện tượng chồng chéo trong quản lý, thành phố triển khai một đằng, cơ sở làm một nẻo, dẫn tới tình trạng chính sách bị méo mó, biến dạng. Nếu theo phương án này, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh là "Tỉnh trưởng", thành phố là "Đô trưởng", huyện là "Huyện trưởng" do dân địa phương trực tiếp bầu, phải từ chức hoặc chịu miễn nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ. Và để bảo đảm tính độc lập, người đứng đầu có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cấp phó, CBCC trực thuộc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự lựa chọn này.

Một số thành viên Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng đề xuất trên có cơ sở. Bởi tiền đề đối với yêu cầu đổi mới chính quyền địa phương là phân định phạm vi thực hiện quyền lực giữa TƯ và địa phương trên tinh thần bảo đảm được tính thống nhất cao độ nhưng đồng thời phải phát huy được tính độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của lãnh đạo mỗi tỉnh, thành phố.

Điều này cũng có nghĩa, phân cấp cho chính quyền nhưng cần tăng cường giám sát, không để người đứng đầu "muốn làm gì thì làm", "biến địa phương thành khu tự trị"… Ngoài ra, để bảo đảm nền hành chính thông suốt thì bên cạnh cơ quan hành chính địa phương phải có đại diện cơ quan hành chính TƯ ở địa phương để kiểm soát, đôn đốc, điều phối thực hiện các chủ trương của TƯ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện mô hình tổ chức HĐND, UBND: Giảm trung gian, tăng giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.