Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thành nhiều mục tiêu lớn

Hiền Chi| 01/01/2011 09:06

(HNM) - Năm 2010, cả nước đã hoàn thành nhiều chương trình lớn của công tác cải cách hành chính (CCHC) như chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010; đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30)…


"Chốt" lại nhiều chương trình


Giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” huyện Đông Anh.  Ảnh: Phương An


Chương trình tổng thể CCHC nhà nước đã được triển khai rộng rãi ở các bộ, ngành, địa phương trong suốt thời gian qua, dù kết quả đạt được chưa trọn vẹn nhưng là tiền đề để mỗi đơn vị rút ra bài học kinh nghiệm cần thiết cũng như vạch được hướng đi tiếp theo. Kết quả tốt nhất trong chương trình tổng thể CCHC là việc cải cách thể chế. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế phục vụ trực tiếp cho CCHC; chú trọng công tác xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành một số lượng lớn nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Mỗi năm, trung bình Chính phủ ban hành gần 200 nghị định, thông qua đó đã tạo lập cơ sở vững chắc cho cải cách thể chế, thực hiện sự kết hợp giữa cải cách lập pháp và CCHC. Một loạt các luật được ban hành như Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Phá sản, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Hải quan, Luật Thương mại, Luật Điện lực v.v… đã kịp thời khắc phục tình trạng thiếu luật, tạo sự an tâm, tin tưởng của người dân. Chính quyền địa phương các cấp cũng tăng cường công tác cải cách thể chế, trong đó chú trọng thu hút đầu tư, xây dựng khu công nghiệp, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển, phân cấp, ủy quyền cho các sở và cấp huyện trên nhiều lĩnh vực… Nhiều địa phương làm tốt công tác này là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bến Tre, Cần Thơ…

Công tác cải cách TTHC được Chính phủ đặc biệt quan tâm nên sau khi ban hành quyết định về việc tổ chức thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông", Chính phủ đã xây dựng Đề án 30 nhằm tạo điều kiện và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN. Kết quả của Đề án 30 đã vượt ngoài dự kiến. Đã có trên 5.500 TTHC được rà soát; 453 TTHC được kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ; 3.749 TTHC được kiến nghị sửa đổi, bổ sung; 288 TTHC được kiến nghị thay thế (đạt tỷ lệ đơn giản hóa 81%). Theo dự tính, kinh phí tiết kiệm được gần 30.000 tỷ đồng/năm.

CCHC tiếp tục là khâu đột phá

Xác định được tầm quan trọng của CCHC, thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương đã quán triệt sự chỉ đạo của Chính phủ, quyết liệt triển khai thực hiện công tác CCHC. TP Hà Nội là một trong những địa phương triển khai nghiêm túc, sáng tạo và đạt được kết quả cao. Hiện nay, 100% các đơn vị trên địa bàn đã bố trí, tổ chức bộ phận "một cửa". Một số quận, huyện, thị xã đã bước đầu thực hiện cơ chế "một cửa" theo hướng hiện đại như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Đan Phượng, Sơn Tây, Hà Đông, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Phú Xuyên, Quốc Oai, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh... Qua đó, quy trình, thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn, được các tổ chức, DN và nhân dân ghi nhận.

Đặc biệt, TP đã duy trì việc tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện công tác CCHC của các đơn vị. Trong đó đoàn kiểm tra đột xuất công tác giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính được tiến hành thường xuyên, liên tục. Năm qua, đoàn kiểm tra đột xuất đã đổi mới phương thức kiểm tra để nâng cao chất lượng. Do địa bàn rộng, với 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn, TP đã quyết định kiểm tra việc giải quyết TTHC theo cách "kiểm tra đại diện của vùng" rồi rút kinh nghiệm chung cho các cụm trong vùng. Như vậy, số lần đi kiểm tra ít hơn mà hiệu quả cao hơn, sức lan tỏa rộng hơn. Trong việc thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, TP Hà Nội đã hoàn thành đúng tiến độ và vượt hơn 2 lần so với chỉ tiêu đơn giản hóa 30% TTHC theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Số TTHC được TP kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ là 1.292/1.816 TTHC được rà soát (đạt tỷ lệ đơn giản hóa 71,2%).

Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV vừa qua đã xác định CCHC tiếp tục là một trong hai khâu đột phá của TP và CCHC vẫn tập trung vào 4 nội dung: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công. Vì vậy, trong năm mới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh tra công vụ đối với từng cán bộ, công chức, thực hiện tốt chính sách cán bộ; nâng cao chất lượng cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; tổ chức thực hiện giai đoạn 3 Đề án 30 về thực thi phương án đơn giản hóa TTHC theo phương án đã được thông qua; thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thành nhiều mục tiêu lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.