(HNM) - Nhờ tích cực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm thích ứng với tình hình mới ngay từ đầu năm 2021, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khôi phục và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tính đến hết tháng 11-2021, thu ngân sách nhà nước đã đạt 103,4% dự toán, tương đương 1.389,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là động lực để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực hơn trong công tác thu ngân sách tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022.
Kết quả trên một lần nữa khẳng định sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn, hiệu quả của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cùng với sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng của ngành Tài chính nói chung, ngành Thuế, Hải quan và các địa phương nói riêng trong thu ngân sách nhà nước, khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, kéo dài ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, thu ngân sách dù đã vượt dự toán, song số thu vượt kế hoạch chủ yếu ở ngân sách địa phương (tăng trên 9%), trong khi ngân sách trung ương mới đạt 98,5% dự toán năm. Vì vậy, trước những thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để bảo đảm thu đúng, thu đủ, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội…, đặc biệt là chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngay lúc này các bộ, ngành, đặc biệt là ngành Tài chính, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về công tác thu, chi ngân sách nhà nước. Đồng thời triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn thu, nhất là quản lý chặt nguồn thu từ hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản… để tăng tối đa nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Mặt khác, ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế, Hải quan nói riêng cần tiếp tục rà soát các nguồn thu tiềm năng; các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để triển khai các giải pháp quản lý thu hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực thi chính sách pháp luật về thuế. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân có dấu hiệu chây ỳ, chậm nộp hoặc chiếm dụng tiền thuế.
Ở góc độ các địa phương, cùng với việc phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về việc thực hiện nghiêm các chính sách thuế, cần tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân nhằm lắng nghe, nắm bắt kịp thời các kiến nghị liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, trên cơ sở đó kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vừa góp phần tăng nguồn thu, vừa giúp cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình tại từng địa phương, để đề xuất với các cấp, ngành chức năng triển khai các giải pháp thu ngân sách nhà nước phù hợp, hiệu quả.
Về phía các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân cũng cần nâng cao trách nhiệm, nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí vào ngân sách nhà nước theo quy định, góp phần hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021.
Tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tin rằng nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021 không chỉ hoàn thành sớm mà sẽ còn vượt xa dự toán đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.