(HNM) - Năm 2018 được xem là năm bản lề để TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình đột phá “giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông” đã đề ra.
Nhiều dự án được triển khai
Trong năm 2017, mặc dù ngành Giao thông TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp nhưng chỉ xóa được 4/37 điểm ùn tắc giao thông, 24 điểm khác có chuyển biến nhưng vẫn thường ùn ứ, 9 điểm còn diễn biến phức tạp. Diện tích đất dành cho giao thông tăng gần 85ha so với năm 2016, nhưng đường giao thông chỉ tăng thêm gần 42km (khoảng 1% tổng chiều dài các tuyến đường ở thành phố).
Trong khi đó, số lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Vào giờ cao điểm, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán, nhiều tuyến đường xung quanh khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái, trung tâm thành phố…, thường xuyên xảy ra ùn ứ.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được lắp đường ray. |
Nhằm thực hiện thắng lợi chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông của TP Hồ Chí Minh, năm 2018, Sở Giao thông - Vận tải cam kết đẩy nhanh kế hoạch thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn. Cụ thể, bảo đảm tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án giao thông theo hướng Đông gồm: Đường song hành cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 2; cầu Thủ Thiêm 2… Hướng Tây Nam sẽ triển khai các dự án: Cầu đường Bình Tiên; khép kín đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ; 4 cầu thép trên đường Lê Văn Lương; tuyến trục Bắc - Nam và những tuyến hướng tâm như quốc lộ 1, 13, 22, 50…
Mặt khác, ngành chức năng sẽ hoàn thiện các công trình giảm ùn tắc khu vực cảng, Sân bay Tân Sơn Nhất như: Cải tạo đường Cộng Hòa; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; xây dựng nút giao thông khác mức tại vòng xoay Mỹ Thủy; nâng cấp, hoàn thiện đường Vành đai phía Đông (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc). Trong giai đoạn 2018-2020, tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội; xây dựng đường nối từ Cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2...
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, từ những ngày đầu năm 2018, Sở đã tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư, nhằm khởi công mới 22 dự án cầu đường bộ trong quý I-2018. Trong đó, Sở sẽ ưu tiên đầu tư các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 2; cao tốc Bến Lức - Long Thành; quốc lộ 1, 22; trục giao thông đô thị kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận.
Đồng bộ hệ thống hạ tầng
Những năm tới, ngành Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt đô thị, trở thành đầu mối giao thông trong vùng, kết nối với khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ. Trong đó, đường bộ sẽ thi công các công trình trọng điểm đang triển khai; tập trung xây dựng hoàn thiện đường vành đai, các tuyến đường trên cao; xây dựng hệ thống cầu đường kết nối các tuyến cao tốc và gắn kết với các tỉnh, thành phố lân cận.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông có khối lượng vận tải lớn như: Các tuyến đường sắt đô thị, đường trên cao, xe điện…; đưa vào khai thác sử dụng tuyến Metro số 1, số 2. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quá trình điều phối, kiểm soát các công trình giao thông; ưu tiên tập trung đầu tư phát triển đường thủy kết nối trên sông Sài Gòn, Đồng Nai.
Bên cạnh đó, ngành Giao thông thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giao thông - Vận tải để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch giao thông thành phố; bảo đảm tiến độ các dự án do trung ương đầu tư nằm trên địa bàn; hoàn thiện các kết nối giao thông thành phố với các tuyến cao tốc đã hoàn thành khai thác (Long Thành - Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương).
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai đồng bộ giải pháp nhằm xóa các điểm ùn tắc; rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; rà soát, kiến nghị chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; tăng cường kết nối giao thông vùng. Trong đó, thành phố sẽ lấy vốn từ các nguồn kinh phí trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do thành phố làm chủ sở hữu, hoặc trích tỷ lệ 50% từ nguồn xử phạt vi phạm giao thông, nguồn phí và lệ phí…, để ưu tiên đầu tư công trình cấp bách và các dự án nằm trong chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án; ban hành quy định thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy mô dự án; quy định trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan trong trường hợp chậm giải phóng mặt bằng, chậm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án chính.
TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đề xuất với trung ương về cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên các lĩnh vực giao thông ngầm, trên cao, các bãi đậu xe ngầm theo hướng hiện đại văn minh, tạo ra mạng lưới giao thông đồng bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.