Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hoa rừng” trên tuyển

Nguyễn Chiến| 08/03/2014 07:28

(HNM) - Họ, những cô gái dân tộc ít người đã và đang có đóng góp đáng kể cho thể thao Việt Nam. Trong tương lai, tài năng và sự khổ luyện của họ hứa hẹn mang vinh quang về cho đất nước.


Ở Đội tuyển Bắn súng quốc gia, cái tên Triệu Thị Hoa Hồng đã được nhắc đến nhiều sau khi cô giành HCV đồng đội 25m súng ngắn thể thao tại SEA Games 27. Triệu Thị Hoa Hồng là người dân tộc Nùng. Bố mẹ cô từ Cao Bằng tới vùng kinh tế mới Đắk Lắk lập nghiệp rồi sinh ra Hồng. Hiện giờ, Hoa Hồng đang đầu quân cho đội bắn súng của TP Hồ Chí Minh.

Hoa Hồng đến với bắn súng khá muộn, năm 2010, khi đã 19 tuổi sau một thời gian đeo đuổi môn bóng chuyền. Tới tháng 10-2013, với thành tích đáng ghi nhận tại Giải các tay súng xuất sắc 2013 nên Hoa Hồng được gọi vào Đội tuyển quốc gia dự SEA Games 27. Thêm 1 tuần thể hiện thành tích ở cuộc thử sức nội bộ, Triệu Thị Hoa Hồng mới thuyết phục được HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung đưa cô vào danh sách thi đấu chính thức. Tấm HCV đồng đội tại SEA Games 27 đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho cô Triệu Thị Hoa Hồng có tên trong đợt tập trung Đội tuyển quốc gia năm 2014, thuộc số "làn sóng mới" của bắn súng nữ Việt Nam.

Thể thao Hà Nội có Lộc Thị Đào "lạ" không kém. Cô gái người dân tộc Tày, quê ở Bắc Giang, mới 21 tuổi nhưng đã là số 1 ở nội dung cung một dây nữ và hầu hết kỷ lục quốc gia ở nội dung này trong vài năm gần đây đều ghi đậm dấu ấn của cô. Ban đầu Lộc Thị Đào tập bóng rổ. "Sau Hội khỏe Phù Đổng 2008, tôi được mời về thi đấu cho bóng rổ Hà Nội. Đáng tiếc, sau đó đội bóng rổ Hà Nội giải thể nên tôi được giới thiệu chuyển qua môn khác. Thấy bắn cung hay hay nên đăng ký tập thử và thế là bén duyên luôn" - Lộc Thị Đào kể. Cô nói rằng, chẳng bao giờ mình có cảm giác tự ti khi thi đấu. "Tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010, tôi đoạt 4 HCV. Kỳ đại hội tới, tôi cố gắng giữ vững thành tích trên cũng như đạt thành tích tốt tại ASIAD 2014" - cô cho biết về mục tiêu trong năm nay. Mang trong mình dòng máu người dân tộc Tày, quê Bắc Giang, nhưng khoác áo đội tuyển Hà Nội, có thể trường hợp Lộc Thị Đào hơi lạ. Nhưng đó là điều thuận theo quy luật của thể thao, là "đất lành chim đậu".

Cô gái dân tộc Mông (Lào Cai) Lừu Thị Duyên đã đi vào lịch sử quyền Anh Việt Nam khi là tay đấm nữ đầu tiên giành HCV SEA Games 2013. Tay đấm này kể rằng, mẹ cô là người dân tộc Kinh còn bố là người dân tộc Mông ở Lào Cai. Ban đầu, Duyên đến với quyền Anh vì tò mò, lâu dần thành đam mê. Giờ thì đến xã Hoàng Phào - huyện Bảo Thắng (Lào Cai) hầu như ai cũng biết cái tên Lừu Thị Duyên - cô gái người Lào Cai đang vào guồng chuẩn bị cho ASIAD 2014 và là VĐV trọng điểm của bộ môn quyền Anh Việt Nam.

VĐV điền kinh Quách Thị Lan cũng là cái tên quen thuộc đối với người hâm mộ. Sự thăng tiến về thành tích trong 2 năm gần đây của cô gái người Mường sinh ra ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã giúp các nhà quản lý có thêm lựa chọn trong chiến dịch tranh huy chương tại ASIAD 2014 cũng như các giải quốc tế sau đó. Tại SEA Games 27, Quách Thị Lan không ở phong độ cao nhất nhưng cũng giành 3 HCB, khiến đối thủ nể phục. "Bây giờ, nhiều đối thủ biết tới tôi hơn nên áp lực thành tích rất căng thẳng. Nhưng tôi còn trẻ, vẫn tập luyện đúng và đủ theo giáo án để hướng tới ASIAD 2014" - Quách Thị Lan nói.

Ngoài những gương mặt tiêu biểu nói trên, hiện còn rất nhiều VĐV nữ người dân tộc khác đã và đang song hành trong sự phát triển của thể thao nước nhà. Sự góp mặt của họ thực sự mang đến sự đa dạng cho thể thao Việt Nam, gợi mở về nguồn tuyển chọn nhân tài trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hoa rừng” trên tuyển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.