Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoài Đức xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị

Vương Duy Hướng| 19/02/2014 07:21

(HNM) - Hơn 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức đã nỗ lực vượt khó, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, định hình một nông thôn hiện đại, phát triển từng ngày.



Huân chương Lao động mà Nhà nước trao tặng là sự ghi nhận đối với những thành tích ấn tượng của huyện giai đoạn 2008-2013. Đây là nguồn động viên, nhưng cũng là sự nhắc nhở về trách nhiệm phải cố gắng hơn nữa đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Hoài Đức.

Theo "Việt sử thông giám cương mục", tên Hoài Đức có từ năm 622. Nằm trong một miền đất cổ, địa bàn huyện là một trong những nơi sinh tụ chính của cư dân Văn Lang với bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, qua nhiều lần tách, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, Hoài Đức vẫn được nhắc đến như một vùng đất giàu truyền thống văn hiến, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp tại Yên Sở, một trong những xã điểm nông thôn mới của huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiên


Hiện nay, huyện Hoài Đức gồm 19 xã và 1 thị trấn với diện tích 82,67km2, dân số trên 200.000 người. Huyện có 54 làng cổ truyền thống, 12 làng nghề truyền thống và 191 di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó 81 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố. Từ khi sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, Hoài Đức đã không ngừng cố gắng vượt khó, vươn lên. Từ chỗ lấy kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo, hơn 5 năm qua, kinh tế huyện Hoài Đức đã có bước phát triển vượt bậc. Cơ cấu kinh tế phát triển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp. Cụ thể, công nghiệp xây dựng chiếm 55,2%, thương mại dịch vụ chiếm 37,6%, nông nghiệp còn 7,2%. Từ năm 2008 đến 2012 tổng giá trị sản xuất thực hiện đạt 15.328 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 15,5%. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 32,1 triệu đồng/người/năm, gấp 5,2 lần năm 2008. Toàn huyện có trên 5.300 hộ sản xuất kinh doanh, tăng 96,8% so với năm 2008. Ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá đa dạng - tập trung vào các mặt hàng nông sản thực phẩm, bánh kẹo, dệt len, đồ gỗ tạc tượng, sản xuất kim khí… Hàng hóa của các làng nghề đã được tiêu thụ trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước, một số mặt hàng đã được xuất khẩu sang nước ngoài…

Trong những năm qua, huyện đã tập trung xây dựng nông thôn mới theo đúng chương trình, bảo đảm tiến độ đề ra. Huyện đã phê duyệt xong đề án và quy hoạch nông thôn mới đối với 19/19 xã. Cùng với tiến trình đó, huyện đã tập trung phát triển giao thông nông thôn, nâng cấp hạ tầng đô thị, nông thôn đạt được kết quả cao. Cơ bản, các tuyến đường giao thông, đường làng, ngõ xóm đã được nâng cấp, cải tạo và bê tông hóa. Nhiều trục đường chính trên địa bàn huyện đã và đang được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao được quan tâm đầu tư và mở rộng như mô hình sản xuất rau an toàn, cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ, hoa phong lan, cây cảnh… đem lại hiệu quả kinh tế từ vài trăm triệu tới hàng tỷ đồng trên 1ha canh tác. Nhằm tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, huyện đã chỉ đạo đăng ký xây dựng thương hiệu "rau an toàn" nhãn hiệu tập thể, "nhãn chín muộn huyện Hoài Đức", "bưởi đường Quế Dương", "bưởi ngọt Đông La"… Toàn huyện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt trên 10 tiêu chí theo quy định của Chính phủ.

Cùng với xây dựng nông thôn mới, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng đô thị cũng được huyện Hoài Đức đẩy mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của huyện. Trong giai đoạn 2008-2013, huyện đã triển khai xây dựng nhiều công trình trường học, nhà văn hóa, đường giao thông… với tổng kế hoạch vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, trong đó nhiều công trình trường học được đầu tư xây dựng mới. Riêng hai năm 2012 và 2013 có 18 trường học được thành phố công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt trên 200% kế hoạch thành phố giao, nâng tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện lên 35 trường chiếm 50,7% tổng số trường học. Nhiều công trình văn hóa thể thao được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, đây là cơ sở để Hoài Đức hiện thực hóa các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, đem lại đời sống tinh thần cho người dân ngày càng phong phú, góp phần duy trì khối đại đoàn kết toàn dân.

Gắn phát triển kinh tế với xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện các chính sách xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện là mục tiêu mà Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hoài Đức luôn quan tâm, chỉ đạo được thể hiện cụ thể trên các lĩnh vực. Huyện đã thực hiện tốt chính sách người có công, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, nhất là công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, xóa nhà dột nát, phòng chống các tệ nạn xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 giảm còn 2,47%.

Với những thành tích nổi bật từ năm 2008 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với Hoài Đức để tiếp tục phát huy truyền thống quê hương anh hùng cách mạng; triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã đề ra; quyết tâm xây dựng huyện ngày càng văn minh, giàu đẹp. Cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện nhận thức sâu sắc trách nhiệm phải cố gắng nhiều hơn nữa, không ngừng đoàn kết, phấn đấu khắc phục khó khăn, giành thành tích cao trên mọi mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.