Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họa sỹ Lê Huy Tiếp với chiến tranh và hòa bình

ANHTHU| 11/03/2007 09:22

(HNM) - Mặt đất với những vết rạn nứt trong màu đỏ sẫm như máu cùng những ngọn khói đang bốc lên. Với kỹ thuật sơn dầu đắp nổi đặc biệt, những vết thương của trái đất do chiến tranh gây ra được họa sĩ hình tượng hóa lên như những nham thạch trên miệng núi lửa.

Tác phẩm “Chiến tranh” ...

(HNM) - Mặt đất với những vết rạn nứt trong màu đỏ sẫm như máu cùng những ngọn khói đang bốc lên. Với kỹ thuật sơn dầu đắp nổi đặc biệt, những vết thương của trái đất do chiến tranh gây ra được họa sĩ hình tượng hóa lên như những nham thạch trên miệng núi lửa.

Tác phẩm Chiến tranh của họa sĩ Lê Huy Tiếp (bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) gây ám ảnh cho người xem trước một biểu tượng nghệ thuật cô đọng và mạnh mẽ. Trên nền trời ghi tím được che phủ bởi tầng khói xám là bức họa Mona Lisa của đại danh họa Leonardo Da Vinci đang bốc cháy. Chiến tranh không chỉ là sự hủy diệt vật chất và sự sống, mà đau đớn hơn đó là sự hủy diệt tinh thần, hủy diệt những giá trị văn hóa đã trở thành tài sản chung của nhân loại . Đó là thông điệp mà họa sĩ gửi gắm trong tác phẩm này. Bức Chiến tranh đã được nhận giải đặc biệt trong triển lãm Hội họa quốc tế lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1987.

Sự kết hợp hài hòagiữa chủ nghĩa hiện thực với chủ nghĩa tượng trưng siêu thực đã trở thành một mạch ngầm xuyên suốt trong các tác phẩm của Lê Huy Tiếp. Bức sơn dầu Chiến tranh (100x 120cm) nằm trong bộ Chiến tranh và Hòa bình được họa sĩ vẽ năm 1986 tại trại sáng tác Đại Lải. Đối nghịch với gam màu nóng nhức nhối của tác phẩm Chiến tranh, bức sơn dầu Hòa bình diễn tả trái đất như một cô gái đẹp trong hòa sắc xanh thiên thanh êm dịu và quả đất với những đại dương xanh phát sáng như một viên ngọc lộng lẫy giữa không gian bao la và tĩnh lặng của vũ trụ. Trăn trở với một đề tài muôn thuở mà nhiều họa sĩ quốc tế đã thể hiện, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã tìm ra cho riêng mình hai hình tượng về chiến tranh và hòa bình thật cô đọng, đầy biểu cảm và mang tính tượng trưng cao.

và “Đợi” là hai trong số các tác phẩm được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2007 của họa sỹ Lê Huy Tiếp.

Sẽ hiểu những tác phẩm của họa sĩ hơn khi ta biết rằng cuối những năm 1960, khi Lê Huy Tiếp bắt đầu cuộc đời sáng tác cũng là lúc Việt Nam đang chìm trong khói lửa nặng nề, dai dẳng và khốc liệt của chiến tranh. Thế hệ của anh là thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, thấu hiểu những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra. Bản thân Lê Huy Tiếp đến nay vẫn mang những mảnh bom bi trong người. Song anh không phải người dễ bi quan, nản chí, mà ngược lại, luôn nuôi dưỡng trong mình một tinh thần lạc quan cách mạng được thừa hưởng từ cha mẹ. Các cụ thân sinh ra anh là những nhà hoạt động cách mạng lão thành từ những năm 1930, thời Xô Viết Nghệ Tĩnh. Anh vẽ Những đứa trẻ của chiến tranh với hình tượng xúc động bi thương trong nỗi đau cuộc chiến, hay Bất khuất, Nữ dân quân,... là bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở Việt Nam. Những tác phẩm đó cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị hiện thực, và cho chúng ta thấy ở Lê Huy Tiếp một con người sớm hình thành nhân cách, với những suy tư sâu sắc, và một tình cảm công dân đáng trân trọng.

