(HNNN) - Người cầm cân nảy mực muốn cho đại cục ổn định phải biết dùng cương nhu đúng lúc, cư xử đúng mực, luôn làm cho kẻ dưới phải trung thành.
Cảnh vẽ trong tranh là trăng tròn sáng tỏ, mọi việc êm đẹp. Có ba người cùng xuất hiện là biểu thị của thế chân vạc: Người quan sát suy nghĩ, người làm thuyết giảng, người tự vệ, đó là sự ổn định lâu bền. Tuy nhiên, giữa họ có một con chuột là sự cảnh báo sẽ có sự nghi kỵ và mất đi lòng tin, phá vỡ thế ổn định. Đỉnh vốn là dụng cụ để đun nấu, có thế ba chân vững chãi, đó là cách hiệp đồng phối hợp cùng nhau an toàn nhất đó là sự hợp lực của “ba ông thợ da bằng Gia Cát Lượng”. Tuy nhiên, nếu có phụ nữ dính vào tình yêu tay ba thì sẽ rắc rối phức tạp.
Theo Thuyết văn, đỉnh là thứ đồ quý có ba chân, hai quai. Đỉnh ngụ ý kỹ năng, kỹ thuật xử lý lương thực thực phẩm hay tài năng con người cho đúng thì sẽ thành công. Và, điều quan trọng là phải biết cách dung hòa, những ham muốn, sở thích của mình và cách thức làm việc sao cho có ích. Chuyện xưa kể, có nhà sư Mã Tổ nhắm mắt ngồi thiền trên tấm bồ đoàn để muốn thành Phật. Thiền sư Hoài Nhượng bèn lấy một cục đá ngồi mài xoèn xoẹt. Mã Tổ khó chịu hỏi xem đang làm gì, Hoài Nhượng đáp làm gương soi. Mã Tổ thắc mắc cục đá sao biến thành gương soi được? Hoài Nhượng liền hỏi vậy ngồi thiền làm sao thành Phật được. Ví như con bò kéo xe mà cái xe không chịu đi thì phải đánh con bò hay cái xe? Cũng như việc ngồi thiền để thành Phật vậy! Thành Phật là sự giác ngộ trong tiềm thức và tâm linh, không phải ở chỗ ngồi hay đứng. Không phải dựa vào ý muốn mà thành Phật được mà phải dựa vào trình độ thấu hiểu Phật lý và tu luyện cao siêu. Triệu của đỉnh là ngư ông đắc lợi (cò ngao tranh chấp ngư ông thủ lợi). Màu sắc của quẻ này là đỏ - xanh tạo nên trạng thái tinh thần sôi nổi, hoạt bát, khỏe khoắn.
Đỉnh có liên quan mật thiết với xã hội cổ đại kể từ khi vua Vũ đúc được 9 cái đỉnh đại diện cho uy quyền trải qua hàng chục đời. Khi Sở Trang Vương Bắc phạt hỏi bóng gió về sự nặng nhẹ của đỉnh. Khi Tần diệt Chu cũng muốn di 9 đỉnh về mình. Bởi thế, đỉnh tượng trưng cho sự ổn định của tổ chức chính quyền và ý thức dưỡng dụng hiền tài... Những điều cần lưu ý của đỉnh bao gồm:
1. Khi dụng người, cần dứt khoát bỏ đi những đối tượng lạc hậu, thoái chí để thay vào những ai mới mẻ, tiến bộ. Phải thử người trước khi dùng để tránh nhầm lẫn. Thời nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên là một đại thần của Từ Hi Thái hậu. Một lần ông hẹn tiếp ba người khách đều là những người được tiến cử cho công việc. Ba người này đến nhà ông, ngồi chờ ở phòng khách đến trưa mà vẫn không được gặp mặt. Một người ngồi trầm tư suy nghĩ, một người đi đi lại lại, còn người thứ ba tỏ vẻ tức giận, chán nản ra mặt. Đến tận chập tối, Tăng cho người nhà ra báo rằng họ đã được tuyển vào làm, không cần gặp ông nữa. Có người thắc mắc sao không gặp mà đã dụng người? Tăng giải thích: Ta đã bí mật quan sát cả ba người. Người trầm tư có tính tình không vui vẻ sẽ chết non nhưng chín chắn; người đi đi lại lại có tính kiên cường, điềm tĩnh, có tài; người bực tức tính anh dũng quả cảm, dám hy sinh vì đại nghiệp. Quả nhiên, về sau người thứ nhất mắc bệnh mất sớm. Người thứ hai làm quan Thượng thư bộ binh được tín phục. Người thứ ba đánh thắng nhiều trận, làm quan Tuần phủ và hy sinh trong một trận đánh. Quả là trình độ nhìn nhận con người của Tăng Quốc Phiên rất tinh tường.
