Ngày 30/11, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến dự, phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái tại Hà Nội, do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) tổ chức.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị, các cơ quan chức năng nhất là các Bộ Tài chính, Công Thương, Công an, Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ động, thường xuyên rà soát chính sách, pháp luật liên quan. Đồng thời, kịp thời phát hiện những bất cập để khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý vững chắc tạo thuận lợi cho thực thi công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Ảnh: TTXVN |
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, đây là việc làm thiết thực để góp phần thực hiện chủ trương chống hàng giả của Đảng và Nhà nước. Sự tham gia đông đảo của các cơ quan chức năng hiệp hội, doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan này đối với các công tác chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu hiện nay. Đặc biệt, hiện nay, vấn đề về an toàn thực phẩm đang diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trên cả nước. Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng… đã ảnh hưởng đến chất lượng vật nuôi, cây trồng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Do vậy Phó Thủ tướng yêu cầu, lực lượng Hải quan cùng lực lượng Biên phòng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng trên; không để những mặt hàng kém chất lượng, có tồn dư chất độc được nhập khẩu cả đường chính ngạch, tiểu ngạch cũng như buôn lậu vào Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan thực thi, nhất là trong công tác giám sát thị trường; quản lý tốt hệ thống phân phối, thu nhập, cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng cần đẩy mạnh công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên và toàn xã hội về công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu. Đồng thời, Hiệp hội góp ý tham gia xây dựng cơ chế chính sách và đề xuất các giải pháp, kiến nghị về cơ chế chính sách và biện pháp để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, hiện nay thị trường nói chung và doanh nghiệp, người tiêu dùng nói riêng vẫn phải đối mặt với những nguy cơ từ vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Đặc biệt là đối với mặt hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe, môi trường, nuôi trồng trong nông nghiệp. Thứ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp, Hiệp hội cần nhận thức vai trò cốt lõi của mình trong công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP cho hay, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục tổng hợp các phản ánh của doanh nghiệp hội viên đề xuất với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của hội viên đúng pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, đấu tranh chống lại các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh….
Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại được Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia hết sức quan tâm và được triển khai từ Trung ương đến cơ sở. Từ đầu năm đến nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và sự vào cuộc hiệu quả của các bộ ngành, địa phương nên kết quả chống buôn lậu và gian lận thương mại đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động.
Trong 10 tháng của năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện 145.000 vụ kiểm tra, phát hiện 88.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, với số tiền xử phạt, thu về cho ngân sách 523 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại vẫn xảy ra, có chiều hướng gia tăng, trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.