Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú: Nguồn năng lượng hội họa dồi dào

Trà Giang| 25/04/2021 05:35

(HNMCT) - Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú từ lâu đã nổi tiếng trong làng báo bởi sức lao động sáng tạo miệt mài. Ngoài hơn 3.000 tranh minh họa đăng tải trên 29 tờ báo và tạp chí trong hàng chục năm qua, gia tài của ông còn có cả nghìn tác phẩm bột màu, sơn dầu, đồ họa...

Từ ngày 18 đến ngày 27-4, tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam (16 Ngô Quyền), công chúng có dịp thưởng thức một số tác phẩm bột màu mà ông vẽ cách đây quãng nửa thế kỷ, những tác phẩm đánh dấu thời thanh niên sôi nổi của người họa sĩ, gắn liền với một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước.

- Thưa họa sĩ Nguyễn Đăng Phú, tại sao thời điểm này ông lại chọn trưng bày những tác phẩm được sáng tác cách đây nửa thế kỷ?

- Người nghệ sĩ quý nhất là làm được 2 điều: Một là in sách tập hợp lại toàn bộ quá trình sáng tác, hai là triển lãm để mọi người thấy được tác phẩm của mình. Hai cái đó quý lắm mà tôi làm được cả hai thì thỏa mãn vô cùng, nhất là ở tuổi này, khi quỹ thời gian của mình còn rất ít. Với triển lãm này, tôi muốn kỷ niệm một giai đoạn vẽ gắn với tuổi trẻ của mình.

Triển lãm trưng bày hơn 40 tác phẩm bột màu tôi vẽ từ năm 1967 - 1980, khi mới ra trường. Thời gian đó, tôi ban ngày đi làm ở cơ quan nhà nước, buổi tối và cuối tuần đi dạy thêm nên muốn vẽ thì phải hết sức tranh thủ. Cứ buổi đêm, tôi lọ mọ vào các xí nghiệp, nhà máy, công trường để vẽ. May mắn lúc đó tôi làm ở báo Hải Phòng nên có thẻ phóng viên, được ưu tiên vào các cơ sở. Hơn 10 năm tuổi trẻ sôi nổi đó, tôi vẽ được 200 - 300 tranh chuyên về bột màu. Tranh chủ yếu phản ánh sản xuất, chiến đấu, con người và phong cảnh Hải Phòng. Những năm 1978 - 1979 tôi chuyển về Hà Nội công tác và bắt đầu vẽ về Thủ đô, những bức vẽ về Hà Nội giai đoạn này chủ yếu là tranh phong cảnh.

- Nhìn lại những sáng tác của một thời trai trẻ, ông có cảm xúc như thế nào?

- Mỗi tác phẩm gắn với những kỷ niệm sáng tác rất khó quên. Hoàn cảnh đất nước lúc đó rất đặc biệt. Năm 1974, Mỹ thả thủy lôi ở cửa sông Cấm, sông Bạch Đằng, thủy lôi lừ lừ trôi vào sông. Tôi khi đó cùng một số nhà báo đi thực tế phải đi một chiếc thuyền nan, tất cả đều làm bằng dây dợ, tre pheo để đảm bảo an toàn vì sắt chạm vào thủy lôi là phát nổ. Mới 3 - 4h, người dân ở đó chèo thuyền chở chúng tôi đi, nhìn những quả thủy lôi phập phồng nổi lên rồi vẽ ký họa, tảng sáng thì về luôn vì sợ máy bay Mỹ phát hiện. Sau này là kỷ niệm vẽ ở đồng muối Bằng La, ngồi vẽ dưới trưa nắng mà ngất luôn vì say nắng, kỷ niệm ngồi vẽ trong những hầm sửa chữa tàu, sà lan với tiếng gõ búa đinh tai, hay kỷ niệm lần đầu ra Bạch Long Vĩ bị say tàu nhưng biết thêm rất nhiều điều lạ về cuộc sống trên đảo... Đó đúng là thời trẻ say mê không ngán gì cả!

- Qua mỗi giai đoạn, người nghệ sĩ lại vẽ theo một phong cách khác, bút pháp khác. Những bức tranh cách đây nửa thế kỷ có gì khác với hôm nay, thưa ông?

- Bút pháp ngày ấy mộc mạc, đơn giản, gần gũi. Mỗi tác phẩm phản ánh cụ thể từng ngành nghề, ví dụ vẽ về nhà máy dệt len Hàng Kênh thì vào xem công nhân họ đang dệt, tỉa thảm, rồi công nhân thổi thủy tinh... Mỗi tác phẩm đều hết sức thực tế nên tạo dựng một gam màu, không gian thay đổi, phong phú.

Tranh bây giờ nặng về kỹ thuật, đó cũng là điều bình thường bởi anh có tay nghề rồi thì thích biểu diễn. Vẽ không có kỹ thuật thì dở, nhưng nhiều khi lạm dụng kỹ thuật thì độ rung cảm ít. Nhiều người bảo tôi tranh bây giờ đẹp nhưng xưa mộc mạc, tung tẩy hơn, nhát bút hồn nhiên hơn; giờ mỗi nhát bút đều đắn đo, cân đối, cân nhắc kỹ quá nên nhiều khi bị khô.

Khán giả thưởng thức tranh của họa sĩ Nguyễn Đăng Phú tại triển lãm. Ảnh: Nhật Nam

- Ông nổi tiếng trong làng báo bởi khả năng vẽ nhanh, nhiều và ý thức làm việc chuyên nghiệp. Gần đây sức khỏe không được tốt nhưng ông vẫn bền bỉ sáng tác, lao động miệt mài khiến mọi người rất khâm phục!

- Tôi từng dạy ở 3 trường đại học, vẽ minh họa cho 29 tờ báo, tạp chí. Số minh họa tôi vẽ từ năm 1971 - khi ra trường, đến nay khoảng 3.000 bức, đóng thành tập, chồng lên cao hơn đầu người. Ngoài sáng tác, tôi còn dạy học, làm công tác xã hội... nên nói thật là bận kinh khủng. Quá trình đó tạo thành một thói quen không làm việc là sẽ thấy buồn, tôi không để mình buồn nên cứ rảnh ra là vẽ. Tôi chỉ tiếc là không có nhiều thời gian hơn. Bây giờ bệnh cũng nặng rồi nhưng vẫn cố gắng để vẽ, với những tờ báo thân thiết như Hànộimới Cuối tuần, tôi đã gắn bó hàng chục năm, không vẽ thì nhớ, giống như duyên nợ vậy.

- Chân thành cảm ơn họa sĩ! Chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sáng tác!

“Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú sinh năm 1947, ông có 54 năm sáng tác nghệ thuật và có những kết quả rất mỹ mãn, đó là 3 lần đoạt Giải A tranh cổ động toàn quốc, 3 lần được giải thưởng quốc tế, hàng loạt giải thưởng trong nước khác. Trong sự nghiệp của mình, ông đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân ở trong và ngoài nước. Trong giới mỹ thuật, ông là người mẫu mực về sáng tác liên tục và có nhiều đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam”.

(Họa sĩ Phạm Phi Châu)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú: Nguồn năng lượng hội họa dồi dào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.