2. Người có văn hóa và tri thức cần thể hiện tài năng và trí tuệ qua lời ăn tiếng nói. Bởi họa - phúc cũng đến từ câu nói. Thời Chiến quốc, Chu Thế Tông lên ngôi hoàng đế, hăng hái muốn ra trận đánh quân Bắc Hán. Phùng Đạo là người rất giỏi, lại là nguyên lão đại thần qua bốn đời vua đã lên tiếng khuyên can. Thế Tông nói: Tiên đế dựng nghiệp cũng thân chinh tự làm. Trẫm sao dám an nhàn? Phùng hỏi: Không biết bệ hạ có trở thành tiên đế thứ hai không? Thế Tông lại nói: Ta đánh Bắc Hán, thế mạnh như núi đè trứng, lo gì. Phùng lại hỏi: Không biết bệ hạ có thể trở thành quả núi lớn không? Thế Tông nổi giận, tước quyền hành của Phùng và bắt đi xây lăng mộ, xây xong thì Phùng chết. Cũng thời Xuân Thu, Tề Cảnh Công áp dụng hình phạt chặt chân tràn lan. Tướng quân Án Tử muốn khuyên vua giảm hình phạt, nhưng chưa có dịp. Một lần, Cảnh Công hỏi, nhà Án Tử ở gần chợ chắc biết hiện thứ gì đắt nhất và rẻ nhất? Án Tử trả lời ngay: Hiện thứ đắt nhất là chân giả, thứ rẻ nhất là giầy, dép. Bởi hình phạt hiện nay nặng quá, người bị chặt chân nhiều, do đó ít người mua giày, nhiều người mua chân giả. Cảnh Công im lặng lẩm bẩm: Tàn nhẫn quá! Rồi hôm sau ban lệnh giảm hình phạt trong toàn quốc.
3. Người lãnh đạo muốn giữ vững vị trí của mình cần phải khẳng định danh phận công khai, đàng hoàng, chính đáng nhờ đó mới có thể phát huy hết vai trò của mình trên chính trường. Thời Chiến quốc, Tần Thục Vương định đánh Đông - Tây Chu, Trương Nghi can rằng: Nếu làm vậy sẽ mang tiếng xấu bức ép thiên tử nhà Chu, sẽ bị dân chúng phản đối. Chi bằng đánh trước Thục là một nơi hẻo lánh, thủ lĩnh lại bạo ngược, ta đánh vừa thu của cải vừa được danh tiếng tốt. Quả nhiên, Tần đánh Thục được các nước ủng hộ, lợi đơn lợi kép. Trong lịch sử nước ta, khi quân Thanh sang xâm lược, nhận được tin cấp báo của Ngô Văn Sở, Nguyễn Huệ sai đắp đài lễ tế trời đất, lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung để bố cáo thiên hạ. Rồi tổ chức duyệt binh ở Nghệ An, kêu gọi tướng sĩ: Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam phương Bắc chia nhau mà cai trị... Nay người Thanh lại sang mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận, huyện không trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng... Chỉ trong nửa tháng, ông đã đại phá quân Thanh.
4. Đã là người hiền tài thì phải đủ cả đức tài. Nếu khuyết đi một thứ thì chọn người có đức, không chọn người có tài. Bởi có đức vô tài vẫn có thể nhờ người giữ cơ nghiệp, còn có tài vô đức thì chỉ làm hỏng tiền đồ. Sách Thông giám viết: Có đủ mười phần tài đức là Thánh nhân. Tài đức đều không có, là kẻ ngu. Đức thắng tài, ấy là người quân tử. Tài thắng đức ấy là kẻ tiểu nhân. Quân tử dùng tài làm việc thiện. Tiểu nhân dùng tài làm việc ác. Từ xưa đến nay, kẻ loạn thần hại nước, kẻ con cái phá nghiệp nhà, tài có thừa, mà đức chẳng đủ, kể ra rất nhiều.
5. Sử dụng người tài giỏi đến mức nào cũng phải giữ chừng mực nhất định, không ỷ vào họ hoàn toàn, mà phải có cách khống chế họ, nếu không họ sẽ cậy công làm bừa. Người lãnh đạo cần có khả năng đó. Khi Hán - Sở tranh hùng, Lưu Bang dựa vào Hàn Tín để thắng trận. Lúc Hàn Tín đánh bại vua Tề, đã xin Lưu Bang để cho ông ta làm Tề vương. Tuy nghi ngờ và bực tức, nhưng Lưu Bang phải đồng ý. Mưu sĩ của Hàn Tín là Khoái Triệt khuyên Tín rằng, nên nhân cơ hội này mà chia ba thiên hạ cùng Lưu - Hạng, nhưng Hàn Tín luôn cho rằng, mình có công lao to lớn, Lưu Bang chẳng thể làm gì được. Nhưng sau khi xưng đế, Lưu Bang vẫn không yên tâm về Hàn Tín, ông ta đã tìm cách giải trừ binh quyền, phong Tín làm Sở vương, giáng chức làm Hoài âm hầu, giam lỏng ở Lạc Dương. Lúc đó, Hàn Tín bất mãn, định âm mưu tạo phản với Trần Hi. Cuối cùng, Lữ Hậu mới bày kế bắt và xử tử Hàn Tín - một người dũng lược, cậy công át chủ, danh tiếng bao trùm thiên hạ hơn cả vua.
6. Người cầm cân nảy mực muốn cho đại cục ổn định, phải biết dùng cương nhu đúng lúc, cư xử đúng mực, luôn làm cho kẻ dưới phải trung thành. Thời nhà Đường, khi Thái Tông tuổi cao, sức yếu, năng lực giảm sút, bèn vin vào một cớ nhỏ để điều chuyển một trung thần, Đại tướng quân Lý Tích đến một nơi xa xôi, hẻo lánh nhậm chức. Sau khi Lý Tích đi, Thái Tông nói với thái tử Lý Trị rằng: Vì Lý Tích có tài năng hơn người, nên ta điều ông ấy đi. Sau khi con lên ngôi, con phải lập tức xuống chiếu triệu ông ta về, phục chức cũ và trọng dụng, như thế ông ta sẽ cảm kích vì cái ơn tin dùng của con mà một lòng trung thành với con. Sau khi Thái Tông mất, Cao Tông lên ngôi, lập tức triệu Lý Tích về triều, quả nhiên Lý Tích cống hiến hết mình cho vua mới. Đó là cách dùng người rất cao minh của vua Đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.