Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họa sĩ Trần Khánh Chương: “Mắt cười gửi lại theo mây đi về...”

Vương Trần| 01/05/2020 13:45

(HNMCT) - Họa sĩ Trần Khánh Chương, người giữ cương vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lâu nhất đã về cõi vĩnh hằng vào chiều 19-4-2020, tại Hà Nội, hưởng thọ 77 tuổi. Giới chuyên môn đánh giá, trong sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nói chung, của mỹ thuật nước nhà nói riêng, ông đã có đóng góp to lớn trên cả phương diện làm nghề và hoạt động hội. Trước sự ra đi của ông, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã viết: “Xin ông an nghỉ thanh nhàn/ Vắng ai muôn nẻo đường trần, vắng ai/ Phận xưa nghiệp cũ còn đây/ Mắt cười gửi lại theo mây đi về...”.

1. Nghe tin họa sĩ Trần Khánh Chương qua đời, nhà báo Vũ Viết Tuân (báo điện tử VnExpress), người có nhiều lần gặp gỡ, phỏng vấn ông, đã viết: “Trong số lãnh đạo của các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, có lẽ họa sĩ Trần Khánh Chương là một trong số ít những người cởi mở với báo chí nhất. Phóng viên có thể gọi ông bất cứ lúc nào. Nếu bận, ông trả lời ngắn gọn. Rảnh, ông có thể nói hàng tiếng. Có thể hỏi ông bất cứ vấn đề gì, nếu biết, ông sẵn sàng nói, không ngần ngại...”. Đó cũng là nhận xét chung của nhiều phóng viên từng có dịp phỏng vấn ông.

Không chỉ cánh nhà báo mà giới họa sĩ cũng cảm nhận được sự nhiệt tình, chân thành, hòa đồng từ ông. Coi họa sĩ Trần Khánh Chương như một người thầy, người anh lớn, họa sĩ Hoàng Thúy Liệu (nguyên là một họa sĩ vẽ tem của Công ty Tem Việt Nam) bày tỏ: “Họa sĩ Trần Khánh Chương là lãnh đạo cao nhất của Hội Mỹ thuật Việt Nam, và vẫn chuyên tâm sáng tác, công việc rất bận rộn, nhưng ông luôn sẵn lòng chỉ bảo tôi mọi lúc, kể cả là qua điện thoại”.

Là phóng viên theo dõi mảng nội chính, tôi có may mắn được đến tư gia của ông tại khu Đầm Trấu (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để đưa tin về cuộc gặp và chúc Tết của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng dịp cuối năm Kỷ Hợi vừa qua. Khi ấy sức khỏe đã giảm sút nhiều song ông vẫn cực kỳ minh mẫn, những vị khách tới nhà đều được tiếp đón nồng hậu.

Với mái tóc bạc trắng, giọng nói khỏe khoắn, ông giới thiệu những tác phẩm hội họa được trưng bày trong căn phòng rộng khoảng 30m2. Những cuốn sách, tác phẩm do chính ông viết, vẽ được nhắc đến là kết quả sau những nỗ lực lao động nghệ thuật miệt mài, không ngừng nghỉ của người họa sĩ già. Ông nhớ như in từng tác phẩm hội họa ra đời trong bối cảnh nào, hay các cuốn sách mà ông viết có tham khảo tài liệu từ những đâu, mất bao nhiêu thời gian... Tinh thần lao động trong ông dường như không có tuổi tác.

2. Họa sĩ Trần Khánh Chương là người ham mê tìm tòi, học hỏi. Ông từng tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội), sau đó về công tác tại Nhà máy Sứ Hải Dương rồi tiếp tục theo học tại chức ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Con đường nghệ thuật của ông phải đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước mới dần phát lộ. Đó là các tranh khắc thạch cao, được chọn đi dự Triển lãm đồ họa quốc tế năm 1984 tại Berlin (Đức). Nổi bật với các bức như Những cánh diều (1983) thể hiện cảnh sinh hoạt làng quê của những chú bé chăn trâu thổi sáo, thả diều; bức Đồ chơi bột nặn (1983) lấy cảm xúc về đồ chơi dân gian, do nghệ nhân dùng bột dẻo nhuộm phẩm màu, nặn nhân vật hay con giống ngộ nghĩnh...

