(HNMO) – Chiều 5/11, Quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội và triển khai kế hoạch thực hiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội.
Phát huy giá trị di sản, quản lý kiến trúc khu phố cổ
Báo cáo tại hội nghị về vấn đề thực hiện Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, ông Phạm Tuấn Long – Phó Trưởng ban thường trực BQL Phố cổ Hà Nội cho biết: Trong năm 2015, quận Hoàn Kiếm đã triển khai các đồ án thiết kế đô thị riêng các tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy và các tuyến phố trong khu bảo tồn cấp I và khu vực trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao Đồng Xuân – Bắc Qua.
Bên cạnh đó, UBND quận đã giao BQL Phố cổ dành toàn bộ địa điểm 38 Hàng Đào làm nơi hướng dẫn người dân trong công tác bảo tồn nhà ở và hướng dẫn xin phép xây dựng. Phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về Quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội cũng như việc cung cấp thông tin quy hoạch, hướng dẫn người dân và các tổ chức trong việc xây dựng, cải tạo các công trình nhà ở trong khu phố cổ Hà Nội.
Trong năm 2014, có 71 công trình trong đó có 2 công trình nhà ở có giá trị được cấp phép; 10 tháng đầu năm có 55 công trình, trong đó có 1 công trình có giá trị đặc biệt.
Quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục đầu tư GPMB các dự án trùng tu di tích quan trọng như: đình Đông Thành số 7 Hàng Vải, quán chùa Huyền Thiên 54 Hàng Khoai, chùa Vĩnh Trù 59 Hàng Lược, hội Quán Phúc Kiến 40 Lãn Ông, đình Tú Thị 2 Yên Thái, đình Tân Khai, chùa Thái Cam…
Đáng chú ý, đối với các công trình nhà ở có giá trị hiện đang có nguy cơ sụp đổ và xuống cấp, quận đã yêu cầu các cơ quan quản lý và chủ sở hữu có trách nhiệm chống đỡ, bảo tồn, tôn tạo theo quy định. Nếu chủ sở hữu, chủ quản lý và người sử dụng không có điều kiện thực hiện thì có văn bản đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm có phương án hỗ trợ thực hiện qua BQL Phố cổ Hà Nội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Phạm Tuấn Long cũng thẳng thắn nhìn nhận việc quan lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội vẫn có những hạn chế. Đó là công tác tuyên truyền, quảng bá và giáo dục nâng cao ý thức tham gia phát huy giá trị lịch sử, di sản văn hóa chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng. Việc chỉnh trang tuyến phố, kiểm soát biển hiệu, biển quảng cáo còn chậm chưa gắn với chỉnh trang đô thị với bảo tồn các phố nghề, tuyến phố chuyên doanh… Các dự án bảo tồn, trùng tu các công trình di tích trên địa bàn quận chủ yếu là từ nguồn vốn ngân sách, công tác xã hội hóa đầu tư mới huy động được ở một số chùa, chưa có cơ chế hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân tham gia gìn giữ, tôn tạo…
Khắc phục các vấn đề trên, trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung các nguồn lực để phát huy hơn nữa các tiềm năng về di sản phố cổ Hà Nội. Theo đó, quận tiếp tục triển khai Đề án Giãn dân phố cổ sang khu nhà ở giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng; hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách quản lý với các diện tịch nhà, đất của các hộ đã di chuyển còn lại trong khu phố cổ Hà Nội. Đầu tư GPMB, tu bổ, tôn tạo 100% các công trình di tịch lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, bảo tồn các công trình nhà ở có giá trị kiến trúc, cải tạo không gian công cộng trong khu vực phố cổ.
Bên cạnh đó, quận tiếp tục cải tạo hạ tầng, từng bước tổ chức lại không gian giao thông trên địa bàn để khu phố cổ trở thành không gian đi bộ gắn với khu vực hồ Hoàn Kiếm, hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản phố cổ Hà Nội. Phát huy giá trị di sản vật thể khu phố cổ Hà Nội, phát triển du lịch văn hóa liên kết trong hệ thống di sản quốc gia…
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thành – Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa (Bộ VHTT) đánh giá: Khu phố cổ Hà Nội là di sản văn hóa đặc sắc. So với nhiều đơn vị trong cả nước, quận Hoàn Kiếm luôn là đầu tàu triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và tìm ra các giải pháp thực hiện. Sau 2 năm vừa qua, nhiều di tích được đầu tư tu bổ, trong đó có cả phần GPMB. Các hoạt động quản lý có thêm nhiều phần khen, hạn chế bớt phần chê như ở việc quản lý biển quảng cáo, tổ chức tuyến phố đi bộ, tổ chức đêm rằm… Trong thời gian, ông Trần Thành lưu ý quận Hoàn Kiếm nâng cao phối hợp với Cục di sản văn hóa - Bộ VHTT trong việc bảo tồn các di sản sống. Tăng cường phát huy các giá trị phi vật thể như thông qua phố đi bộ, lễ hội trăng rằm, trung thu sẽ thu hút khách du lịch…; Tạo môi trường cảnh quan quanh khu di tích.
Lễ hội trung thu phố cổ - sản phẩm văn hóa phi vật thể có giá trị thu hút nhân dân và khách tham quan. |
Triển khai quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ
Tại hội nghị, UBND quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, triển khai thực hiện Quyết định số 24/2015/QĐ-UBND ngày 13/8/2015 của UBNTP Hà Nội về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội; Chỉ thị số 02-CT/QU ngày 3/11/2015 của Ban Thường vụ Quận ủy về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế; UBND quận đã ban hành kế hoạch thực hiện. Theo đó, sẽ tập trung tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm và hành động trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc cảnh quan và các công trình di tích có giá trị nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển đô thị có hiệu quả, chất lượng cao gắn với thực hiện Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác quản lý phát triển đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng, cải tạo, chỉnh trang theo đúng quy định pháp luật, đúng quy hoạch; nâng cao giá trị lịch sử văn hóa và kiến trúc cảnh quan đô thị của khu phố cũ Hà Nội và vùng phụ cận.
Theo đó, trước mắt các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thiết kế đô thị đoạn tuyến phố Điện Biên Phủ, Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền; dãy phố Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt để rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai. Tổ chức trùng tu, cải tạo biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo làm Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ. Đầu tư hạ ngầm 100% đường dây đi nổi; thiết kế triển khai mẫu cột và đèn chiếu sáng đặc trưng với cảnh quan tuyến phố…
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Bùi Xuân Tùng - Phó Giám đốc Sở QHKT nêu rõ quận Hoàn Kiếm nằm ở vị trí trung tâm nội đô lịch sử, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhưng đó cũng là thách thức lớn với quận đang sở hữu 3 di sản lớn của cả nước. Trong thời gian tới để triển khai quản lý kiến trúc khu phố cũ, Sở QHKT đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm tăng cường tuyên truyền đến nhân dân, giúp chính quyền quản lý, giám sát trật tự theo quy hoạch. Tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp phường nắm vững về quy chế. Tăng cường giám sát quá trình xây dựng, cấp phép, quản lý theo quy hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.