Sau này trong thời bình, ký ức về chiến tranh không hiển hiện cụ thể như thời kỳ đầu, mà chỉ thấp thoáng trong sáng tác của Lê Huy Tiếp như những mảnh vụn của quá khứ, của kỷ niệm, không tách rời với thực tại: Một mảng tường rêu phong còn lỗ chỗ vết đạn (Đợi, 1997), một phế tích hoang tàn đổ nát còn lại phía sau (Trời và Đất, 2001) và mới đây nhất là bức tường đầy kỷ niệm và vết thươngđược thể hiện bằng kỹ thuật đồ họa (Thành cổ Quảng Trị, 2006).

Giữa hiện tại hòa bình với quá khứ chiến tranh là những suy tư đầy triết lý của Lê Huy Tiếp về thân phận con người. Trong bức sơn dầu Đợi (100x120 cm), một cô gái trẻ mang bầu đang đứng nhìn ra từ căn nhà còn in dấu những vết tích chiến tranh ở vùng bờ biển miền Trung khắc nghiệt với những mảnh tường chưa được hàn gắn, những viên ngói vỡ. Gương mặt đăm chiêu, lo lắng của cô ngóng nhìn ra biển, ra bầu trời đầy mây bão đang vần vũ. Họa sĩ muốn biểu hiện sự cô đơn của người mẹ trẻ trước cơn bão. Cô đang chờ đợi chồng trở về, đợi diễn biến của cơn bão và đợi chờ đứa con sắp ra đời. Bút pháp tả thực điêu luyện của người họa sĩ trong hòa sắc ghi và lam lạnh, đặc biệt việc diễn tả ánh nhìn lo lắng của đôi mắt hướng ra biển cuốn hút người xem vào một không khí căng thẳng, thương cảm với tâm trạng của cô gái. Sự chia sẻ và tình yêu thương của họa sĩ đối với con người thể hiện ở từng nét vẽ tỉ mỉ trên gương mặt ửng hồng, trên từng nếp áo, trên những ngọn cỏ lông chông chạy trên cát, trong niềm hy vọng bừng sáng trên bức tranh Đông Hồ vẽ Bé ôm gà, sự chông chênh của ngọn đèn đung đưa trước gió. Cuộc sống của con người miền Trung là như thế: Luôn phải đối mặt với sức mạnh dữ dằn của thiên nhiên, với những vết thương chiến tranh còn chưa liền vết. Yêu thiên nhiên, yêu con người, Lê Huy Tiếp yêu cả sự khắc nghiệt, yêu cả tâm trạng trống trải cô đơn của con người trong cuộc đấu tranh sinh tồn và lột tả vẻ đẹp bền bỉ của thiên nhiên và con người ẩn chứa trong đó.

Bất cứ ai cũng xúc động khi ngắm bức Thành cổ Quảng Trị mà họa sĩ mới hoàn thành gần đây bằng kỹ thuật đồ họa. Trên bức tường rêu cũ vẫn còn ẩn hiện những nét khắc tên hay lời nhắn mà trong thời chiến những người chiến sĩ thường tìm cách để đánh dấu thời gian, kỷ niệm hay liên lạc với đồng đội hoặc nhắn gửi với những người còn lại trước một trận đánh ác liệt. Nhưng trên nền xám mốc của những kỷ niệm thời chiến, xuyên qua lỗ thủng của bức tường do đạn pháo, bừng sáng một vuông trời xanh biếc với mây trắng và một chú chuồn chuồn đỏ ớt nổi bật. Và xuyên qua một lỗ đạn nhỏ hơn phía bên dưới là màu xanh tươi non mướt của lúa thì con gái. Hình tượng mà họa sĩ tạo nên quá đẹp, quá ý nghĩa, khiến bất cứ người xem nào cũng cảm nhận được mà không cần lời chú thích nào.

Hội họa hiện thực của Lê Huy Tiếp đã đi xa hơn nhiều hiện thực của thị giác, đánh thức những rung động sâu thẳm trong lòng người xem về một triết lý phương Đông mà họa sĩ rất tâm đắc: Sự cân bằng âm dương để tạo nên sự hài hòa trong cuộc sống con người. Vẻ đẹp của con người và cuộc sống được tôn lên nhờ ánh sáng và bóng tối, nhờ ngày và đêm, quá khứ và hiện tại, cái thiện và ác, cũng như những chân giá trị được nhận ra giữa ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình.

Nguyễn Thu Thủy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sỹ Lê Huy Tiếp với chiến tranh và hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.