(HNMO) - Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (dự án II) có khối lượng công tác GPMB rất lớn (311,19 ha), trải dài theo tuyến trên địa bàn 8 quận, huyện và trên 60 phường xã.
Tiến độ thi công các hạng mục công trình của dự án phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ bàn giao mặt bằng và công tác thi công phải hoàn thành vào năm 2015 (theo Hiệp định vay vốn ODA của JICA – Nhật Bản), vì vậy thời gian còn lại cho công tác GPMB còn rất ngắn.
Việc GPMB hiện còn mắc trên địa bàn nhiều quận như: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, quận Cầu Giấy, quận Tây Hồ. Với 642 phương án còn lại ở các quận, huyện có 45 phương án đất nông nghiệp và 597 phương án đất công trình nhà ở. Tuy nhiên, với 38/48 ha đã GPMB (đạt trên 80%) đã và đang chuẩn bị bàn giao lại không liền tuyến (xôi đỗ) nên việc triển khai thi công và quản lý chống tái lấn chiếm gặp nhiều khó khăn.
Ở phần GPMB do Ban QLDA thoát nước thực hiện (263,19ha), hiện còn lại 2.261 phương án đất nông nghiệp và công trình nhà ở.
Để giải quyết vấn đề trên, theo Sở Xây dựng, liên quan đến vấn đề GPMB, UBND các quận, huyện chỉ đạo sát sao UBND, Công an phường, xã tập trung xác nhận nguồn gốc đất sử dụng, nhân hộ khẩu đảm bảo nội dung, chất lượng để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng chính sách hiện hành. Chỉ đạo Hội đồng và Ban bồi thường GPMB quận/huyện tập trung thẩm định phê duyệt các phương án bồi thường hỗ trợ hoàn thành cơ bản trong quý III/2014 để chi trả tiền, bàn giao mặt bằng.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan ra Thông báo yêu cầu các hộ đã nhận tiền, có quyết định bán nhà của TP làm thủ tục nhận nhà, bàn giao mặt bằng; Xây dựng kế hoạch để triển khai công tác cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp không tranh chấp bàn giao mặt bằng, có biện pháp hành chính đối với các trường hợp cố tình không chấp hành quyết định về công tác GPMB. Rà soát quỹ nhà tái định cư chưa sử dụng trên địa bàn TP để bố trí công tác GPMB cho dự án. Ưu tiên, bố trí đủ vốn cho kinh phí GPMB, dự kiến trên 1.000 tỷ đồng, trong đó phần các quận thực hiện trên 450 tỷ đồng và Ban QLDA thoát nước Hà Nội thực hiện là 579 tỷ đồng.
Với công tác thi công, yêu cầu nhà thầu vào thi công theo từng phần mặt bằng được giao; Phối hợp với Công ty thoát nước Hà Nội trong việc dẫn dòng để triển khai các hạng mục kênh mương.
Tại cuộc họp của UBND TP với các sở, ngành, quận, huyện diễn ra chiều 28/5, lãnh đạo quận Ba Đình phản ảnh: dù xác định đây là dự án ODA quan trọng nhưng trên địa bàn quận đã vỡ tiến độ một số lần. Thời gian thực hiện dự án kéo dài, ảnh hưởng đến nhà thầu, GPMB xôi đỗ, ô nhiễm môi trường. Trên địa bàn có 271 phương án, rải trên 8 phường, nhiều nhất ở phường Thành Công và Ngọc Hà. Ba Đình mắc về xác nhận nguồn gốc đất và chính sách đền bù hệ số K, tái định cư nhà.
Chỉ đạo về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu quận Ba Đình phải tự xác nhận nguồn gốc đất, công khai minh bạch trên toàn tuyến; với những vấn đề khó khăn có văn bản trình TP giải quyết. Riêng về vấn đề nhà tái định cư, Sở Xây dựng ưu tiên cho các quận đã phê duyệt phương án như quận Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàng Mai (thiếu 200 căn)… Ngoài ra, tại quận Thanh Xuân, Ban QLDA thoát nước phải cử người hoàn thiện hồ sơ… Công ty quản lý nhà (Sở Xây dựng) phải tạo điều kiện các thủ tục giao nhà, bán nhà cho người dân; ưu tiên cấp điện, cấp nước cho khu tái định cư
Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Tài chính, Kho bạc giải ngân thực hiện dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng xuống kiểm tra toàn bộ tiến độ các gói thầu. Tới đây TP, cũng sẽ có tổ công tác đi đốc thúc GPMB và thi công. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng, nếu không tích cực giải quyết sẽ gây lãng phí, ảnh hưởng đến việc vay vốn của Hiệp định với phía Nhật Bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.