Với nền tảng kiến thức ban đầu cùng với quá trình học tập, nỗ lực không ngừng nghỉ, họa sĩ Trần Khánh Chương đã được trao tặng không ít giải thưởng danh giá, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt II - năm 2007). Cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị trên nhiều chất liệu như: Màu xanh trên vùng đất đỏ (sơn dầu, 1980), Đường lên Điện Biên (sơn mài, 2005), Ngày vui giải phóng (khắc thạch cao, 1986)... Trong đó, nổi bật nhất có lẽ là Đường lên Điện Biên - tác phẩm được ông vẽ với cảm hứng từ những chuyến về lại chiến trường xưa, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004).

Tác phẩm sơn mài Đường lên Điện Biên của họa sĩ Trần Khánh Chương.

Sinh thời, họa sĩ Trần Khánh Chương từng tiết lộ với báo giới và người yêu hội họa trong triển lãm Điện Biên năm ấy (2019) rằng: “Đó là bức tranh đầu tiên tôi vẽ về Điện Biên nên cảm xúc rất mãnh liệt. Hồi bé, ở Liên khu 4 tôi đã được tiếp xúc với các loại vũ khí và gặp gỡ bộ đội nên trong ký ức của tôi, kháng chiến là điều không hề xa xôi, lạ lẫm. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại được tiếp xúc với những chiến sĩ Điện Biên giản dị trong bộ trang phục áo nâu. Trong mắt tôi hồi ấy, hình ảnh bộ đội nên thơ vô cùng. Bên cạnh đó, còn một kỷ niệm nữa về Bộ đội Cụ Hồ đã tạo cảm xúc cho tôi sáng tác nên tác phẩm này. Ấy là năm 1953, gia đình tôi có một chiếc xe đạp khung inox rất giá trị, thế nhưng bố tôi đã quyết định cho một người chiến sĩ mượn để đi từ Hà Tĩnh lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tận năm 1957, tức là sau đó 4 năm, khi gia đình tôi đã từ Hà Tĩnh chuyển ra sinh sống tại Nghệ An, người chiến sĩ không quen biết năm đó vẫn mang chiếc xe đạp đến tận nhà để trả cho gia đình”.

3. Nhắc đến họa sĩ Trần Khánh Chương còn là nhớ về một vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam luôn đau đáu cho sự phát triển của hội cũng như sự quan tâm chăm lo đời sống cho hội viên. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, người từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam dưới thời họa sĩ Trần Khánh Chương đã đánh giá, trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp, họa sĩ Trần Khánh Chương đã tạo được cách thức hoạt động đa dạng, đồng hành để giúp các nghệ sĩ mỹ thuật tự tin hơn trong thay đổi, phát triển hoạt động sáng tạo. 

“Trong các chuyến đi thực tế, từ các khu công nghiệp, vùng nông thôn mới đến hải đảo..., bên cạnh các họa sĩ lớn tuổi, ông rất quan tâm tạo điều kiện cho các họa sĩ trẻ đi thực tế để có tác phẩm tốt. Có được những thay đổi của mỹ thuật Việt Nam trong hai thập niên qua, không thể không nhắc đến những đóng góp của ông”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Còn họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Văn Chiến nhận xét: “Giới họa sĩ luôn ghi nhận cống hiến của họa sĩ Trần Khánh Chương trong 20 năm miệt mài, tận tâm giữ cương vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông luôn chăm lo đến hoạt động của hội, duy trì đều đặn các triển lãm khu vực hằng năm trong cả nước. Ông là người thẳng thắn, chân thực, gần gũi, chan hòa và được mọi người quý mến. Dù bận nhiều công việc nhưng ông luôn dành thời gian cho sáng tác, gửi gắm tài năng, cảm xúc cho cái đẹp nghệ thuật”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương ra đi vào đúng dịp cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Giới nghề cùng người yêu hội họa cảm thấy trống vắng khi họa sĩ Trần Khánh Chương, người khắc họa hình ảnh Điện Biên năm ấy bằng hội họa đã không còn nữa. Thế nhưng hình ảnh về người họa sĩ cả đời miệt mài, đắm say với hội họa sẽ còn lưu dấu trong đời sống mỹ thuật nước nhà.

Họa sĩ Trần Khánh Chương sinh năm 1943 tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1999 đến 2019; Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh  niên, Thiếu niên và Nhi đồng khóa XI (2002 - 2007). Ông đã vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007). Ngoài ra, ông từng nhận Giải thưởng chính thức Triển lãm đồ họa quốc tế Integraphic 1984, Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam và Giải thưởng ngành phê bình mỹ thuật, Huy chương Vàng Triển lãm Thủ công mỹ nghệ toàn quốc, Huy chương Bạc Sách hay - Giải thưởng Sách Việt Nam...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Trần Khánh Chương: “Mắt cười gửi lại theo mây đi về...”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.