Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện công cụ quản lý cải cách hành chính

Hiền Chi| 19/06/2012 07:05

(HNM) - Đến nay, 3 bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Công thương) và 6 tỉnh, TP trực thuộc TƯ (Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu) đang thực hiện việc sơ kết thí điểm triển khai bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính (PAR Index).


Ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) .Ảnh: Viết Thành

Đánh giá toàn diện

Với mục tiêu và yêu cầu bám sát nội dung của chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, PAR Index được xây dựng riêng cho cấp bộ và cấp tỉnh, với cách tiếp cận xây dựng một cách hệ thống từ các lĩnh vực CCHC tới các tiêu chí và tiêu chí thành phần tương ứng. Đối với cấp bộ, PAR Index được thiết kế với 7 lĩnh vực. Từ 7 lĩnh vực được chia thành 30 tiêu chí và 79 tiêu chí thành phần. Đối với cấp tỉnh, PAR Index được thiết kế với 8 lĩnh vực, được chia thành 32 tiêu chí và 85 tiêu chí thành phần. Một trong những yêu cầu cơ bản của PAR Index là đánh giá tương đối toàn diện các lĩnh vực chủ yếu của CCHC (6 nhóm nhiệm vụ được xác định trong chương trình CCHC giai đoạn 2011-2020: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính). Nhìn chung, các đơn vị thực hiện đều cho rằng, việc thực hiện bộ chỉ số đã mang lại những kết quả đáng kể, giúp cho CBCCVC có cái nhìn toàn diện về chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, để từ đó xây dựng kế hoạch CCHC giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch CCHC hằng năm cho phù hợp. Theo ông Trần Huy Liệu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ trưởng tổ thí điểm PAR Index tỉnh Hà Tĩnh: "PAR Index đã giúp lượng hóa được các kết quả thực hiện CCHC năm 2011 của toàn tỉnh, làm cơ sở để đánh giá mặt mạnh và hạn chế trong công tác CCHC để có phương hướng điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả. Cụ thể, tổng điểm đánh giá theo tiêu chí của PAR Index tỉnh đạt 78,6/100 điểm. Đây là lần đầu tiên có con số định lượng về kết quả thực hiện CCHC theo một khung được xây dựng bài bản. Trên cơ sở bộ chỉ số này, tỉnh Hà Tĩnh đã vận dụng để đánh giá một cách chính xác hơn kết quả thực hiện CCHC đối với các ngành, các cấp trên địa bàn".

Cùng hoàn thiện PAR Index

Hầu hết các đơn vị thực hiện thí điểm bộ chỉ số PAR Index cho rằng, về cơ bản, các tiêu chí, tiêu chí thành phần và thang điểm đưa ra rõ ràng, có khả năng định lượng cao kết quả CCHC hằng năm. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai, các đơn vị cũng đề xuất những nội dung nhằm hoàn thiện chất lượng PAR Index. Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Chính cho rằng, trong số 65 điểm do địa phương tự đánh giá nên có thêm khoảng 10% điểm do Bộ Nội vụ đánh giá, vì trong bộ chỉ số có nêu phương pháp đánh giá: "Báo cáo địa phương và kết hợp theo dõi, kiểm tra của Bộ Nội vụ". Tương tự, cần tăng số điểm của lĩnh vực "Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC" vì đây là lĩnh vực mang tính quyết định đối với nền hành chính. Một số nội dung của công tác CCHC đang được thực hiện song chưa có trong bộ chỉ số cũng đã được chỉ ra như việc thực hiện đánh giá tác động và tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (nội dung này có quy định trong Nghị định số 63/2010/NQ-CP của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); hay thang điểm dành cho lĩnh vực cải cách TTHC còn thấp (10 điểm), trong khi đây là một trong những nhiệm vụ CCHC trọng tâm trong giai đoạn 2011-2020.

Theo ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ): "Yêu cầu với PAR Index là phải đáp ứng các tiêu chí: Thực chất, toàn diện, đơn giản, công bằng, thời sự. Từ kết quả áp dụng thí điểm PAR Index, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh lại nội dung PAR Index. Dự kiến cuối năm 2012, PAR Index sẽ được ban hành chính thức để áp dụng chung cho các bộ, các tỉnh, TP từ năm 2013. Đây sẽ là một công cụ quản lý quan trọng, thực sự có hiệu quả trong triển khai chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020".

Thực tiễn thí điểm trong 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy ngoài những vấn đề đã hợp lý cũng còn những vấn đề chưa phù hợp, cần tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, để việc áp dụng PAR Index hiệu quả, cần có sự thống nhất cao trong nhận thức và quyết tâm thực hiện của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự đánh giá khách quan, công bằng và thực chất từ phía người dân và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện công cụ quản lý cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.