Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về quân hàm sĩ quan quân đội

Hà Phong| 10/05/2014 06:50

(HNM) - Làm sao nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới trong khi cơ chế chính sách, tiêu chí, điều kiện phong, thăng quân hàm còn thiếu chặt chẽ. Đây là bài toán lớn mà sau nhiều nỗ lực, Bộ Quốc phòng đã tìm được lời giải hợp lý trong bối cảnh hiện nay.


Cấp tướng sẽ giảm 3,1%

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, rất nhiều nghiên cứu, đánh giá phản ánh Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đang bộc lộ một số bất cập, khó áp dụng. Một trong những vướng mắc là điều kiện thăng quân hàm. Theo khoản 3, Điều 15 của luật, sĩ quan ở lực lượng quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện thuộc địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng và có quá trình cống hiến xuất sắc được thăng quân hàm cao hơn một bậc. Triển khai quy định này, những năm qua, Bộ Quốc phòng đã đề nghị cấp có thẩm quyền thăng quân hàm cấp bậc Thiếu tướng đối với một số sĩ quan giữ chức vụ Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc xác định địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng khó thực hiện, đang gây nhiều cách hiểu khác nhau trong đội ngũ sĩ quan và giữa các địa phương. Do đó, Bộ Quốc phòng đã kiến nghị bỏ quy định này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam để hạn chế tối đa tâm lý so sánh ngay trong lực lượng. Ban soạn thảo cũng bỏ quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với các chức vụ: Tổng Giám đốc Tổng Công ty loại 1; Tham mưu trưởng Quân khu, Quân chủng; Bộ đội Biên phòng; Tổng cục. Nếu được triển khai, số lượng cấp tướng so với nhu cầu cấp tướng của các văn bản pháp luật đang thực hiện giảm 3,1%.

Một giờ học của các sĩ quan trẻ Trường Sĩ quan Lục quân 1. Ảnh: Trọng Hải


Một điểm bất cập khác là hiện chỉ có quy định thời hạn xét thăng quân hàm cấp tá, cấp úy, không quy định thời hạn xét thăng quân hàm cấp tướng cũng được tháo gỡ. Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng, nên quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng là 4 năm, trừ trường hợp cá biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Xác định sĩ quan cấp tướng là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cán bộ quân đội, được đào tạo công phu, đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và nhiệm vụ trọng yếu của quân đội, nếu quy định cứng về thời hạn thì độ tuổi cấp tướng sẽ rất cao, khó cho việc quy hoạch nguồn cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược và việc bố trí sử dụng cán bộ khi có nhu cầu giao nhiệm vụ cao hơn. Dự thảo luật không quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng.

Tăng tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, hầu hết đề xuất rất mới của Bộ Quốc phòng là cơ sở bảo đảm tính linh hoạt trong bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, kể cả trong thời bình và trong thời chiến, là tiền đề nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Song, có nhóm chức vụ cơ bản nhưng trần quân hàm lại khác nhau, có chức vụ được phong hàm Đại tá, có chức vụ được phong hàm Thiếu tướng; cùng chức danh Cục trưởng nhưng có Cục trưởng được phong hàm Trung tướng, có Cục trưởng được phong hàm Thiếu tướng sẽ gây nên những bất cập giữa cấp Cục và Tổng cục. Chừng nào cấp Cục trưởng có trần quân hàm bằng Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy Quân khu, Quân chủng và cao hơn Tổng Cục phó thì chưa bảo đảm nguyên tắc người chỉ huy và chính ủy có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất của đơn vị. Bộ Quốc phòng cũng cần có cơ chế để "trẻ hóa" đội ngũ sĩ quan, với những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì phải phong trước niên hạn, nếu không sẽ gây khó khăn cho việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cấp cao.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng cho rằng, cần phải làm rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng (đối với cơ quan phải có vị trí tham mưu chiến lược và chỉ đạo toàn quân; đối với đơn vị phải là lãnh đạo, chỉ huy của đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược…). Theo đó một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu trên thì không quy định có nhu cầu cấp tướng như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công.

Giải đáp các băn khoăn nêu trên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho rằng, trong một số trường hợp không dễ thực hiện. Về cơ bản các chức vụ đã quy định cấp bậc quân hàm của sĩ quan cấp trưởng cao hơn cấp phó một bậc, nhất là đối với sĩ quan cấp tướng giữ chức vụ chỉ huy, lãnh đạo tại Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, các tổng cục, các cục, vụ, viện, học viện, nhà trường. Tuy nhiên, quân hàm sĩ quan chỉ có 12 bậc, trong khi toàn quân có tới trên 6.000 chức danh và trên 12.000 chức vụ. Vì vậy, trong thực tế còn có chức vụ quy định cấp bậc quân hàm của cấp phó bằng cấp trưởng như: Tư lệnh, Chính ủy và Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy Quân đoàn, Binh chủng hoặc Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị và Phó Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị cấp Quân khu đều có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng. Lý do, sĩ quan giữ các chức vụ cấp phó nêu trên đã đảm nhiệm và phát triển qua tối thiểu từ hai đến ba chức vụ ở các cấp thấp hơn đều có cấp bậc quân hàm cao nhất là Đại tá; đồng thời cũng là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, lãnh đạo toàn đơn vị theo phân công hoặc ủy quyền của cấp trưởng. "Ví dụ vị trí Cục trưởng Cục Tác chiến, nếu để quân hàm Thiếu tướng, khi đi chỉ đạo, kiểm tra ở quân khu mà quân hàm còn thấp hơn cả quân khu thì rất khó. Cục Tác chiến và Quân huấn chỉ đạo toàn quân... Cục Cán bộ thì thường phải là Chính ủy quân đoàn…", Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn chứng.

Đối với Chỉ huy trưởng quân sự các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, vẫn nên giữ nguyên quân hàm Đại tá, còn ai phấn đấu tốt thì điều chuyển lên quân khu, quân chủng, chứ nói địa bàn này quan trọng hơn địa bàn khác thì không hợp lý, trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. "Tất cả các chức vụ nào có trần quân hàm cấp tướng đều được quy định rõ trong dự thảo luật này với những điều khoản cụ thể. Do đó, không thể vận dụng linh hoạt để mà phong, thăng tùy tiện được" - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định.

Trước phản ánh của dư luận về việc lấy quân hàm để xác định lương, chế độ, chính sách cho sĩ quan và người hưởng lương là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho cơ cấu đội ngũ sĩ quan mất cân đối, có nhiều bất cập giữa trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, sẽ đổi mới chính sách tiền lương theo hướng tách lương khỏi quân hàm nhằm bảo đảm tiền lương được xác định theo vị trí việc làm và chức danh để việc phong, thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về quân hàm sĩ quan quân đội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.